Ngày 10/10, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch công bố báo cáo đánh giá triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Tập đoàn Vingroup. Theo đó, dù giữ nguyên mức xếp hạng ở B+, triển vọng xếp hạng của tập đoàn này bị điều chỉnh từ ổn định xuống tiêu cực.
Triển vọng 'tiêu cực'
Theo Fitch, mức triển vọng “tiêu cực” của Vingroup phản ánh rủi ro đang tăng lên trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn này. Điều chỉnh xuất phát từ việc Vingroup vay vốn để tài trợ cho lĩnh vực sản xuất ôtô khiến rủi ro đòn bẩy tài chính tăng lên.
Fitch ước tính tỷ lệ nợ ròng trên hàng tồn kho sẽ tăng lên 58% trong năm 2018 trước khi giảm xuống 36% vào năm 2019 do Vingroup đã đầu tư 3,1 tỷ USD vào VinFast, trong đó 1,4 tỷ USD là khoản nợ được đảm bảo. Năm 2017, tỷ lệ nợ ròng trên hàng tồn kho của Vingroup là 45%.
Việc đầu tư vào dự án ôtô VinFast là lý do chính cho việc Fitch hạ triển vọng tín nhiệm của Vingroup từ ổn định xuống tiêu cực. |
Theo Fitch, Vingroup đã tài trợ vốn góp của mình vào VinFast, bằng cách giảm đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản có tính thanh khoản cao. Trong khi đó, Vingroup không có nhiều chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất ôtô. Điều này sẽ làm gia tăng rủi ro khi thực hiện dự án. Tuy nhiên, Vingroup đã tuyển dụng những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực này để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, việc Vingroup tiếp tục chịu lỗ trong mảng bán lẻ và du lịch nghỉ dưỡng cùng dẫn tới quyết định hạ triển vọng của tập đoàn xuống mức tiêu cực.
Fitch cũng xem việc niêm yết của Vinhomes JSC và Vincom Retail là các điểm tiêu cực về tín dụng với lý do sau sau khi IPO, Vingroup chỉ còn giữ lần lượt 74% và 59% cổ phần của 2 công ty này. Điều này đã giảm quyền sở hữu của tập đoàn đối với dòng tiền và tài sản của mình. Đặc biệt, phần lớn nợ của tập đoàn này lại đang đứng tên Vingroup.
'Đầu tư lĩnh vực ôtô có độ rủi ro cao'
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup, xác nhận việc tập đoàn nhận được thông tin xếp hạng tín nhiệm từ Fitch trong ngày 10/10.
“Đầu tư vào lĩnh vực ôtô có độ rủi ro cao nên việc các tổ chức đánh giá tín nhiệm hạ bậc là chuyện không tránh khỏi. Các chuẩn mực xếp hạng tín dụng là như thế, nếu không muốn bị hạ bậc chỉ có cách duy nhất là không thực hiện dự án này”, ông Quang nói.
Ông Quang cho rằng, tổng vốn đầu tư cho dự án VinFast dự kiến lên tới 4,2 tỷ USD, một phần từ nguồn tự có của Vingroup và huy động từ công ty thành viên, một phần lớn đến từ việc huy động bên ngoài là đi vay. Thời gian tới, Vingroup vẫn tập trung huy động vốn thêm cho dự án VinFast.
“Chúng tôi vẫn được Fitch duy trì xếp hạng ở mức B+, tỷ lệ vay trên tổng tài sản vẫn an toàn và Fitch vẫn đang dành những đánh giá tích cực cho mảng kinh doanh khác của chúng tôi” – ông nói.
Trao đổi với Zing.vn, ông Phùng Hữu Hạnh, thạc sĩ tài chính và người sở hữu chứng chỉ CFA dành riêng cho các nhà phân tích tài chính chuyên nghiệp trong các lĩnh vực chứng khoán, đầu tư, quản lý rủi ro, ngân hàng và tài chính, cho biết việc điều chỉnh triển vọng tín nhiệm từ ổn định qua tiêu cực cho thấy quan ngại của Fitch đối với tương lai.
"Nó là chỉ dấu cho việc tổ chức này có thể điều chỉnh hạ bậc ở kỳ tiếp theo. Tuy nhiên, việc hạ bậc hay giữ nguyên sẽ phụ thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh của tập đoàn Vingroup trong thời gian tới".
Ông nói thêm: "Fitch đã nghiên cứu kỹ để thấy khi đầu tư vào VinFast, một mặt Vingroup dùng vốn vay, mặt khác tài trợ bằng vốn tự có thông qua việc bán bớt vốn có ở các lĩnh vực vốn đang tạo ra lợi nhuận tốt như bất động sản. Nói cách khác, Vingroup đang chuyển hướng đầu tư từ lĩnh vực sinh lời tốt sang lĩnh vực rủi ro cao hơn, lại thiếu kinh nghiệm, dù đã thuê nhiều nhân sự giỏi".
Ông cũng lưu ý Fitch chỉ là một trong các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới. "Cần chờ đợi xem các tổ chức khác đánh giá thế nào, có tổ chức nào có hành động hạ bậc tín nhiệm hay cũng chỉ ở mức quan ngại về triển vọng tương lai", ông nói.
Fitch là một trong 3 ông lớn về xếp hạng tín nhiệm trên thế giới, cùng với S&P và Moody's.
Mức xếp hạng tín nhiệm của Vingroup được Fitch đánh giá tích cực hơn một số tập đoàn cùng ngành trong khu vực như Modern Land (hạng B+, triển vọng tiêu cực), Yida China Holdings Limited (hạng B, ổn định) của Trung Quốc và ngang cấp với PT Agung Podomoro Land Tbk (APLN, hạng B+, triển vọng ổn định) của Indonesia. So với các doanh nghiệp khu vực, Vingroup có lợi thế về quy mô và tốc độ thu hồi vốn ở lĩnh vực bất động sản khi dẫn đầu thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đơn vị này lại gánh rủi ro cao trong các lĩnh vực bán lẻ, nghỉ dưỡng và công nghiệp ôtô, với đòn bẩy tài chính lớn, kéo thấp chỉ số tín nhiệm chung của tập đoàn.