Việc ra mắt sản phẩm ôtô đầu tiên mang thương hiệu Việt tại triển lãm Paris Motor Show 2018, VinFast là niềm tự hào và cũng là bước ngoặt của nền công nghiệp nước nhà.
Anh Bình, quê Hải Dương, là một lái xe tải chạy đường dài tuyến Bắc - Nam. Mỗi lần chạy xe trên quốc lộ 1A đoạn qua huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), đi qua nhà máy bỏ hoang, xuống cấp của Vinaxuki, anh không khỏi luyến tiếc cho một hãng xe tưởng chừng như sẽ thay đổi cuộc chơi ôtô thương hiệu Việt.
Khoảng những năm 2007-2010, Vinaxuki là thương hiệu sản xuất lắp ráp xe tải đầy tự hào, và là niềm ao ước của nhiều tài xế như anh Bình. Bản thân anh và nhiều người khác cũng đầy niềm tin và hy vọng khi Vinaxuki sản xuất thêm xe 4 chỗ, thay vì chỉ làm xe tải. Tuy nhiên, giấc mơ đó đã không trở thành hiện thực, nhà máy sản xuất rộng 25 ha của Vinaxuki phủ bụi, xuống cấp, phần lớn bỏ hoang. Nhìn nhà máy từ phía quốc lộ 1A, cỏ dại và cây cối ngày càng mọc dày thêm.
Giấc mơ ôtô Việt tưởng chừng như không thể thực hiện thì đến năm 2017, Vingroup tuyên bố ra mắt thương hiệu VinFast, lấn sân sang lĩnh vực sản xuất ôtô. Nhiều người hoài nghi sau thất bại của Vinaxuki, nhưng cũng nhiều người hy vọng Vingroup có thể làm nên chuyện.
Anh Bình cũng vậy, anh bất ngờ khi Vingroup làm ôtô và không khỏi hoài nghi. Tuy nhiên, “những bước đi” tốc độ của VinFast đang khiến anh lạc quan và tự tin hơn về giấc mơ ôtô Việt trở thành hiện thực.
Ngày 2/9/2017, Vingroup chính thức khởi công tổ hợp sản xuất ôtô tại huyện Cát Hải, Hải Phòng. Tính từ khi khởi công đến khi mang xe đến ra mắt tại triển lãm ôtô Paris Motor Show 2018 tháng 10 chỉ vỏn vẹn hơn 1 năm. Đó là một hành trình khiến bất cứ ai, thậm chí là những nhà sản xuất xe trên thế giới, cũng phải bất ngờ.
Những thông tin về VinFast khiến nhiều người đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đầu tiên là việc hãng này chính thức bắt tay với BMW trong việc mua bản quyền sở hữu trí tuệ để phát triển sản xuất ôtô thương hiệu Việt. VinFast cũng ký hợp đồng với nhà thiết kế Pininfarina để sản xuất 2 xe mẫu sedan và SUV có giá trị 5 triệu USD.
Ngoài BMW, VinFast còn bắt tay với Bosch, Siemens, Pininfarina, Ital Design, Torino Design, Zagato, Magna Steyr, AVL, Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam…. Đó đều là những tên tuổi trong các lĩnh vực thiết kế, cung cấp các giải pháp sản xuất xe, công nghệ, thiết bị, linh kiện, phụ tùng ôtô, đào tạo kỹ thuật viên thế giới...
Khi đã có mẫu xe và bắt tay với các thương hiệu hàng đầu thế giới, tháng 6 năm nay, VinFast thành lập liên doanh với AAPICO (Thái Lan) tại Hải Phòng để cung cấp các chi tiết thân vỏ cho 2 mẫu ôtô đầu tiên. Ngoài ra, VinFast chi khoảng 105 triệu USD cho việc mua đồ gá, khuôn, xây dựng nhà xưởng cho hạng mục này.
Cũng tháng đó, để chuẩn bị kênh phân phối và hệ thống bảo dưỡng xe, VinFast ký thỏa thuận quản lý lại toàn bộ hoạt động của GM tại Việt Nam, bao gồm nhà máy, nhân sự và cả hệ thống đại lý. Hãng này mua bản quyền một mẫu xe nhỏ hoàn toàn mới từ GM, chính thức hoàn tất kế hoạch ra mắt một mẫu ôtô Việt Nam vào năm 2019.
Cái bắt tay với GM của VinFast đập tan hoài nghi về các hệ thống đại lý trên toàn quốc mà bất kỳ hãng xe nào cũng cần có. Với cả chục năm gây dựng hệ thống GM tại Việt Nam, VinFast có thể thừa hưởng, mở rộng thêm một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Và việc VinFast ra mắt với toàn thế giới một chiếc xe gắn logo Việt, không thua kém các thương hiệu lớn như Mercedes, BMW, Audi, Lexus, Porsche, Rolls Royce, Bentley, Peugeot… sau một hành trình ngoạn mục, tốc độ như vậy khiến nhiều người tự hào.
Nói như ông Phạm Thành Lê, Phó tổng giám đốc Otofun - diễn đàn về ôtô lớn nhất Việt Nam, thì “một năm trước, chữ VinFast chỉ có trên băng rôn trước một bãi đất trống. Sau 365 ngày, chữ VinFast đó đã nằm sau đuôi hai chiếc ôtô thật và chuẩn bị ra sân khấu thế giới. Đó là một sự kiện hữu đầy kiêu hãnh”.
Trong suốt hơn một năm qua, bất cứ thông tin mới vào về VinFast đều nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Từ khi khởi công, đến khi công bố và bình chọn các mẫu thiết kế xe, đến khi những hình ảnh đầu tiên của chiếc xe thật bị rò rỉ, VinFast đều nhận được sự quan tâm, bàn luận của đông đảo người quan tâm.
Ngoài những đánh giá tích cực, VinFast nhận không ít hoài nghi về việc liệu có thể cho ra đời một hãng xe Việt nhanh đến thế được không. Thậm chí là hoài nghi về chất lượng, tỷ lệ nội địa hóa và những mục tiêu của VinFast đưa ra. Tuy nhiên, chuyên gia hàng đầu về ôtô tại Việt Nam ông Nguyễn Thanh Hải thì cho rằng VinFast đang đi những bước đi “bài bản”, “khôn ngoan” để giúp tiết kiệm thời gian, đi tắt đón đầu.
“Để đạt được tiến độ như vậy, VinFast đã chọn cách tiếp cận, cách làm rất đúng đắn, kết hợp với tốc độ triển khai dự án rất nhanh. VinFast hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới trong xây dựng nhà máy, trong sản xuất, về công nghệ. Thứ hai là cách làm đi tắt đón đầu. VinFast sử dụng các nguồn lực, các nhà cung cấp tốt nhất trên thị trường hiện có. Thứ ba là triển khai quyết liệt, nhanh chóng, phong cách làm việc đặc trưng của Vingroup, công ty mẹ của VinFast”, ông nói.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác nói rằng VinFast làm bài bản cả về nhân sự, công nghệ, mẫu mã, đến hệ thống phân phối.
Về nhân sự, chỉ 3 tuần sau khi ra mắt, Vingroup bổ nhiệm James B.DeLuca, cựu Phó chủ tịch điều hành hoạt động sản xuất toàn cầu General Motors (GM), làm Tổng giám đốc nhà máy sản xuất ôtô VinFast. Đây được coi là một nhân lực dày dặn kinh nghiệm trong ngành ôtô, được kỳ vọng có thể giúp VinFast bứt phá.
Một nhân sự hàng đầu về ôtô của Việt Nam là ông Võ Quang Huệ, từng là Tổng giám đốc Bosch Việt Nam, cũng sang đầu quân cho Vingroup với tư cách là Phó tổng giám đốc ngành ôtô, giám sát dự án sản xuất ôtô VinFast.
Về công nghệ, VinFast bắt tay ngay Bosch cùng một loạt tên tuổi khác để nghiên cứu và “đi tắt đón đầu”. Về vốn, Credit Suisse AG, một trong những tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới, thu xếp cho VinFast khoản vay 800 triệu USD.
Về kiểu dáng mẫu mã, Vingroup đặt hàng các hãng thiết kế danh tiếng nhất trên thế giới là Ital Design, Pininfarina thực hiện. Sau đó thăm dò ý kiến khách hàng Việt Nam, rồi mới chọn ra 2 mẫu sedan và SUV sản xuất.
Ở một hướng khác, tổ hợp nhà máy rộng 335 ha của VinFast ở Hải Phòng được nhanh chóng hoàn thiện. Nơi đây đặt cả những xưởng sản xuất của liên doanh với đối tác, sản xuất phụ trợ cho sản phẩm. Vào tháng 7 năm nay, người ta đã thấy VinFast mang những cánh tay robot dự kiến được đặt trong nhà máy sản xuất đến các triển lãm về Cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này cho thấy VinFast đã sẵn sàng sản xuất hàng loạt mẫu xe mới và chính thức bán thương mại vào năm 2019.
Ông Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao tầm nhìn của VinFast khi quy tụ được các đối tác lớn trên thế giới vào chuỗi sản xuất của mình. VinFast đã thuyết phục được các nhà cung cấp tin vào tiềm năng phát triển của VinFast, tin vào ý nghĩa của việc tạo dựng thương hiệu ôtô đầu tiên của Việt Nam.
“Khi các tên tuổi lớn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất ôtô đã tin vào những gì VinFast đang làm thì không có lý do gì người Việt lại thiếu niềm tin vào VinFast cả”, ông nói.
VinFast ra đời giữa bối cảnh hàng chục năm “loay hoay” của ngành công nghiệp ôtô trong nước. Theo TS Trần Hữu Nhân, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật ôtô - Máy động lực, Đại học Bách khoa TP.HCM, sau 20 năm bảo hộ, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam vẫn loay hoay ở mức độ lắp ráp và tăng tỷ lệ nội địa hóa. Ông thẳng thắn chỉ ra Việt Nam thua xa các nước trên thế giới cả về trình độ kỹ thuật và công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ôtô.
Vị này cũng cho rằng để có một sản phẩm ôtô chất lượng trên thị trường là điều không hề đơn giản. Để làm ra một sản phẩm chất lượng, có thương hiệu đi vào lòng người, điều khó khăn nằm nay trong tư duy người dùng. Ông đặt câu hỏi liệu người dân Việt Nam có sẵn sàng bỏ tiền ra mua một chiếc ôtô "made in Vietnam" hay muốn một chiếc xe nhập khẩu có tên tuổi, thương hiệu hơn.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ôtô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản). Giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Mục tiêu tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%.
Bộ này đánh giá nếu các nhà sản xuất ôtô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh với thị trường khu vực khi Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, cuộc chơi ôtô của Việt Nam đã dần thay đổi khi VinFast ra đời. Ông Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc dự án sản xuất ôtô VinFast, cho biết chưa đến 2 năm hãng này sẽ cho ra mắt sản phẩm ôtô mang thương hiệu Việt. Đây thực sự là một bước ngoặt với thị trường hiện tại.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, cho rằng việc một doanh nghiệp Việt mang xe thương hiệu trong nước đến dự triển lãm ôtô hàng đầu thế giới tại Paris là một “bước ngoặt”, “mạnh dạn”.
“Doanh nghiệp phải tự tin vào mặt hàng của mình mới có thể đem đến một triển lãm uy tín hàng đầu châu Âu và thế giới. Tham gia triển lãm tại châu Âu là một tín hiệu tốt. VinFast đã mạnh dạn mà không phải doanh nghiệp nội địa nào cũng làm được”, ông phân tích.
GS Trần Văn Thọ, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nói rằng sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt, sự ra đời của thương hiệu ôtô đầu tiên của Việt Nam góp phần quan trọng làm tăng sự độc lập, tự chủ của nền kinh tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nhấn mạnh việc xây dựng nền kinh tế tự chủ là định hướng quan trọng. Ông nhìn nhận Vingroup là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc thực hiện định hướng này, qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ các công ty, đơn vị trong nước đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Có lẽ với sự thay đổi mang tính bước ngoặt với cái tên VinFast, giấc mơ ôtô thương hiệu của người Việt đã trở thành hiện thực với sản phẩm đầu tiên trình làng tại châu Âu. Đó là điều ý nghĩa và tự hào không chỉ với ngành công nghiệp ôtô, mà của cả nền kinh tế.