Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vinaconex dự kiến lãi ròng giảm 40%

Khi không còn lợi nhuận đột biến từ hoạt động tài chính, Vinaconex dự kiến lãi ròng sau thuế cả năm nay giảm 40%, bất chấp tổng doanh thu hoạt động tăng 41% so với năm 2020.

Tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex (VCG) cho biết ban lãnh đạo công ty này đang có kế hoạch trình cổ đông chỉ tiêu kinh doanh năm nay với mức doanh thu tăng 41% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 40%.

Cụ thể, HĐQT Vinaconex đưa ra mức doanh thu kế hoạch cả năm nay là 12.230 tỷ đồng, tăng 41% so với năm liền trước. Tuy nhiên, do không còn lợi nhuận đột biến từ hoạt động đầu tư tài chính (chủ yếu là thoái vốn tại công ty con, công ty liên kết) nhà thầu xây dựng này ước tính lợi nhuận sau thuế cả năm chỉ đạt 1.008 tỷ, giảm 40%.

Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm

Tương ứng với kế hoạch kinh doanh hợp nhất, HĐQT Vinaconex cũng trình cổ đông kết quả kinh doanh của công ty mẹ năm nay với 7.633 tỷ doanh thu và 965 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 39% về mặt doanh thu nhưng giảm 42% về lợi nhuận.

Trong số này, nguyên nhân chính khiến kết quả lợi nhuận của Vinaconex giảm mạnh là do năm 2020, công ty đã thu về khoản lãi đột biến từ việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).

Ngoài ra, Vinaconex còn thoái toàn bộ vốn sở hữu tại Công ty CP Đầu tư và phát triển năng lượng Vinaconex (VCP) và Công ty TNHH MTV Giáo dục Phúc Yên.

Đáng chú ý, An Khánh JVC chính là chủ đầu tư dự án Splendora - dự án bất động sản có quỹ “đất sạch” lớn nhất Hà Nội hiện nay. Hiện dự án này mới triển khai gần 51/264 ha đất.

Vinaconex du kien lai rong giam 40% anh 1

Thoái vốn khỏi dự án Splendora (Hoài Đức, Hà Nội) là lý do lợi nhuận năm 2020 của Vinaconex cao đột biến dù hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Ảnh: Hoàng Hà.

Dự án ban đầu do Vinaconex và Posco E&C (Hàn Quốc) cùng phát triển với tỷ lệ sở hữu 50% mỗi bên. Tuy nhiên, năm 2017, Posco E&C đã chuyển nhượng toàn bộ vốn nắm giữ tại đây cho Công ty CP Địa ốc Phú Long (liên quan Sovico) với giá 683 tỷ đồng.

Trong đợt thoái vốn của Vinaconex, đối tác đứng ra mua lại phần vốn tại dự án này được xác định là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Pacific Star, cũng là một doanh nghiệp có liên quan tới Sovico.

Về kế hoạch kinh doanh năm nay, để đạt được mức doanh thu trên 12.000 tỷ cả năm, Vinaconex dự kiến đẩy mạnh hoạt động trong 3 lĩnh vực gồm xây dựng, bất động sản và đầu tư tài chính (thông qua mua bán và sáp nhập công ty).

Trong lĩnh vực xây dựng, tổng công ty này cho biết sẽ tập trung đấu thầu các công trình có vốn ngân sách Nhà nước, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài mà có điều kiện thu hồi vốn nhanh, hoặc các công trình xây dựng dân dụng công nghiệp vốn là thế mạnh của Vinaconex.

Trong lĩnh vực bất động sản, tổng công ty dự kiến đẩy nhanh tiến độ các dự án Khu đô thị mới Cái Giá Cát Bà Amatina (Vinaconex ITC); dự án Tổ hợp văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp Green Diamond tại số 93 Láng Hạ (Hà Nội); dự án Khu đô thị đại lộ Hòa Bình (Quảng Ninh) kéo dài; và Khu đô thị mới Thiên Ân (Vinaconex 25)…

Công ty cũng cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm đối tác đầu tư vào dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc, cùng các dự án có quỹ đất lớn trong lĩnh vực bất động sản, khu công nghiệp và nghỉ dưỡng.

Trong hoạt động đầu tư tài chính, Vinaconex dự kiến tiếp tục đầu tư vốn và tăng tỷ lệ sở hữu tại các công ty năng lượng, điện, nước, giáo dục, xuất khẩu lao động… Bên cạnh đó tái cấu trúc, mua bán và sáp nhập các công ty nhằm mở rộng quy mô.

Ở chiều ngược lại, Vinaconex cho biết sẽ thoái toàn bộ vốn tại các công ty yếu kém, không có khả năng phục hồi, hoặc các công ty không cần nắm giữ vốn, tỷ lệ nắm giữ quá ít…

Huy động 2.000 tỷ qua trái phiếu chuyển đổi

Cũng tại đại hội cổ đông lần này, HĐQT Vinaconex sẽ trình cổ đông kế hoạch phát hành tối đa 2.000 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ để huy động vốn cho hoạt động kinh doanh của tổng công ty và các công ty thành viên.

KẾT QUẢ KINH DOANH HÀNG NĂM CỦA VINACONEX

Nhãn2015201620172018201920202021 kế hoạch
Doanh thu tỷ đồng 802685341089897319508555212230
Lợi nhuận sau thuế
524687162963978716901008

Trong đó, trái phiếu dự kiến có lãi suất tối đa 12%/năm (lãi suất cụ thể do HĐQT quyết định phù hợp với chấp thuận của cơ quan quản lý) và kỳ hạn không quá 4 năm.

Do đây là trái phiếu chuyển đổi nên các trái chủ của Vinaconex có quyền chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu VCG nếu đáp ứng một số điều kiện như nắm giữ hơn 1 năm; giá chuyển đổi không thấp hơn 2 lần giá trị ghi sổ tại báo cáo tài chính hợp nhất năm gần nhất và không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, ban lãnh đạo Vinaconex cũng muốn tăng vốn điều lệ tổng công ty từ 4.417 tỷ đồng hiện nay lên 5.000 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động đáp ứng các nhu cầu vốn hoạt động kinh doanh.

Kế hoạch tăng vốn này được áp dụng thông qua việc phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 14,485%.

Như vậy, Vinaconex sẽ phát hành thêm khoảng 582,8 triệu cổ phiếu cho cổ đông, tương đương vốn tăng thêm theo mệnh giá là hơn 582 tỷ đồng. Giá cổ phiếu phát hành thêm chưa được công bố nhưng sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách của cổ phiếu VCG theo báo cáo tài chính công ty mẹ.

Vinaconex lãi đậm nhờ rút khỏi dự án tỷ USD

Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III với khoản lợi nhuận tăng cao đột biến.

Vinaconex chính thức rút khỏi dự án khu đô thị tỷ USD

Chưa đầy một tháng sau quyết định tái cấu trúc phần vốn góp tại dự án khu đô thị Splendora, Vinaconex đã thoái toàn bộ vốn tại dự án tỷ USD này.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm