Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex những ngày gần đây trở thành tâm điểm của giới đầu tư khi tranh chấp giữa các nhóm cổ đông lớn đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của công ty.
Bế tắc tại dự án Splendora
Nhiều nguồn tin cho rằng mâu thẫu giữa hai nhóm cổ đông lớn tại Vinaconex chủ yếu đến từ bất đồng trong việc triển khai dự án bất động sản Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora).
Dự án bất động sản có diện tích hơn 200 ha, trong đó Vinaconex nắm 50% vốn và lợi ích, phần còn lại thuộc về Địa ốc Phú Long, một thành viên của Sovico Holdings (doanh nghiệp của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo) mua lại từ Posco E&C của Hàn Quốc.
Trong khi đó, sau khi cả Viettel và SCIC thoái vốn khỏi Vinaconex, nhóm cổ đông gồm Cường Vũ, và Star Invest đã sở hữu khoảng 29% vốn doanh nghiệp. Đây cũng là hai cổ đông có liên quan tới Địa ốc Phú Long của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.
Splendora là dự án bất động sản có quỹ đất thương mại lớn nhất Hà Nội hiện nay. Ảnh: Trần Kháng. |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex, cho biết dự án này hình thành trước khi Vinaconex thoái vốn sở hữu Nhà nước.
Dự án này có tới hơn 200 ha là đất thương mại đã được trả tiền sử dụng đất cho Nhà nước.
"Đây là miếng đất lớn nhất của Hà Nội mà đã có chủ sở hữu, đồng thời cũng là dự án tốt nhất của khu vực hiện tại, chỉ cần xây nhà lên và bán", ông Thanh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, "đến nay dự án Splendora vẫn gặp không ít vướng mắc khi nhiều lần triệu tập HĐQT An Khánh JVC, nhưng phía còn lại đều không đến, báo bận".
Ông Thanh cho biết sẽ không để tình trạng này tái diễn và sẽ nỗ lực biến Splendora trở thành dự án tiêu biểu của Hà Nội.
Cũng theo ông Thanh, dự án Splendora không có tranh chấp gì lớn, vấn đề bây giờ đang là khác nhau về ý tưởng triển khai dự án. Trong đó, vấn đề nổi cộm là cách thức xử lý hồ điều hòa trung tâm khi Vinaconex và Phú Long đều đang đưa ra những ý tưởng khác nhau.
Quan điểm của nhóm cổ đông An Quý Hưng là giữ nguyên quy hoạch cũ và xây dựng lên đồng thời bổ sung thêm cây xanh và dịch vụ đi kèm. Nhóm cổ đông còn lại đề xuất xây hồ theo dạng bao quanh các căn biệt thự để tối đa hóa diện tích mặt hồ.
"Tuy nhiên, dự án này do phê duyệt của Thủ tướng cho quy hoạch của Hà Nội và đã có diện tích mặt hồ 18 ha ở trung tâm nên việc thay đổi quy hoạch là không dễ. Ngoài ra, phần hồ này còn là để điều tiết lượng mưa cho hầm chui An Khánh nên phải giữ lại", ông Mậu cho hay.
Ban lãnh đạo Vinaconex cũng cho hay quan điểm của công ty là nếu thay đổi mà hiệu quả thì vẫn đồng ý. Tuy nhiên, phía đối tác cần phải lập quy hoạch sơ bộ về việc triển khai thế nào, lợi ích kinh tế ra sao để cùng nhau bàn bạc. Hiện tại, cả 2 vẫn chưa thể thống nhất trong việc triển khai dự án bất động sản quy mô này.
Giá trị hợp lý Vinaconex khoảng 13.000 tỷ đồng
Cũng trong cuộc họp chiều nay, câu hỏi được nêu ra là có hay không sự can thiệp từ ban lãnh đạo vào giá cổ phiếu khi VCG đã tăng một mạch từ 18.000 đồng lên gần 29.000 đồng/cổ phiếu thời gian qua.
Ông Đào Ngọc Thanh cho hay ban lãnh đạo Vinaconex không bao giờ can thiệp vào giá cổ phiếu. Việc VCG giao dịch ở mức giá 18.000 đồng là từ khi còn nằm dưới quyền chi phối của SCIC và khi chuyển sang cơ chế mới thì giá trị hiện tại của VCG đúng bằng giá trị mà nhóm cổ đông của ông ước tính.
"Giá hiện tại của VCG chính là giá mà nhóm tôi đã tính toán dựa trên những tài sản mà công ty thực tế đang sở hữu, vào khoảng 13.000 tỷ đồng. Chúng tôi mua Vinaconex với giá tới 28.900 đồng/cổ phiếu, chi tới 7.400 tỷ đồng để sở hữu hơn 57% vốn tại đây chứ đâu mua được giá 20.000-21.000 đồng", ông Thanh cho hay.
Vị chủ tịch công ty cũng cho hay việc biến động của giá cổ phiếu đi theo yếu tố thị trường và việc lên hay xuống là nhà đầu tư mua tương lai của doanh nghiệp, còn giá trị thực tại của Vinaconex hiện nay là hợp lý với giá cổ phiếu.
Ông Thanh chính là đại diện của An Quý Hưng, đơn vị chi 7.367 tỷ đồng mua lô cổ phiếu thoái vốn của SCIC và trở thành cổ đông nắm quyền kiểm soát Vinaconex. Ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT công ty tại cuộc họp lần đầu của HĐQT mới.
Ông Thanh còn được biết đến như cha đẻ, CEO của dự án Ecopark, thành phố xanh lớn nhất Miền Bắc.