Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VinaCapital dừng đầu tư vào Ba Huân

Chiều 7/8, VinaCapital gửi thông cáo cho biết đã quyết định dừng việc tham gia đầu tư vào Ba Huân và đang tiến hành thảo luận cùng doanh nghiệp nhằm kết thúc thương vụ này.

Thông cáo được phát ra một ngày sau khi bà Ba Huân thông tin với báo chí về việc gửi đơn lên Thủ tướng nhờ can thiệp để hủy thỏa thuận hợp tác đã ký với VinaCapital.

VinaCapital dung dau tu vao Ba Huan anh 1
Bà Ba Huân cho rằng có hiểu lầm trong văn bản thỏa thuận tiếng Anh mà VinaCapital cung cấp. Ảnh:Lê Quân.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Ba Huân nhấn mạnh thay vì mục tiêu hợp tác và phát triển, VinaCapital lại muốn chiếm quyền quản lý và điều hành toàn bộ công ty, chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân.

'Không có ý định chiếm quyền điều hành hay thâu tóm Ba Huân'

Trong thông cáo phát ra chiều nay, 7/8, VinaCapital cho rằng quyết định dừng đầu tư vào Ba Huân của quỹ này do một số hiểu lầm giữa đôi bên.

Việc kết thúc thương vụ này sẽ được thực hiện trên tinh thần tuân thủ pháp luật và hài hòa lợi ích các bên.

"Vì tôn trọng những điều khoản bảo mật, chúng tôi sẽ không tiết lộ thông tin chi tiết về các hợp đồng giao dịch đã ký kết giữa đôi bên", VinaCapital cho biết. Tuy nhiên, quỹ đầu tư này cũng "muốn được làm rõ một số thông tin" mà báo chí đề cập thời gian qua.

Quỹ này khẳng định "không có ý định chiếm quyền điều hành hay thâu tóm Ba Huân và việc này cũng không nằm trong chiến lược kinh doanh của tập đoàn từ trước đến nay".

VinaCapital dung dau tu vao Ba Huan anh 2

"Khi quyết định đầu tư vào Ba Huân, chúng tôi tin Ba Huân có hoạt động kinh doanh tốt với tiềm năng phát triển mạnh mẽ, và chúng tôi đã mong muốn được hợp tác với Ba Huân để cùng đưa công ty bước sang một giai đoạn phát triển cao hơn", thông cáo của VinaCapital cho biết.

'Phù hợp thông lệ của thị trường'

VinaCapital khẳng định các điều khoản đã được hai bên ký kết phù hợp với các thông lệ của thị trường, tương đồng với các thương vụ hợp tác đầu tư mà quỹ đầu tư này đã thực hiện thành công trước đây và hoàn toàn tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Các điều khoản này cũng bao gồm một số điều kiện nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Những điều kiện đó cũng phù hợp với các thông lệ của thị trường và chỉ áp dụng khi doanh nghiệp không đạt được các kết quả kinh doanh do chính ban điều hành doanh nghiệp dự đoán.

Đơn vị này còn thông tin đã chấp thuận đầu tư với mức định giá doanh nghiệp cao hơn nhiều so với định giá của thị trường tính trên cơ sở P/E.

Các hợp đồng chính thức được soạn thảo bằng tiếng Anh và đã được các bên rà soát và ký kết vào tháng 2/2018, các bản hợp đồng chính thức cùng tất cả tài liệu quan trọng đều được dịch sang tiếng Việt và không có sự khác biệt về nội dung giữa các bản tiếng Anh và tiếng Việt.

VinaCapital dung dau tu vao Ba Huan anh 3
Trong khi Ba Huân lo ngại VinaCapital muốn chiếm quyền quản lý thì quỹ đầu tư khẳng định "không có ý định chiếm quyền điều hành hay thâu tóm Ba Huân".

Trước đó, Ba Huân đã nhận được Biên bản ghi nhớ đầu tư (terms sheet) bằng tiếng Anh cùng bản dịch tiếng Việt để đối chiếu, rà soát tất cả điều khoản thương mại quan trọng cốt lõi sẽ được đưa vào các hợp đồng chính thức của thương vụ trước khi ký biên Bản này vào tháng 10/2017.

Theo VinaCapital, việc thương lượng và soạn thảo các văn bản đầu tư, từ lần gặp gỡ đầu tiên và thời gian chuẩn bị việc ký kết Biên bản Ghi nhớ cho đến khi ký kết các hợp đồng chính thức kéo dài hơn 6 tháng.

"Chúng tôi được biết trong suốt quá trình đó, Ba Huân tham vấn một số đơn vị tư vấn chuyên nghiệp và do đó họ hoàn toàn hiểu rõ các nghĩa vụ mà họ đã cam kết thực hiện", thông cáo của VinaCapital khẳng định.

Trước đó, chia sẻ với Zing.vn, bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty CP Ba Huân, trần tình: “Do thời điểm ký kết thỏa thuận vào mùa kinh doanh hàng Tết nên phần chuẩn bị rất cập rập, dẫn đến nhiều sai sót. Thay vì thực hiện ký đầy đủ hai bản thỏa thuận cả tiếng Anh và tiếng Việt thì chúng tôi chỉ ký kết trên bản tiếng Anh. 20 ngày sau, bản Tiếng Việt mới được đối tác chuyển qua. Chúng tôi đối chiếu thấy nhiều điều khoản không phù hợp, nên vẫn chưa ký bản thỏa thuận này”.

Cũng theo bà Ba Huân, bà không nắm rõ trong bản tiếng Anh đã ký VinaCapital đưa ra tỷ suất hoàn vốn đầu tư của mình lên mức 22%. Bên cạnh đó, VinaCapital cũng hạn chế ngành nghề hoạt động kinh doanh của Ba Huân, chỉ gồm sản xuất kinh doanh thịt gà, trứng gà và loại bỏ các ngành kinh doanh khác.

Quỹ đầu tư này cũng quy định, nếu Ba Huân không đạt được kết quả như trên sẽ bị phạt, hoặc yêu cầu trả lại vốn đầu tư, cộng dồn với lãi suất 22%, hoặc phải chuyển giao cho VinaCapital (hoặc một đối tác do quỹ này chỉ định) tối thiểu 51% cổ phần.

Thương vụ VinaCapital được công bố hồi cuối tháng 2 năm nay, theo đó quỹ đầu tư này sẽ rót 32 triệu USD vào doanh nghiệp của "nữ hoàng vịt lộn" Ba Huân.

Công ty Cổ phần Ba Huân đi lên từ một doanh nghiệp gia đình do bà Phạm Thị Huân (Ba Huân) lãnh đạo.

Công ty ra đời từ năm 2001 và trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất sản xuất và cung cấp trứng gà cho thị trường hiện nay. Lãnh đạo cao nhất tại Ba Huân là bà Phạm Thị Huân, một trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam do Tạp chí Forbes bình chọn năm 2017.

Hiện tại, Ba Huân chiếm tới 30% thị phần trứng tiệt trùng tại Việt Nam, cùng với Dabaco là những doanh nghiệp đầu ngành ở thị trường sản xuất và cung ứng trứng gà cho thị trường. Mỗi ngày, công ty này cung cấp 1,7 triệu quả trứng, 15.000 con gà và chế biến 25 tấn thịt gà. Doanh thu doanh nghiệp dự kiến đạt 90 triệu USD trong năm nay.

Công ty Ba Huân kêu cứu Thủ tướng, muốn hủy hợp tác với VinaCapital

Cho rằng việc chi trả lãi và các điều kiện ràng buộc là quá sức doanh nghiệp, Công ty Ba Huân có đơn gửi Thủ tướng, nhờ can thiệp để hủy thỏa thuận hợp tác đã ký với VinaCapital.





Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm