Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Viettel vượt mốc 2 triệu thuê bao sau hơn một tháng vào Myanmar

Sau hơn một tháng gia nhập thị trường Myanmar với quá trình nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng, hạ tầng hiện đại, Viettel vượt mốc 2 triệu thuê bao, tạo nên kỷ lục mới cho tập đoàn.

Ngày 19/7, tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) công bố Mytel - thương hiệu Viettel tại Myanmar, đã vượt mốc 2 triệu thuê bao sau hơn một tháng khai trương. Đây là thị trường đạt con số 2 triệu thuê bao nhanh nhất trong lịch sử Viettel trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, Viettel từng có tốc độ tăng trưởng kỷ lục của thế giới, nhưng mất hơn một năm mới cán mốc 2 triệu thuê bao. Tiếp đó, kỷ lục 2 triệu thuê bao trong thời gian ngắn nhất của Viettel thuộc về thị trường Tanzania (mạng Halotel) với 9 tháng kể từ khi khai trương.

Viettel anh 1
Mytel đạt 2 triệu thuê bao sau một tháng ra mắt tại Myanmar.

Theo ông Nguyễn Thanh Nam - Tổng giám đốc Mytel, 2 triệu thuê bao được coi là cột mốc để Mytel tạo ra cộng đồng khách hàng đủ lớn cho việc kinh doanh đạt hiệu quả cao.

“Cộng đồng khách hàng đủ lớn sẽ tạo thuận lợi cho Mytel trong việc lan tỏa các chiến dịch hấp dẫn khách hàng mới, cùng hòa mạng Mytel để cùng hưởng các tiện ích và ưu đãi lớn”, ông Nam cho biết.

Trước khi khai trương, Viettel đặt mục tiêu sẽ có 2-3 triệu thuê bao tại Myanmar trong năm 2018. Tuy nhiên, chỉ sau hơn một tháng khai trương từ ngày 9/6, Mytel đã vượt ngưỡng 2 triệu với tốc độ tăng trưởng tiếp tục được duy trì ở mức cao, trong đó, tỷ lệ thuê bao 4G chiếm tới 70%. Điều này xuất phát từ việc người dân Myanmar hào hứng với mạng di động mới có chất lượng, vùng phủ sóng 4G rộng khắp, giá rẻ, nhiều chương trình khuyến mại, dịch vụ đa dạng.

Tại Myanmar, Mytel là mạng di động đầu tiên vừa khai trương đã phủ sóng 4G toàn quốc, với 30.000 km cáp quang (chiếm 50% hạ tầng cáp quang của Myanmar). Hệ thống phân phối của Mytel trước khai trương cũng đã phủ rộng khắp toàn quốc với 50 cửa hàng và 50.000 điểm bán đại lý (70% ở các vùng nông thôn). Dịch vụ này tính cước trên từng giây gọi (block 1s+ 1s) thay vì cách tính cước theo block 15s hoặc 20s như các mạng khác.

Viettel anh 2
Dịch vụ của Viettel được người dân Myanmar hào hứng đón nhận.

Bên cạnh những điểm mạnh về hạ tầng, hệ thống phân phối, sản phẩm phù hợp thì nghiên cứu kỹ thị trường, thói quen, tâm lý của người Myanmar cũng giúp Mytel tăng trưởng nhanh. Điển hình như chương trình “Lắc phone trúng quà” (Shaking the amazing), là trải nghiệm công nghệ mới và khác biệt tại Myanmar. Khách hàng cài app self-care và lắc điện thoại để nhận thưởng smartphone Mytel, học bổng tiếng Anh, hàng triệu GB data, phút gọi, SMS từ Mytel. Chương trình đã tạo nên một trào lưu với 6-7 triệu lượt lắc/ngày, 600.000-700.000 người tham gia.

Tính đến cuối tháng 6, trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, 8/10 thị trường quốc tế của Tập đoàn Viettel đã kinh doanh có lãi. Các thị trường này bao gồm: Peru, Campuchia, Lào, Haiti, Burundi, Đông Timor, Mozambique và Cameroon. Trong đó, 3 thị trường đã hoàn vốn đầu tư (Lào, Campuchia, Đông Timor) và đứng số một tại thị trường về mạng lưới viễn thông, đã thu về gấp 4-5 lần giá trị vốn đầu tư.

Viettel anh 3
Tốc độ tăng trưởng của dịch vụ này vẫn giữ mức cao.

Hai thị trường quốc tế lớn nhất là Tanzania (mới kinh doanh 2 năm) và Myanmar (khai trương 9/6) còn lỗ. Tuy nhiên, cả 2 đều có tốc độ tăng trưởng cao. Đặc biệt, trong số 10 thị trường quốc tế của Viettel, Myanmar là thị trường lớn và được kỳ vọng nhất trong năm nay về tăng trưởng. Sự phát triển tại đây trở thành nhân tố ảnh hưởng quan trọng tới kết quả kinh doanh quốc tế của Tập đoàn Viettel trong năm. Theo kế hoạch mới, Mytel đặt ra mục tiêu đạt 4 triệu thuê bao đến cuối năm nay và hết năm 2019 bắt đầu kinh doanh có lãi.

Mytel là tên thương hiệu của Telecom International Myanmar - liên doanh giữa Viettel Global (công ty con của Tập đoàn Viettel) với 2 đối tác địa phương là Star High Public Company và Myanmar National Telecom Holding Public (MNTH). Tổng vốn đầu tư của dự án này là 1,5 tỷ USD, chiếm tới 66% vốn đăng ký đầu tư của Việt Nam vào Myanmar. Với dự án này, Việt Nam từ vị trí số 10 vươn lên đứng thứ 7 trong số 49 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Myanmar.

Giang Di Linh

Bạn có thể quan tâm