Tối 23/10 (giờ Toronto, Canada), ông Nguyễn Cảnh Hòa - Tổng giám đốc Telemor có mặt tại lễ trao giải Giải thưởng kinh doanh quốc tế 2015 để nhận giải thưởng Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất năm 2014 khu vực châu Á, châu Úc và New Zealand. Những nỗ lực của vị lãnh đạo mạng di động tại Đông Timor cùng nhân viên đã được ghi nhận. Trước đó, Telemor - tên công ty con của Viettel tại Đông Timor, nhận được nhiều lời khen ngợi vì đã tạo ra “điều kỳ diệu” tại quốc đảo này.
Thực tế, Đông Timor là một thị trường rất nhỏ (dân số 1,2 triệu), địa hình có 90% là đồi núi nên việc triển khai hạ tầng mạng lưới sẽ rất tốn kém, khó thi công. Bên cạnh đó, dù dân số ít nhưng mạng di động nào cũng phải đầu tư một hệ thống tổng đài và bộ máy hoàn chỉnh nên chi phí cho mỗi thuê bao sẽ rất cao. Đây chính là lý do mà trong hơn 10 năm, đảo quốc này chỉ có một mạng di động vì rất ít hãng viễn thông lớn của thế giới quan tâm đầu tư.
Thế nhưng, chỉ sau 6 tháng khai trương, Telemor đã kinh doanh có lãi. Đây là điều rất khó tin bởi theo tính toán thông thường, một mạng viễn thông mới vào Đông Timor tồn tại được đã khó chứ chưa nói đến chuyện có lãi với thời gian siêu tốc như vậy.
Chỉ sau 6 tháng khai trương dịch vụ, Telemor đã kinh doanh có lãi và đây là một kỷ lục của làng viễn thông thế giới. Ảnh: Hà Nguyễn. |
Ông Nguyễn Cảnh Hoà, Tổng giám đốc Telemor chia sẻ: “Thực ra thì không có điều kỳ diệu nào cả. Đơn giản là chúng tôi có chiến lược đúng, thực thi quyết liệt và làm không kể ngày đêm cho tới khi đạt được mục tiêu mà thôi”.
Người đứng đầu Viettel tại Đông Timor tiết lộ: “Ngay từ khi bắt đầu, chúng tôi xác định rõ, nếu không tiết kiệm chi phí ở mức tối đa, Telemor sẽ không thể tồn tại kể cả khi có chiến lược đúng”.
Một ví dụ đơn giản nhất là tất cả các chuyên gia, nhân viên Viettel sang Đông Timor xây dựng mạng lưới đều thuê nhà dân ở. Với 1.000 USD/nhà, Viettel có chỗ ở cho 10 người trong 1 tháng. Trong khi số tiền này đi thuê khách sạn thì chỉ ở được 1 người trong 10 ngày (đắt gấp 30 lần).
Khi xây dựng mạng lưới trên các vùng núi, thay vì thuê trực thăng để đưa thiết bị lên thì Viettel vẫn sử dụng sức người (nhân công địa phương). Ông Nguyễn Cảnh Hoà tiết lộ, không giống các nhà mạng khác tại Đông Timor, Viettel có nhiều kinh nghiệm thi công trạm BTS địa hình phức tạp, đồi núi ở Haiti (nơi xảy ra thảm hoạ động đất tồi tệ nhất lịch sử) và nhiều quốc gia khác. Chính những kinh nghiệm quý giá này giúp Telemor thi công các trạm BTS vùng đồi núi nhanh mà chi phí thấp hơn rất nhiều.
“Nếu ai từng biết chúng tôi đã thi công những trạm BTS ở Haiti và nhiều điểm cực kỳ hiểm trở tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác thế nào thì địa hình ở Đông Timor không phải là vấn đề quá lớn. Telemor không cần thiết phải thuê trực thăng bởi chi phí đó quá cao”, ông Hoà chia sẻ.
Ngoài bài toán chi phí, chiến lược phổ cập hoá dịch vụ viễn thông được đúc rút từ nhiều quốc gia khác (đặc biệt là Việt Nam) là nhân tố giúp Telemor được nhận diện nhanh chóng. Năm 2012, trước khi Viettel đến Đông Timor, mật độ di động tại đây là 30% và 70% người dùng là ở thành thị. Mạng di động độc quyền trước đó chỉ tập trung vào thủ phủ, ít quan tâm đến nông thôn, thậm chí không có mạng 3G hay kênh phân phối tại đây. Truyền dẫn của mạng di động sử dụng viba nên chất lượng dịch vụ thấp.
Trong khi đó, ngay khi khai trương, Viettel đã phủ sóng rộng khắp cả 2G và 3G ở nông thôn, kênh phân phối cũng được thiết lập tại đây - điều mà hãng viễn thông độc quyền chưa từng làm. Về hạ tầng, công ty con của Viettel (Telemor) đã vượt xa đối thủ lớn nhất ngay lúc cung cấp dịch vụ. Thêm vào đó, thay vì dùng truyền dẫn viba, Viettel sử dụng cáp quang nên chất lượng tốt hơn hẳn.
Ngoài hạ tầng rộng hơn, Telemor còn có giá cước tốt, cộng cách tính theo block 1 giây + 1 giây (các mạng khác là 1 phút + 1 phút) và cho gọi miễn phí mỗi ngày 10 phút. Chưa hết, mạng di động đến từ Việt Nam còn tặng miễn phí sim di động cho học sinh, sinh viên, giáo viên, quân đội, cảnh sát… Nhờ đó, lượng khách hàng của Telemor đạt 200.000 chỉ sau 6 tháng.
Bên cạnh làm cuộc cách mạng về phổ cập dịch vụ viễn thông di động, Telemor còn tiến hành rất nhiều hoạt động từ thiện xã hội. Ảnh: Hà Nguyễn. |
Ngoài ra, Telemor còn bổ sung thêm máy đầu cuối giá thấp hơn nhiều so với nhà mạng tại Đông Timor cung cấp. Tại quốc đảo này, do thị trường nhỏ, hầu hết các hãng điện thoại di động không quan tâm và chỉ có mạng di động trước đó nhập về bán cho người dùng với số lượng nhỏ.
Cũng vì thế, mức giá máy 2G trung bình tại đây là khoảng 30-40 USD và 100 USD cho máy 3G. Trong khi đó, Telemor đặt hàng lượng handset lớn để nhập vào theo container và chỉ bán máy 2G với giá 15-20 USD, 3G là 50-80 USD mà đã có lãi. Mức giá giảm gần 50% so với trước đó, khiến cho Telemor dễ dàng thống trị thị trường thiết bị đầu cuối (bán được hơn 400.000 máy trên tổng số 450.000 thuê bao).
Trạm thu phát sóng của Telemor phủ khắp mọi nơi, 3G phủ tới cả vùng nông thôn. Ảnh: Hà Nguyễn. |
Tổng giám đốc Telemor Nguyễn Cảnh Hoà còn bổ sung thêm một yếu tố khiến những điểm mạnh của mạng này được nhận biết nhanh: “Đông Timor rất nhỏ nên mọi động thái của chúng tôi đều được truyền đi tự nhiên nhanh chóng. Người dân truyền tai nhau về việc tặng sim, giá cước, mạng rộng, máy đầu cuối rẻ…chưa kể nhiều hoạt động từ thiện xã hội Viettel thực hiện. Đây là nhân tố giúp Telemor tăng trưởng rất mạnh trong thời gian ngắn”.
Tính đến tháng 9 năm nay, Telemor đã có 45.000 thuê bao và chiếm 47% thị phần di động tại Đông Timor.
Viettel đã được cấp giấy phép viễn thông tại 9 nước có tổng dân số 175 triệu người. Tổng doanh thu từ hoạt động kinh doanh viễn thông tại nước ngoài của Viettel năm 2014 đạt 1,2 tỷ USD với hơn 13 triệu thuê bao.
Chính thức cung cấp dịch vụ từ năm 2013, Telemor là một trong những thị trường thành công nhất của Viettel khi mang về lợi nhuận chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng kinh doanh. Năm 2014, Telemor đã được Giải thưởng kinh doanh quốc tế 2014 trao tặng giải Khởi nghiệp ấn tượng trong năm. Năm nay, Telemor tiếp tục được vinh danh ở hạng mục Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất năm 2014 khu vực châu Á, châu Úc và New Zealand tại lễ trao giải Giải thưởng kinh doanh quốc tế năm 2015 vì đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu ấn tượng với mức tăng 280% trong năm 2014 so với năm trước.
Giải thưởng Kinh doanh quốc tế của tổ chức Stevie Awards (trụ sở tại Mỹ) là một giải thưởng uy tín toàn cầu, nhằm ghi nhận và tôn vinh sự đóng góp và thành công về mặt kinh doanh của các doanh nghiệp và doanh nhân trên toàn cầu.