Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Viettel chỉ bị ảnh hưởng 20% khi cáp quang AAG gặp sự cố'

Ông Lưu Mạnh Hà - Phó tổng giám đốc Viettel Networks - cho biết sự cố tuyến cáp quang biển AAG trên hướng đi Hong Kong (Trung Quốc) ngày 12/10 chỉ ảnh hưởng 20% dung lượng mạng.

- Sự cố tuyến cáp quang biển AAG mới nhất xảy ra khi nào? Việc liên tục bị đứt có phải do chất lượng tuyến cáp quá kém?

- Theo thông tin chúng tôi nhận được, lúc 7h25 ngày 12/10, tuyến cáp quang biển AAG gặp sự cố trên hướng đi Hong Kong (Trung Quốc), khiến toàn bộ thông tin kết nối từ Việt Nam đi quốc tế qua tuyến cáp này bị mất liên lạc. 

Được đưa vào khai thác ở Việt Nam từ năm 2009, AAG cũng như một số tuyến cáp khác được đầu tư trước đó chủ yếu dùng công nghệ cũ. Khi đó, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm triển khai cáp quang biển nên các thiết kế chưa được tốt.

Cáp nằm trong khu vực nhiều tàu thuyền qua lại, độ sâu của cáp chỉ khoảng 1,5 m và chủ yếu là loại cáp SA (single armored) chỉ có một lớp vỏ bảo vệ. Do đó, khi tàu thuyền lớn hạ neo sẽ dễ làm đứt cáp, gây ra sự cố trên tuyến AAG. 

- Viettel bị ảnh hưởng thế nào vì sự cố mới nhất này?

Hiện nay, dung lượng của Viettel qua hướng AAG chỉ chiếm khoảng 20% tổng dung lượng toàn mạng, tức là khi tuyến cáp này bị sự cố, khách hàng hầu như không cảm nhận được sự ảnh hưởng bởi mức tác động chỉ là 20%.

Thêm vào đó, dung lượng còn lại vẫn hoàn toàn đáp ứng nhu cầu, kể cả vào giờ cao điểm (19h-22h), thậm chí vẫn đủ để các doanh nghiệp khác có thể thuê lại. Đến nay, Viettel chưa nhận được thông tin từ phía Ban quản trị về thời gian khắc phục sự cố.

cap quang AAG anh 1
Viettel sẽ tiếp tục nâng cấp các tuyến cáp biển để đáp ứng nhu cầu tương lai.

- Viettel có những cải tiến gì khi nhìn thấy nhược điểm của tuyến cáp AAG?

- Rút kinh nghiệm từ thiết kế của AAG, với các tuyến cáp biển được đầu tư sau này, Viettel chủ động tham gia ngay từ giai đoạn đầu nên các tuyến cáp đều có tiêu chuẩn thiết kế tốt, tránh vùng có nhiều tàu bè. Chúng tôi cũng sử dụng loại cáp DA (double armored) có 2 lớp bảo vệ và được chôn sâu tối thiểu 3 m, giúp tuyến cáp hoạt động ổn định hơn.

- Số liệu cho thấy sự suy giảm phụ thuộc vào AAG? Biện pháp của nhà mạng là gì?

- Xác định AAG là tuyến cáp biển đã cũ, dung lượng thấp nên Viettel chủ động đi trước, đầu tư và đưa vào khai thác thêm các tuyến cáp biển mới như IA, APG…

Bên cạnh đó, Viettel cũng nhìn thấy trước rằng việc tập trung kết nối qua 2 hub chính Hong Kong (Trung Quốc), Singapore và Nhật Bản, Mỹ... về lâu dài sẽ không đảm bảo. Đó là lý do nhà mạng tiếp tục đầu tư thêm tuyến cáp biển mới nhất là AAE-1, kết nối đi châu Âu giúp mở rộng mạng lưới và giảm sự phụ thuộc vào các kết nối ở châu Á.

Cùng với IA, đây là tuyến cáp do Viettel chủ trì khai thác và vận hành trạm cập bờ ở Việt Nam nên sẽ được chủ động hơn khi ứng cứu thông tin, xử lý các sự cố trong phạm vi quản lý. Trạm cập bờ của 2 tuyến IA và AAE-1 do Viettel vận hành chiếm tới 2/3 tổng dung lượng quốc tế của Việt Nam.

Đối với hướng đất liền, ngoài đi qua Trung Quốc, tập đoàn còn có lợi thế khác là sở hữu đường vu hồi quốc tế quan trọng qua tuyến cáp trục Đông Dương, kết nối 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

cap quang AAG anh 2
Nhà mạng phát triển nhiều hệ thống cáp mới, giảm phụ thuộc vào AAG.

- Internet đi quốc tế đang phụ thuộc vào cáp quang biển như thế nào?

- Hiện nay, kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế phần lớn qua 2 hub chính của châu Á đặt ở Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore. Không chỉ Viettel mà tất cả các nhà mạng trong nước đều triển khai kết nối quốc tế chủ yếu dựa trên hướng này. Lợi thế của cáp quang biển là có dung lượng lớn, áp dụng công nghệ mới.

Đây cũng là hình thức phổ biến nhất hiện nay trên thế giới để kết nối các quốc gia, các lục địa. Ở nhiều nước khác, cáp quang biển còn dùng để kết nối giữa các tỉnh, thành phố có bờ biển.

Chi phí đầu tư vào cáp quang biển cũng ít hơn, vừa không phải kéo cáp vừa có độ an toàn cao hơn so với đất liền. Hơn nữa, tiêu chuẩn thiết kế của các tuyến cáp quang biển khá tốt, cáp được chôn sâu ở gần bờ và có vỏ thép bảo vệ.

Đến nay, Viettel đã có 3 hướng kết nối đường biển là các tuyến cáp quang AAG, IA và APG với dung lượng chiếm khoảng hơn 80% tổng dung lượng đi quốc tế. Ngoài phương án cáp quang biển trên và cáp đất liền qua Trung Quốc, Viettel còn có thêm các hướng kết nối khác qua Lào, Campuchia và Thái Lan.

- Liệu có thay mới tuyến cáp AAG được không? Giải pháp của nhà mạng thời gian tới như thế nào?

- Tuy dung lượng của Viettel trên tuyến AAG không lớn, chúng tôi vẫn xác định đây là hướng kết nối vu hồi, hỗ trợ cho các tuyến còn lại trong tình huống thiên tai, bất khả kháng.

Hiện tại, Viettel đang phối hợp với các đối tác tham gia đầu tư tuyến cáp AAG triển khai củng cố tại các khu vực xung yếu bằng cách thay loại cáp tốt hơn, chôn cáp sâu hơn, đồng thời xem xét tăng dung lượng qua AAG lên để hỗ trợ các tuyến còn lại.

Trong thời gian tới, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng lớn về dữ liệu, kết nối quốc tế phục vụ cho big data, iCloud, IoT... Do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp các tuyến cáp biển hiện có, hiện đại hoá đường trục Đông Dương và tăng dung lượng qua hướng đất liền.

Cùng với đó, nhà mạng sẽ tìm kiếm, lựa chọn một số tuyến cáp biển mới để gia tăng dung lượng kết nối quốc tế, phục vụ khách hàng tốt hơn trước cuộc cách mạng 4.0.

Giang Hoàng Nhơn

Bạn có thể quan tâm