Vietinbank tính chuyện mua bán sáp nhập
Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietinbank Phạm Huy Hùng vừa cho biết, ngân hàng này cũng tính đến phương án mua bán, sáp nhập.
>> Vietinbank lọt top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới
>> Ngân hàng Việt Nam đầu tiên phát hành thành công trái phiếu quốc tế
Đang tính
Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietinbank Phạm Huy Hùng cho biết tại Hội nghị chuyên gia phân tích năm 2012 ngày 16/5, ngân hàng này cũng tính đến phương án mua bán, sáp nhập.
Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định: "Trước khi mua bán, chúng tôi phải xem xét từng tài sản, khoản nợ cụ thể".
Theo tiết lộ của vị lãnh đạo này, trong 4 tháng đầu năm Vietinbank đạt lợi nhuận hơn 2.000 tỷ đồng. Trong đó, quý I, nhà băng này đạt gần 1.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 60% so với cùng kỳ 2011.
Nợ xấu được kiểm soát ở 1,82%, tuy nhiên ngân hàng lên kế hoạch để xử lý vấn đề này và mục tiêu đến cuối năm tỷ lệ nợ xấu xuống mức 1%.
So với đầu năm, dư nợ cho vay đạt 280.000 tỷ đồng, giảm 2,92%. Tỷ trọng cho vay phi sản xuất, đến hết tháng 4 là 1,2% (tiêu dùng), 3,6% (bất động sản), 0,013% (kinh doanh chứng khoán).
Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietinbank Phạm Huy Hùng |
Ông Hùng nhấn mạnh, khoản cho vay chứng khoán của nhà băng này chỉ dành cho một vài khách hàng chiến lược.
Với tín dụng dành cho Vinashin, ông Hùng khẳng định, Vietinbank không cho Vinashin vay mà chỉ có vài trăm tỷ là cho vay vốn lưu động ở một số công ty đóng tàu.
Về dư nợ phi sản xuất tại Vietinbank hiện nay, dư nợ bất động sản là khoảng 3,6% còn dư nợ cho đầu tư chứng khoán chủ yếu là mua cổ phần doanh nghiệp lớn là 0,13%.
Tại hội nghị, ông Hùng cũng cho biết, dự kiến trong quý III sẽ hoàn tất đàm phán bán tiếp 20% cổ phần nhà nước cho đối tác là một ngân hàng nước ngoài. Quý IV có thể chuyển tiền hoàn tất thương vụ này. “Việc bán cổ phần nằm trong lộ trình thoái vốn nhà nước tại ngân hàng. Lần này thì vốn nhà nước chỉ còn 60% và tiến tới là 51% như chỉ đạo của Thủ tướng”- ông Hùng nhấn mạnh.
Vị chủ tịch này cho biết thêm, cổ phiếu của CTG đang thấp hơn giá trị thực và giá cổ phiếu CTG hợp lý phải “tầm 30-40.000 đồng/cổ phiếu".
Vì sao lãi suất cho vay chưa thể hạ nhiệt? Phát biểu tại hội nghị này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách cho biết, sở dĩ lãi suất cho vay chưa thể hạ nhiệt ngay là bởi hai lý do chính sau: Thứ nhất, mặc dù nguồn vốn cho vay của các ngân hàng còn rất dồi dào, nhưng rất khó để xác định được doanh nghiệp nào rủi ro thấp, doanh nghiệp nào rủi ro cao. Do vậy, lãi suất sẽ bị kẹt ở mức cao để bù đắp cho những tổn thất trong tương lai. Thứ hai là bản thân hệ thống ngân hàng thương mại nói chung hiện nay đang gánh tỉ lệ nợ xấu cao hơn. Vì vậy, các ngân hàng đó chịu sức ép, buộc phải đưa ra lãi suất cao để bù lại thiệt hại. “Về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay, tôi đánh giá không cao. Tuy nhiên, so với năm trước, năm nay nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Mặc dù vậy, tôi kì vọng nền kinh tế sẽ khởi sắc vào cuối năm nay”, ông Thành nói. |
Theo VTC News