Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Viết văn nhiều mệt mỏi, lắm phức tạp, lý do người trẻ chọn cầm bút?

Nhận định sự nghiệp viết văn nhiều mệt mỏi và phức tạp, người trẻ vẫn theo đuổi bởi sự thôi thúc phải viết. "Mình vẫn theo đuổi viết văn đơn giản vì mình yêu nó".

nghe viet van anh 1

Ảnh minh họa: Judit Peter/Pexels.

Tại sao ta viết? Viết để làm gì? Viết có ý nghĩa gì? Viết như thế nào? Viết về cái gì? Đây là những câu hỏi luôn thường trực trong tâm trí người cầm bút, mà không phải lúc nào họ cũng trả lời được. Nhưng bằng cách nào đó, họ vẫn viết, vì một thôi thúc vô hình, một niềm tin không thể gọi tên.

Nhiều người viết xong chỉ để đọc lại một lần rồi xóa/vứt đi. Lại có người viết xong, cất vào một góc, không cho ai xem. Có người viết xong, tự tấm tắc khen hay, nghĩ bụng mình đã tạo ra một kiệt tác, để rồi chỉ 3 tháng sau, nhìn lại và muốn đốt sạch những gì mình đã viết đi.

Viết văn không phải là một câu chuyện đơn giản. Đôi khi, người viết phải đối mặt với những dằn vặt riêng, những băn khoăn, ngờ vực với chính mình khi viết. Trong buổi giao lưu “Tại sao ta viết?” chiều 16/4 tại Hà Nội, nhà văn Hiền Trang cùng một vài “cây bút” thầm lặng đã chia sẻ về những khó khăn riêng khi chọn theo đuổi nghề viết.

Tình yêu với văn chương đến một cách tự nhiên

Trong cuốn sách Tại sao ta yêu…, nhà văn này đã tìm cách lý giải tại sao chúng ta yêu và thần tượng một người sáng tạo nghệ thuật, dù đó có thể không phải người giỏi nhất, có thể không phải người đẹp nhất… Theo Hiền Trang, ta yêu họ vì ta cảm thấy kết nối với họ, cảm thấy thông qua nghệ thuật của họ, ta tìm ra hay được gợi ý về vị trí của chúng ta trên thế giới này. Họ mang tới phương thức để ta hiểu về cuộc đời của mình.

Từ tình yêu đấy, ta được truyền cảm hứng để viết, để tiếp tục thông qua con chữ, hiểu về cuộc đời. Đó là một thôi thúc tự thân, thuyết phục ta viết và giải thích trải nghiệm của mình.

Nhà văn Hiền Trang tin rằng sức mạnh của văn chương không quá xa vời, mà ngang tầm với của chúng ta và luôn ở đó, chờ đợi ta tiếp cận. Vì vậy khi viết, nhiều nhà văn luôn lấy chất liệu từ chính cuộc đời mình. Văn chương khiến ta rung động vì nó gần với chúng ta. Qua văn chương của người khác, ta có được gợi ý để giải quyết vấn đề của mình, qua những dòng văn mình viết, ta lại loay hoay, đàm thoại để tìm ra hướng đi tiếp theo cho mình.

Trước khi ai đó trở thành một nhà văn, họ luôn là một độc giả. Từ những tác phẩm đã đọc, họ mới được truyền cảm hứng để viết. Nhưng sự viết ấy là một sự đối thoại liên tục. Ta đọc sách, cảm thấy được đối thoại với tác giả và người viết sách cũng cảm thấy được đối thoại với một độc giả vô hình.

Nhiều nhà văn gạo cội như Patrick Modiano hay Annie Ernaux luôn khuyên những người viết văn trẻ phải đọc thật nhiều, đọc cả những tác phẩm hay lẫn tác phẩm dở để có được sự tích lũy, mài giũa được sự sắc bén trong ngôn từ.

Tại buổi giao lưu, có ý kiến băn khoăn rằng đọc nhiều như vậy, làm thế nào để khi viết ta định hình được giọng văn riêng mà không bị ảnh hưởng nhiều bởi người khác. Trước ý kiến này, nhà văn Hiền Trang cho rằng nhà văn luôn có thể lấy cảm hứng một cách minh bạch từ các tiền nhân trong nghề. Phong cách viết liên văn bản, trích dẫn, đối đáp với một nhà văn khác cũng có thể là một dạng tri ân, thể hiện sự ngưỡng mộ với những nhà văn lớn.

Cô tự nhận bản thân rất thích bắt chước những thần tượng của mình. Khi đọc Nabokov, cô muốn viết để đối đáp lại ông, muốn viết và trích dẫn câu văn của ông vào… Cô coi những nhà văn mà ta đã đọc, họ có thể là những người thầy của ta và viết văn cũng là một cách để ta “nói chuyện với những người đi trước”.

Nữ tác giả nói: “Không thể có chuyện chúng ta không bị ảnh hưởng bởi ai cả. Sáng tạo không đến từ hư vô. Tôi nghĩ việc lấy cảm hứng từ các thần tượng luôn là một điều tốt. Khi nào ta cảm thấy mình không bị ảnh hưởng bởi ai cả, lúc ấy mới đáng sợ”.

nghe viet van anh 2

Nhà văn Hiền Trang (trái) tại buổi giao lưu. Ảnh: MH.

Sự nghiệp viết văn không chỉ có bột phát

Chia sẻ tại buổi giao lưu, Hiền Trang nói: “Mình cũng không phải là một người học về văn chương, cũng chẳng có lý do gì để theo đuổi văn chương. Người ta vẫn nói văn chương là mảnh đất ‘chó ăn đá, gà ăn sỏi’. Sự nghiệp viết văn cũng nhiều mệt mỏi và lắm phức tạp. Nhưng sau rốt, mình vẫn theo đuổi viết văn đơn giản vì mình yêu nó thôi”.

Nữ nhà văn cho biết bản thân cô cũng chưa hiểu rõ được nỗi thôi thúc phải viết ấy, cô chỉ biết nếu không viết, cô cảm thấy “thiếu thiếu”, cảm thấy mình “chưa đầy đủ”.

Chia sẻ về trải nghiệm viết văn thuở đầu, Hiền Trang kể: “Bỗng một ngày mình cảm thấy mình muốn viết và viết thôi. Lúc ấy, mình thấy rất tự tin, đến mức có phần hơi ấu trĩ. Nhưng vì tự tin, mình đã không cất bản thảo đi”.

Cô cho rằng một người muốn viết văn và muốn theo đuổi văn chương cũng cần có chút tự tin đến ngông cuồng. Người viết khi viết phải cảm thấy những trang văn mình viết ra hay.

Dù vậy, Hiền Trang tin rằng trong mỗi nhà văn, tồn tại 2 nhân cách: nhân cách người viết và nhân cách người đọc. Khi ta viết, nhân cách người viết nổi lên, để ta tự tin đặt bút; sau một thời gian, nhân cách người đọc sẽ xuất hiện, cho ta đủ độ lạnh để đánh giá lại tác phẩm. Hai nhân cách này không nên xuất hiện cùng lúc mà nên luân phiên.

Nhưng viết một tác phẩm bột phát là một chuyện, để gắn bó với sự nghiệp văn chương và cho ra đời tác phẩm thứ hai, thứ ba, với Hiền Trang, lại đòi hỏi một tinh thần kỷ luật khác. Nhà văn cho rằng từ cuốn sách thứ hai trở đi, trải nghiệm viết văn không còn chỉ có bột phát nữa, mà cần có sự cam kết lâu dài.

Trái với ý niệm của nhiều người về nghề viết văn, rằng nhà văn chỉ tản mát tận hưởng, quan sát, chờ cảm hứng đến mới lao vào viết ngày viết đêm.

Thực tế, nhiều nhà văn áp dụng phong cách làm việc quy củ, có giờ giấc cụ thể. Họ tự tạo áp lực cho bản thân để ngồi vào bàn sáng tác hàng ngày như một người đi làm công ăn lương, tự đặt ra hạn mức trong một lần viết.

Cũng từ tác phẩm thứ hai, nhà văn phải xác định được chủ đề mà họ muốn theo đuổi. Và càng viết, nhà văn càng thêm tự vấn, càng khai thác sâu hơn những chủ đề hiện diện trong cuộc sống quanh họ.

Mỗi nhà văn sẽ có một nhịp viết khác nhau, nhưng rất ít nhà văn chỉ ngồi không mà chờ cảm hứng đến. Họ phải tự ra ngoài cuộc sống, tự tìm kiếm cảm hứng, tìm kiếm câu chuyện. Nhiều khi, chặng đường ấy không chỉ có lãng mạn, sự phóng túng của nghệ thuật, mà còn có nỗ lực và kỷ luật như bao ngành nghề khác.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Từ ngày 21/4, Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Lớp nhà văn trẻ loay hoay làm chủ ngôn ngữ mẹ đẻ

Lớp nhà văn sinh ra trong môi trường đô thị, sự toàn cầu hóa mạnh mẽ gặp không ít khó khăn trước đòi hỏi phải viết thuần Việt, làm chủ tiếng Việt và giữ được bản sắc.

Đọc sách là khoái cảm, viết văn là rèn giũa

Nguyễn Bình Phương cho rằng với người viết, giọng văn là trời cho, còn kỹ thuật thì phải rèn giũa. Kỹ thuật của một nhà văn sẽ chín dần qua từng tác phẩm.

Khi nha van lam tho hinh anh

Khi nhà văn làm thơ

0

Với nhà văn Phùng Văn Khai “thơ là một vẻ đẹp tươi tắn nhất của cuộc sống, đem lại những sắc màu, tình cảm sâu đậm của con người”.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm