Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam 7 tháng đầu năm nay đạt 341 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 7, xuất khẩu mực, bạch tuộc giảm 2,5%.
Các sản phẩm mực xuất khẩu đạt 166 triệu USD, chủ yếu là mực đông lạnh 97 triệu USD, mực khô 56 triệu USD, còn lại mực chế biến khác. Các sản phẩm bạch tuộc xuất khẩu đạt 176 triệu USD, chủ yếu là bạch tuộc đông lạnh 145 triệu USD, còn lại bạch tuộc chế biến 30 triệu USD.
Theo đó, bạch tuộc chiếm tỷ trọng cao hơn với 51,5%, còn lại mực chiếm 48,5%. Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm mực, bạch tuộc tươi sống, đông lạnh (chiếm tỷ trọng 71%), các sản phẩm chế biến vẫn chưa nhiều (chiếm 29%).
Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc 7 tháng đầu năm tăng 9%, đạt 120 triệu USD. Ảnh minh họa. |
VASEP cho rằng thẻ vàng IUU đã ảnh hưởng rõ rệt đến xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang thị trường EU, nhất là trong quý I.
“Vấn đề xác nhận, chứng nhận nguyên liệu khai thác và NK còn bất cập khiến việc xuất khẩu bị đình trệ”, VASEP nêu rõ.
Thực tế, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang EU nửa đầu năm 2019 giảm sâu 14%. Tuy nhiên, sang tháng 7, xuất khẩu mực, bạch tuộc bất ngờ tăng 12%.
Về thị trường tiêu thụ, Hàn Quốc tiếp tục là nước nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 42%. Xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc 7 tháng đầu năm tăng 9%, đạt 120 triệu USD. Tuy nhiên, những tháng gần đây có dấu hiệu sụt giảm (tháng 6 giảm mạnh gần 29%, tháng 7 tiếp tục giảm 12%).
Nhật Bản là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 26%. 7 tháng đầu năm nay, quốc gia này nhập khẩu 87,3 triệu USD mực, bạch tuộc từ Việt Nam, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, Mỹ vẫn duy trì tăng trưởng cao đối với mực, bạch tuộc (tăng 60%), nhưng chỉ chiếm 2,5% tỷ trọng xuất khẩu mực, bạch tuộc.