Chiều 7/8, trả lời câu hỏi trước việc Trung Quốc điều tàu khảo sát tại vùng nước sâu Thạch Du và Trung Quốc đo đạc thực địa tại 5 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định, mọi hoạt động của các bên đều phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển 1982, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia ven biển.
“Về thông tin Trung Quốc khảo sát, đo đạc ở quần đảo Trường Sa nhằm xây dựng ngọn hải đăng, chúng tôi đang tích cực xác minh”, ông Lê Hải Bình nói.
Ông Bình tái khẳng định, Việt Nam có chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vì vậy, mọi hoạt động của Trung Quốc ở 2 quần đảo này đều vô giá trị.
Thông tin trong cuộc họp báo về tình hình người Việt Nam ở trong vùng chiến sự ở Ukraina, Người phát ngôn cho biết: ngay khi tình hình tại Ukraina có những diễn biến phức tạp, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo ĐSQ Việt Nam tại Ukraina, liên hệ với cộng đồng người Việt Nam tại Ukraina, giữ liên lạc và có các biện pháp bảo vệ cho công dân Việt Nam.
Cho đến nay, ĐSQ Việt Nam tại Ukraina vẫn đang tích cực duy trì mọi hoạt động nhằm bảo vệ công dân của mình, đặc biệt trong tình hình tại miền đông nước này diễn biến phức tạp.
Thông tin thêm về phương án đưa lao động người Việt tại Libya về nước, ông Lê Hải Bình cho biết, tính đến chiều 7/8, con số lao động Việt Nam rời khỏi Lybia là 726 người. Hiện nay Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan chức năng đang triển khai mọi biện pháp để đảm bảo an toàn cho người lao động Việt Nam tại Lybia.
Theo đó, Bộ ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm cho ĐSQ Philippines và ĐSQ Thái Lan, đề nghị 2 nước này hỗ trợ đưa công dân Việt Nam ra khỏi vùng nguy hiểm; Các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Thổ Nhỹ Kỳ, Ai Cập… cũng đang cố gắng tạo điều kiện đưa công dân Việt Nam ra khỏi vùng chiến sự.