“Đúng ngày này 50 năm trước, ngày 11/1/1969, khi chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam đang ở đỉnh điểm, Thụy Điển trở thành nước Tây Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam”, Đại sứ Thụy Điển Pereric Högberg phát biểu trong buổi họp báo tại Hà Nội hôm 11/1.
Hai nước Việt Nam và Thụy Điển trở thành những người bạn khi phong trào phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam nhận được sự hưởng ứng của cố thủ tướng Olof Palme và hơn 2,7 triệu người ký tên lên án cuộc chiến, một phần ba dân số Thụy Điển lúc đó.
Nằm trong số những nước viện trợ cho Việt Nam sớm nhất, trong gần nửa thế kỷ, Thụy Điển đã hỗ trợ Việt Nam số tiền tương đương hơn 4 tỷ USD (theo giá trị hiện nay). Thụy Điển cũng là nước viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam trong thập niên 80, lớn thứ tư trong thập niên 90.
“Thụy Điển đã và đang là một đối tác tin cậy và tiếp tục duy trì một mối quan hệ có một không hai với Việt Nam… là nhà tài trợ song phương đầu tiên trong các lĩnh vực như quản trị địa phương, cải cách tư pháp, báo chí truyền thông, minh bạch, chống tham nhũng, bình đẳng giới, quyền LGBT và phát triển bền vững”, Đại sứ Högberg nói.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Högberg trong buổi họp báo ngày 11/1 ở Hà Nội. Ảnh: Trọng Thuấn. |
Ngày nay, thương mại hai chiều giữa hai nước đạt hơn 1 tỷ USD mỗi năm, và nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn nhất của Thụy Điển đang kinh doanh tại Việt Nam, như ABB, Ericsson, Volvo, Tetra Pak hay Electrolux. Người trẻ có lẽ quen thuộc hơn với những tên tuổi như H&M, Spotify, Skype hay IKEA.
“Trong bối cảnh mới, Việt Nam - Thụy Điển tiếp tục hướng tới mối quan hệ đối tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực hợp tác như thương mại và đầu tư, y tế, giáo dục, giao thông vận tải, công nghệ thông tin - viễn thông, công nghệ xanh và bảo vệ môi trường”, ông Đinh Toàn Thắng, vụ trưởng Vụ Châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao phát biểu.
"Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA) sắp tới đây được ký kết cũng sẽ tạo các xung lực mới mạnh mẽ cho mối quan hệ song phương”.
Trả lời câu hỏi của Zing.vn, Đại sứ Högberg nói việc EVFTA được ký kết sẽ mang lại những kết quả tuyệt vời cho thương mại giữa hai nước vốn cùng tin tưởng vào tự do thương mại và gỡ bỏ thuế quan.
"Ngoài ra, qua cơ chế giám sát, hiệp định cũng cho người tiêu dùng Thụy Điển cơ hội hiểu rõ hơn điều kiện lao động của công nhân Việt Nam đang sản xuất các mặt hàng bán sang thị trường Thụy Điển, và tạo cơ chế để hai nước đối thoại về bảo vệ môi trường”, ông nói.
Các doanh nghiệp hàng đầu Thụy Điển nêu các giải pháp giúp Việt Nam cải thiện hạ tầng giao thông công cộng trong một hội thảo tại TP. HCM sáng 8/5/2018. Ảnh: Đông Phong. |
Tối 11/1, chương trình giao lưu Việt Nam - Thụy Điển sẽ được tổ chức tại Nhà khách Chính phủ. Năm 2019 kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ sẽ có nhiều sự kiện quan trọng tại 2 nước, bao gồm Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển tại Hà Nội ngày 7-8/5, Diễn đàn Doanh nghiệp ASEAN tại Thụy Điển, Gala nghệ thuật Việt Nam tại Thụy Điển, Diễn đàn Internet Việt Nam dự kiến ngày 20-21/3, chương trình biểu diễn của nhạc sĩ hàng đầu Thụy Điển tháng 2-3 tại Hà Nội và TP. HCM.
Trong những năm Việt Nam mới giành được độc lập và còn thiếu thốn, Thụy Điển đã đặt dấu ấn thiết thực qua các dự án như xây dựng Bệnh viện Nhi Trung ương và Nhà máy giấy Bãi Bằng, hay thành lập khoa nhạc jazz ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Thụy Điển ngừng hỗ trợ ODA cho Việt Nam cuối năm 2013 để tập trung vốn hỗ trợ cho các nước nghèo hơn, sau khi Việt Nam trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Tuy nhiên, Thụy Điển vẫn hỗ trợ đáng kể cho người dân Việt Nam thông qua các chương trình của Liên minh Châu Âu và Liên Hợp Quốc dành cho Việt Nam.