Chiều 17/10, Bộ Y tế tổ chức họp báo thông tin Nghị quyết trung ương về công tác dân số trong tình hình mới.
Theo Bộ Y tế, tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công.Từ 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,4 tuổi năm 2016, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.
Tuy nhiên, mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh đã ở mức nghiêm trọng.
"Sinh bao nhiêu con là quyền của người dân"
- Theo Nghị quyết, các vùng có mức sinh thấp hơn so với mức sinh thay thế, như đồng bằng sông Cửu Long có được sinh 3 con không? Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ làm gì để xử lý các vi phạm dân số?
- Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng Cục trưởng Phụ trách Tổng cục Dân số - KHHGĐ: "Kể từ khi có nghị quyết hội nghị lần 4 khóa 7 (năm 1993), về mặt luật pháp, nhà nước Việt Nam không quy định khống chế người dân sinh ít con. Tuy nhiên, chúng ta có chính sách vận động mỗi gia đình chỉ sinh 2 con, để nuôi dạy cho tốt.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng Cục trưởng Phụ trách Tổng cục Dân số - KHHGĐ . |
Từ 2009, Quy định 94 của trung ương thống nhất hình thức kỷ luật đảng viên. Nếu đảng viên sinh con thứ 3 thì bị cảnh cáo, sinh con thứ 4 thì bị khai trừ khỏi Đảng. Năm 2013, quy định được nới ra. Nếu Đảng viên sinh con thứ 3 thì bị khiển trách, sinh con thứ 4 bị cảnh cáo, sinh con thứ 5 thì bị khai trừ.
Như vậy, sinh bao nhiêu con là quyền của người dân. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát, xử phạt những vi phạm dân số đối với đảng viên"
- Tỷ lệ dân thành thị đang thấp hơn nhiều so với bình quân chung của thế giới. Việc quản lý hộ khẩu đang khá lạc hậu. Theo ông, cần thay đổi gì để tăng dân số vùng thành thị?
- Phó tổng Cục trưởng Phụ trách Tổng cục Dân số - KHHGĐ: "Tỷ lệ dân thành thị ở nước ta khoảng 34,4%, rất thấp so với các nước trên thế giới. Để đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, dự thảo Nghị quyết nói rõ cần có chính sách để đảm bảo người dân di cư nói chung, trong đó người dân di cư vào vùng đô thị, đảm bảo được tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.
Hộ khẩu tạo ra cản trở người dân thực hiện quyền chính đáng của mình. Tôi mong rằng tiến trình đó diễn ra càng nhanh càng tốt. Cá nhân tôi phản đối việc sử dụng hộ khẩu, gây khó khăn cho người. Hiện Việt Nam là nước duy nhất thực hiện chính sách hộ khẩu.
Thậm chí, một cán bộ lãnh đạo dân số phát biểu với tôi rằng: 'Những khiếm khuyết ở địa phương chủ yếu do dân nhập cư' điều này khiến tôi rất bức xúc. Chúng ta phải thay đổi quan niệm để phát triển cuộc sống".
- Gần đây, việc thực hiện xã hội hóa y tế đang phát triển. Tỷ lệ tiền túi chi cho xã hội hóa y tế rất cao, công bằng trong y tế không đảm bảo. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ làm gì để tránh nguy cơ lạm dụng dịch vụ xã hội hóa, thưa ông?
- Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ kế hoạch – tài chính: "Nhà nước không thể bao cấp hết cho người dân về công tác chăm sóc sức khỏe. Đẩy mạnh xã hội hóa gắn liền với bảo hiểm y tế toàn dân nhằm giảm tỷ lệ chi tiền túi của người dân vào các dịch vụ y tế. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ già đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%.
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ kế hoạch – tài chính . |
Để hạn chế ảnh hưởng của xã hội hóa, Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp như chấn chỉnh công tác xã hội hóa của các bệnh viện, đảm bảo đáp ứng nhu cầu trang thiết bị chuyên môn, quy trình chỉ định…"
Việt Nam sẽ thiếu khoảng 4,3 triệu phụ nữ
- Bài học kinh nghiệm cho thấy nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc có mức sinh giảm sâu và khó hồi phục được. Liệu Việt Nam cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự?
- Trả lời câu hỏi của Zing.vn, ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng Cục trưởng Phụ trách Tổng cục Dân số - KHHGĐ khẳng định: "Nghị quyết lần này giải quyết vấn đề sinh đẻ, nhằm chuyển hướng, tránh đi vào “vết xe đổ” của các nước đó.
Năm 1996, Chính phủ Hàn Quốc dừng chương trình kế hoạch hóa gia đình. Khi đó, tỷ lệ đô thị hóa cao rất cao, chiếm 70% dân số. Với nhiều nỗ lực, song Hàn Quốc vẫn không đẩy được mức sinh lên. Năm 2012, mức sinh chỉ đạt 1,27 con.
Thực hiện chính sách này, chúng tôi tin là thành công. Thứ nhất, mức sinh ở Việt Nam chưa xuống mức quá thấp, vẫn còn tỷ lệ đáng kể người muốn sinh thêm con. Theo khảo sát của chúng tôi, 73% người được hỏi mong muốn có 2 con; 8,3% người muốn sinh 1 con; 9,3% người muốn có 3 con và trên 8% người tham gia muốn có nhiều hơn 3 con.
Thứ hai, mức sinh đang dần tăng ở những khu vực có học vấn cao, mức sống đầy đủ, chủ yếu ở các tỉnh Bắc Bộ. Khu vực miền Nam, mặc dù chính sách thay đổi, một số khu vực có mức sinh vẫn giảm.
- Trong báo cáo của Bộ Y tế, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang tăng nhanh ở mức nghiêm trọng. Xin ông hãy nói rõ về vấn đề này?
- Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng Cục trưởng Phụ trách Tổng cục Dân số - KHHGĐ: "Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta xuất hiện rất muộn, song tăng nhanh. Năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh là 109 bé trai/100 bé gái. Năm 2016, tỷ lệ này đạt khoảng 113 bé trai/100 bé gái.
Dự báo đến năm 2050, Việt Nam thiếu khoảng 4,3 triệu phụ nữ . |
Hiện hầu hết vùng ở nước ta đều gặp tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nghiêm trọng nhất là đồng bằng sông Hồng như Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình...
Nếu mức độ tăng vẫn nhanh như vậy, dự báo đến năm 2050, Việt Nam thiếu khoảng 4,3 triệu phụ nữ, dư thừa đàn ông trong độ tuổi kết hôn.
Để giải quyết, cần cả hệ thống chính trị vào cuộc thay đổi toàn bộ hành vi, nhận thức của người dân.