Sáng 7/8 tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì khai mạc hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 63 tỉnh thành và các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước…
Thay đổi cách làm manh muốn và hạn chế cơ chế xin - cho
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Chúng ta sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ trong kế hoạch đầu tư và quản lý để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đó cũng là lý do mà Thủ tướng Chính phủ ngay trước thềm Hội nghị đã ban hành hai chỉ thị về việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cũng như Kế hoạch đầu tư trung hạn 2016 – 2020”.
Theo ông Vinh, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đi đôi với đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại…
Ông Vinh cho biết: Mục tiêu cụ thể, phần đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016 - 2020 là 6,5-7%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5%/năm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì khai mạc hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư. |
“Phân bổ vốn đầu tư theo 5 năm sẽ thay đổi cách làm manh mún trước đây”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, trong quá khứ chúng ta phê duyệt dự án quá dàn trải nhưng nguồn lực không đảm bảo, kể cả nhiều dự án trọng điểm. “Chúng ta phải phê duyệt các dự án ưu tiên, còn những dự án khác thì kéo giãn tiến độ ra hoặc tạm dừng triển khai”, Bộ trưởng Quân kiến nghị.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết, sau gần 7 năm Quốc hội mới thông qua được luật Đầu tư công. Đây là bước tiến mới để đưa công tác đầu tư phát triển của đất nước vào nề nếp và quy củ hơn.
“Lần này chúng ta chuẩn bị xây dựng kế hoạch KT – XH 5 năm (2016 – 2020) trong bối cảnh nước ta đang có nhiều đổi mới, đồng thời cũng đứng trước nhiều thách thức. Đây là thời điểm Việt Nam cần có những chuyển đổi mạnh mẽ hơn để vượt ra những khó khăn và cơ hội cao khi đối mặt với bẫy thu nhập trung bình. Đó là điều chúng ta đã cảm nhận được cũng như khuyến cáo của các chuyên gia quốc tế”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Theo ông Vinh: “Việt Nam cần phải thay đổi phương thức lãnh đạo, cần phải thay đổi cơ cấu kinh tế của mình theo hướng nâng cao hơn hiệu quả và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Điều này đặt trong bối cảnh Việt Nam đã và đang chuẩn bị hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, có thể đạt được những thỏa thuận về tham gia đối tác xuyên Thái Bình Dương (PPP) cũng như FTA với EU và một số hiệp định thương mại tự do khác.
“Đây là cách làm theo thông lệ quốc tế, không có gì mới, nhưng với Việt Nam thì mới, vì lần đầu tiên từ khi thành lập nước đến nay chúng ta chuyển cách làm kế hoạch từ hàng năm sang 5 năm”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.