Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ hỗ trợ tối đa để ngư dân được vay vốn, đóng những con tàu vỏ sắt hùng mạnh để vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền. Đó là khẳng định của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tại “Hội nghị Bàn về dự thảo Nghị định một số chính sách phát triển Thủy sản” chiều 13/6 tại Đà Nẵng.
Sẽ có đội tàu vỏ sắt hùng mạnh vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền
Phó thủ tướng một lần nữa khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn luôn có những cơ chế chính sách để hỗ trợ ngư dân bám biển, nhưng một số cơ chế chính sách chưa đến được với ngư dân.
“Do đó, ngư dân nước ta vẫn còn sở hữu những con tàu vỏ gỗ công suất nhỏ. Nên khi bị tàu nước ngoài chèn ép, chúng ta gặp nhiều bất lợi”, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nói và chỉ đạo Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan ghi nhận những ý kiến đóng góp tại hội nghị để bổ sung hoàn thiện dự thảo để trình Thủ tướng phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Trong thời gian tới, những chiếc tàu gỗ sẽ được thay thế bằng tàu vỏ sắt công suất lớn. Ngư dân có thể hiên ngang vươn khơi, bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc. |
Phó thủ tướng cũng cho biết, hiện tình hình biển Đông đang diễn biến rất phức tạp, nhất là từ khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép vào thềm lục địa của nước ta.
“Do đó, chúng ta phải khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách (được quy định trong dự thảo Nghị định) để ngư dân tiếp cận nguồn vốn đóng mới, nâng cấp tàu thuyền để ra khơi bám biển, cùng với các lực lượng chấp pháp giữ vững chủ quyền”, ông Ninh nhấn mạnh và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước trong 1-2 năm gói tín dụng phải đến tay ngư dân.
Liên quan đến vấn đề thiết kế tàu vỏ sắt, Phó thủ tướng cũng giao Bộ NN&PTNT phối hợp với các Bộ ngành có liên quan tìm hiểu, tham khảo mẫu thiết kế của các nước trên thế giới rồi mới chọn mẫu thiết kế cho phù hợp.
“Nhất định, chúng ta sẽ có đội ngũ tàu sắt hùng mạnh, sẵn sàng vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền. Nhưng tôi lưu ý, tàu gì đi chăng nữa thì vấn đề con người vẫn là then chốt. Ngư dân phải là người quyết định đóng mới tàu như thế nào và phải đào tạo để họ làm chủ công nghệ trên con tàu đó”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ngư dân được vay đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu vỏ sắt
Đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, đã soạn xong dự thảo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản, chờ lấy ý kiến rộng rãi và trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 7 tới.
Theo dự thảo này, đối với tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản xa bờ, ngư dân sẽ được vay vốn Ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới tàu vỏ sắt (bao gồm cả ngư lưới cụ) với lãi suất 5% năm. Trong đó, chủ tàu chỉ phải trả 1 %/ năm, ngân sách nhà nước cấp bù cho ngân hàng thương mại 4%/năm.
Đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đá 85% tổng giá trị đầu tư đóng mới, bao gồm cả ngư lưới cụ với lãi suất 5%/năm. Trong đó, chủ tàu trả 2%/năm, 3% còn lại do ngân sách nhà nước cấp bù cho ngân hàng.
Đối với tàu khai thác hải sản xa bờ, nếu ngư dân đóng tàu vỏ thép mới sẽ được vay ngân hàng tối đa 90% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 5%/năm. Trong đó, chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù cho ngân hàng 3%/năm. Nếu ngư dân đóng mới tàu vỏ sắt có công suất từ 800 CV trở lên, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư với lãi suất 5%/năm. Trong đó, chủ tàu chỉ phải trả 1%/năm, còn 4% còn lại do ngân sách nhà nước cấp bù cho ngân hàng.
Trường hợp đóng mới tàu gỗ hoặc gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới cho tàu, chủ tàu được vay vốn ngân hàng 85% tổng giá trị gia tăng từ việc đầu tư cải hoán với lãi suất 5%/năm. Trong đó, chủ tàu trả 1%/năm, còn lại do ngân sách nhà nước bù. Trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ phục vụ cho việc đánh bắt xa bờ, chủ tàu được vay vốn ngân hàng tối đa 70% tống giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 5%/năm, trong đó chủ tàu trả 2%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù cho ngân hàng 3%/năm.
Theo đại diện Bộ Tài chính, Nghị định này cũng quy định rõ thời hạn cho vay là 11 năm, trong đó có 1 năm ân hạn. “Chủ tàu được sử dụng tàu đóng mới, tàu gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới từ vốn vay để làm tài sản thế chấp. Do đó, những vướng mắc lâu nay cơ bản sẽ được giải quyết và ngư dân sẽ dễ dàng sở hữu những con tàu vỏ sắt trong thời gian sớm nhất”, đại diện này nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì “Hội nghị Bàn về dự thảo Nghị định một số chính sách phát triển Thủy sản” diễn ra tại Đà Nẵng chiều nay (16/6). |
Liệu tiền có đến tay dân hay Nghị định vẫn chỉ trên giấy?
Tại hội nghị, hầu hết các ý kiến đều đồng ý với nội dung của bản dự thảo. Tuy nhiên, một số đại biểu vẫn còn hoài nghi về tính thực tiễn của nghị định này. Bởi từ lâu, Chính phủ, Bộ NN&PTNT thậm chí là các địa phương đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân, nhưng đến nay nhiều chính sách vẫn chưa thể đến với người dân.
Bà Trần Thị Thu Hà, Phó chủ tịch tỉnh Bình Định cho rằng, nghị định phải quy định rõ ngư dân là người chủ thực sự và họ có quyền lựa chọn đóng tàu công suất bao nhiêu, đóng mới như thế nào và đóng tàu ở đâu. “Điều quan trọng nhất là gói tín dụng 16.000 tỷ đồng sẽ đến tận tay ngư dân chứ không phải qua ông nọ bà kia rồi cuối cùng không có hiệu quả và tốn kém. Muốn vậy, Chính phủ phải có một chương trình hành động cụ thể, giảm bớt các thủ tục rườm rà để ngư dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn”.
Cùng chung quan điểm, ông Phạm Trường Thọ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng cho hay, nghị định cũng nên mở rộng đối tượng cho vay, đó là những ngư dân đã có tàu gỗ, giờ họ muốn nâng cấp công suất cao hơn thì cũng phải cho họ vay. Những doanh nghiệp là cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền cũng phải được vay.
“Chúng ta phải triển khai đồng bộ các chính sách, xây dựng một chuỗi từ đóng mới cải hoán tàu thuyền - khai thác - chế biến và tiêu thụ. Những người tham gia ở các công đoạn trên đều được vay vốn. Tuy nhiên, mức ưu đãi thì khác nhau. Có như vậy chúng ta mới phát triển bền vững và lâu dài được”, ông Thọ phân tích.
Điều đặc biệt nhất ở hội nghị này là lần đầu tiên, một hội nghị do Phó thủ tướng chủ trì (với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các tỉnh thành có biển trong cả nước) có ngư dân được tham dự và đóng góp ý kiến. Đa số ngư dân đều mong muốn, Nghị định trên sớm được ban hành để họ có thể đóng mới tàu vỏ sắt vươn khơi.
Tuy nhiên, ngư dân cũng băn khoăn: "Lâu nay đã quen đánh bắt thủy sản bằng tàu gỗ, nay chuyển qua tàu vỏ sắt thì sử dụng như thế nào? Bảo dưỡng, sửa chữa ở đâu?". Ngư dân Trương Tài (trú Bình Sơn, Quảng Ngãi) băn khoăn: "Tôi làm nghề đánh bắt hải sản đã trên 30 năm nhưng chưa thấy cái tàu vỏ sắt bao giờ nên e là khó khăn trong sử dụng. Do đó, Nhà nước phải tính toán kỹ về mẫu thiết kế để phù hợp với từng ngư dân (tức tàu để câu mực có thiết kế khác, tàu lưới vây có thiết kế khác)".
Sau khi ngư dân phát biểu, nhiều đại biểu cũng té ngửa với ý kiến này vì lâu nay nhiều hội nghị chỉ bàn về vốn và cơ chế chính sách chứ chưa tính toán đến thiết kế một con tàu vỏ sắt như thế nào là phù hợp, hiệu quả.