Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việt Nam sắp có thủy phi cơ tư nhân đầu tiên

Dự kiến, tháng 4/2014, dịch vụ thủy phi cơ của hãng hàng không tư nhân Hải Âu sẽ chính thức cất cánh trên vịnh Hạ Long.

Ngắm cảnh 50 phút tốn 3 triệu đồng

Theo tính toán của nhà cung cấp dịch vụ, phí bay thủy phi cơ ngắm cảnh vịnh Hạ Long một chuyến từ trên cao trong thời gian 15-50 phút dự kiến khoảng 2,5-3 triệu đồng/người. Cục Hàng không Việt Nam cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam có dịch vụ bay thủy phi cơ nên cơ quan chức năng đang gấp rút hoàn thiện khung pháp lý cho dịch vụ hàng không chuyên biệt này. Đây là hoạt động bay tầm thấp, không thể theo dõi bằng radar hoặc cách điều hành không lưu như đối với hoạt động hàng không dân dụng; tiêu chuẩn sân bay cũng khác, nên Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Quốc phòng phải xây dựng quy chế quản lý riêng.

Tương tự các hãng hàng không khác, Hải Âu cũng phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn của đơn vị khai thác thủy phi cơ, đặc biệt là bộ máy quản lý liên quan đến an ninh, an toàn, tiêu chuẩn về nhân viên hàng không, tiêu chuẩn về môi trường… Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng bắt đầu nghiên cứu lập quy hoạch về mạng sân bay thủy phi cơ để làm cơ sở cấp phép khai thác sau này.

Dự kiến đầu quý II năm sau, Việt Nam sẽ có dịch vụ bay thủy phi cơ. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Hãng hàng không Hải Âu muốn khai thác bay tại biển Nha Trang và vịnh Hạ Long nhưng Cục Hàng không Việt Nam đề nghị thực hiện thí điểm trước tại vịnh Hạ Long để rút kinh nghiệm rồi mới nhân rộng ra các vùng khác. Chọn bay thủy phi cơ ở Hạ Long là vì địa điểm này đáp ứng được các điều kiện khai thác thủy phi cơ như: vịnh kín, sóng thấp, khoảng cách giữa các dãy núi rộng.

Đại gia ngân hàng kinh doanh hàng không

Hãng hàng không Hải Âu được thành lập năm 2012, có vốn pháp định 60 tỷ đồng. Cùng năm đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng cấp phép cho hãng hàng không tư nhân Hành Tinh Xanh. Cả hai hãng đều có định hướng kinh doanh bằng bay chuyên dụng, bao gồm: tàu bay trực thăng, bay cánh bằng và thủy phi cơ. Ông chủ thực sự của hãng hàng không Hải Âu là Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh, nắm 98% cổ phần của hãng hàng không này. Thiên Minh hiện là một công ty du lịch lớn của Việt Nam, đồng sở hữu nhiều thương hiệu du lịch và khách sạn nổi tiếng như: Intrepid Vietnam, Cho Lon tours, Asia Outdoors Vietnam, Vivu và chuỗi khách sạn Victoria. Doanh nghiệp này hiện có 11 văn phòng tại Đông Nam Á, Anh, Úc, với hơn 2.000 nhân viên, tổng doanh thu năm 2012 đạt 70 triệu USD. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Thiên Minh, ông Trần Trọng Kiên, là thành viên HĐQT Ngân hàng Á Châu (ACB).

Cũng bước đầu gặt hái thành công trong ngành hàng không là vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Thị Phương Thảo. Họ là cổ đông sáng lập và điều hành Tập đoàn Sovico Holdings. Sovico Holdings hiện là cổ đông chính của Ngân hàng HDBank, đến năm 2007 doanh nghiệp này góp vốn thành lập hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam là VietJetAir (VJA). Tuy nhiên, phải đến năm 2011 VJA mới chính thức cất cánh bởi trong thời gian đầu nhận giấy phép, thị trường hàng không suy giảm mạnh. Đến nay, sau 2 năm cất cánh, VJA đã bắt đầu có lãi, mở đường bay quốc tế đầu tiên đến Thái Lan và ký thỏa thuận hợp tác mua 100 máy bay Airbus 320 để phục vụ chiến lược phát triển với quy mô trở thành hãng hàng không giá rẻ trong khu vực.

Theo Người lao động

Bạn có thể quan tâm