Cụ thể, Thủ tướng đã giao Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan, trong đó, khảo sát, tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Việc nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế tại một số nước (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...) về pháp luật và thực tiễn liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo cũng được yêu cầu.
Bộ Tư pháp cũng sẽ là đơn vị chủ trì nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo, luật (các luật) sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Trong tháng 8/2018, Ngân hàng Nhà nước sẽ cần hoàn thành rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng.
Trong khi đó, Bộ Tài chính có nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Văn bản phải được hoàn thành vào tháng 6/2019.
Bộ Công an được giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 9/2019.
Nếu hành lang pháp lý được hoàn thiện, Bitcoin cùng nhiều loại tiền thuật toán khác sẽ chính thức được công nhận tại Việt Nam, mở ra nhiều khả năng ứng dụng trong công nghệ tài chính fintech hay trong thanh toán trực tuyến.