Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Việt Nam quan hệ với nước này không ảnh hưởng nước khác'

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: Chúng tôi có quan hệ với các cường quốc. Với TQ, chúng tôi có quan hệ đối tác chiến lược. Với Mỹ, chúng tôi có quan hệ đối tác toàn diện...

Ngay sau bài phát biểu tại lễ công bố Báo cáo "Một kỷ nguyên mới trong quan hệ Việt Nam - Mỹ: thúc đẩy hơn nữa quan hệ sau hai thập niên bình thường hóa" tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trả lời các câu hỏi của những người tham dự.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời báo chí tại CSIS.

-Phóng viên đến từ Trung Quốc: Thưa ngài Phó Thủ tướng, ông đã nói rằng, Việt Nam sẽ nỗ lực gấp đôi để gia tăng quan hệ với Mỹ. Vậy Việt Nam sẽ xử lý mối quan hệ với Trung Quốc thế nào trong bối cảnh hai nước đang có tranh chấp ở Biển Đông?

-Chính sách ngoại giao của chúng tôi là đa dạng, đa phương, có nghĩa là chúng tôi phát triển quan hệ với tất cả các nước.

Chúng tôi có quan hệ với các cường quốc. Với Trung Quốc, chúng tôi có quan hệ đối tác chiến lược. Với Mỹ, chúng tôi có quan hệ đối tác toàn diện. 

Phát triển quan hệ với một nước này không làm ảnh hưởng đến quan hệ của chúng tôi với các nước khác. Khi chúng tôi phát triển quan hệ với nước này thì điều đó không phụ thuộc vào quan hệ của chúng tôi với nước khác.

-Phóng viên Nga: Ông có thể cập nhật cho chúng tôi biết các thông tin liên quan đến Cam Ranh hay không? Ông có biết Nga đang muốn quay lại Cam Ranh và các nước khác cùng bày tỏ mối quan tâm đến nơi này?

-Chúng tôi phát triển Cam Ranh như một hải cảng dân sự. Chúng tôi hoan nghênh mọi sự ủng hộ và viện trợ để Cam Ranh phát triển. Đây không phải là hải cảng quân sự.

-Gần đây có những kêu gọi Trung Quốc tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) quanh vùng đảo lớn nhất ở Biển Đông. Điều này sẽ cho phép các bên tranh chấp theo đuổi việc phát triển ở các khu vực không có tranh chấp. Trung Quốc và các bên tuyên bố chủ quyền khác sẽ hợp tác khai thác ở khu vực có tranh chấp. Chẳng hạn như Việt Nam có thể phát triển trong vùng EEZ của mình do Trung Quốc làm rõ vùng EEZ của họ thay vì đường 9 đoạn đòi hỏi chủ quyền gần như trên toàn bộ Biển Đông như hiện nay. Liệu Việt Nam có chấp nhận đề nghị này không?

-Trước hết, tôi khẳng định rằng, đường 9 đoạn là vô căn cứ. Luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển đã quy định rõ ràng về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ). Vùng này có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Quốc gia ven biển có quyền về chủ quyền, quyền tài phán và quyền kinh tế ở vùng biển này. Nước khác muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển.

Theo luật pháp quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế không phải là vùng tranh chấp. Vì thế, bất kỳ hoạt động nào không có sự cho phép của nước sở tại thì đều vi phạm quy định về EEZ, vi phạm luật pháp quốc tế. Đây là trường hợp đã xảy ra khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

-Một giáo sư ĐH George Washington: Theo tôi hiểu thì Việt Nam có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Căn cứ nào cho Việt Nam khi tuyên bố chủ quyền?

-Tôi xin đính chính một chút.Chúng tôi có chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng trong năm 1956 và 1974. Chúng tôi tiếp tục tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa.

Với quần đảo Trường Sa, có 5 nước cùng tuyên bố chủ quyền là Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan. Với quần đảo này, VN chủ trương giải quyết tranh chấp, giải quyết bất đồng trên biển bằng các biện pháp hòa bình và đa phương. Đa phương bởi đây không phải là tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam, hay với Philippines mà là tranh chấp giữa nhiều bên.

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/200488/-vn-quan-he-voi-nuoc-nay-khong-anh-huong-nuoc-khac-.html

Theo Thái Anh/Báo Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm