Trong một tuần qua, thông tin Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới khiến người dân hoang mang. Thông tin này dựa theo bảng xếp hạng của AirVisual.
Hiện Air Visual nhận được sự quan tâm lớn của người dùng Việt. Trên kho ứng dụng của iOS và Android, AirVisual đứng đầu về lượt tải tại thị trường Việt Nam. Tuy vậy, người dùng cần quan tâm đến cách đo đạt và hiển thị số liệu của ứng dụng để có kế hoạch sinh hoạt hợp lý và tránh hoang mang.
Chỉ số AQI mà AirVisual hiển thị cho một thành phố được lấy ở nơi ô nhiễm không khí cao nhất. |
Sử dụng thang đo nào?
Tổ chức AirVisual được thành lập vào năm 2015, có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc và Thụy Sĩ. Nền tảng này cung cấp thông tin về chất lượng không khí của hơn 10.000 thành phố ở 80 quốc gia khác nhau. Ngoài ra, công cụ này còn được trang bị thêm tính năng dự đoán chất lượng không khí trong tương lai nhờ tận dụng máy học và trí tuệ nhân tạo.
Hiện, ứng dụng AirVisual đang sử dụng thang đo chất lượng không khí (AQI) của Mỹ và Trung Quốc.
Chỉ số này nằm trong khoảng từ 0 đến 500. Trong đó các giá trị chỉ số cao cho thấy mức độ ô nhiễm không khí nhiều và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
AQI được tính theo nhiều cách khác nhau trên khắp thế giới. Trung Quốc và Mỹ có hai hệ thống được sử dụng rộng rãi nhất. Trong đó, chỉ số của Mỹ trở thành tiêu chuẩn chung của thế giới.
Số liệu từ AirVisual cho phép người dùng tra cứu nồng độ một số tác nhân nguy hiểm như: PM2.5, PM10, ozone, nitơ dioxide, sulfur dioxide và carbon monoxide.
Theo tiêu chuẩn AQI của Mỹ, chỉ số từ 100 trở lên là không tốt cho sức khỏe. |
PM 2.5-10 là các hạt bụi lơ lửng trong không khí có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5-10 micromet. Những hạt có đường kính bé hơn 10 micromet có thể bị con người hít vào khi thở, chúng sẽ tích tụ trên phổi, gây ra nguy hại cho sức khỏe con người. Những hạt có đường kính bé hơn 2,5 micromet đặc biệt nguy hiểm bởi chúng xâm nhập trực tiếp vào các túi phổi.
Chọn số liệu cao nhất tại một điểm của thành phố
Bằng cách sử dụng dữ liệu từ các máy đo không khí do các tình nguyện viên cung cấp, AirVisual sẽ tổng hợp lại, sau đó đưa ra con số cao nhất cho một thành phố.
Ví dụ, tại Hà Nội, AirVisual có 13 trạm đo chất lượng không khí được cung cấp bởi Green ID, Đại sứ quán Mỹ và cổng thông tin quan trắc môi trường Hà Nội. Kết quả cao nhất sẽ được ứng dụng này cảnh báo tới người dùng.
Tuy nhiên, số liệu cao nhất này không được AirVisual chú thích khiến nhiều người lầm tưởng đây là kết quả đại diện cho cả thành phố. Mức chênh lệch của nơi thấp nhất trong thành phố Hà Nội với nơi cao nhất có thể lên đến 100 điểm AQI. Từ đó, kết quả có thể thay đổi từ mức kém lên mức cực rất có hại cho sức khỏe.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội phản bác thông tin chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở Hà Nội chiếm vị trí số 1 thế giới, cho rằng các số liệu thống kê chưa đầy đủ và cũng không khách quan.
Việc lấy chỉ số tại một trạm đo để đánh giá Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới được xem là thiếu khách quan. |
"So sánh chỉ số AQI đó mà kết luận Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới là không chính xác. Tại những website thống kê này, họ lấy số liệu từ 1 trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ, chứ không phải lấy số liệu từ 10 trạm quan trắc của chúng tôi. Vì vậy số liệu này không đại diện cho cả thành phố và cũng không chính xác", đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường nhấn mạnh.
Ngoài ra, khu vực ĐSQ Mỹ nằm cạnh đường Láng Hạ, có mật độ giao thông cao, nhiều công trình đang xây dựng, nên cũng là một trong những điểm có chất lượng không khí kém so với mặt bằng chung của thành phố.
Để đánh giá được chính xác chất lượng không khí của cả TP, số liệu phải được lấy từ nhiều trạm, mỗi trạm lấy nhiều lần từ các thời điểm khác nhau trong ngày thì mới đánh giá đầy đủ được chất lượng không khí của TP ấy.
"Nếu chỉ lấy số liệu ở 1 thời điểm, từ 1 trạm quan trắc trong thành phố rộng hơn 3.300 km2 thì không thể chính xác, khách quan được", vị này nhận xét.
Ngoài AirVisual, hiện có nhiều nền tảng đo chất lượng không khí khác như PAM Air, AQICN… Tuy vậy, AirVisual là nền tảng tổng hợp các dữ liệu không khí từ nhiều nguồn nên cho người dùng cái nhìn tổng quan hơn.
Thế nhưng, việc hiển thị chỉ số cao nhất để đại diện cho cả thành phố thay vì lấy kết quả trung bình khiến người dùng không khỏi hoang mang. Vì vậy, người dùng cần vào phần bản đồ của AirVisual để kiểm tra chính xác chỉ số gần khu vực mình nhất để có kế hoạch sinh hoạt hợp lý.
Ngoài ra, người dân cũng có thể tự đo chất lượng không khí tại nơi mình sống bằng các máy đo như FairKit, PAM Air, Puritrak, Pavana, AirVisual, Laser Egg, Xiaomi Air Detector...