"Để mở ra cơ hội khống chế sự lây lan của đại dịch nguy hiểm này, Việt Nam mong muốn các quốc gia chia sẻ thông tin, miễn trừ bản quyền vaccine Covid-19 để các loại vaccine sớm có thể được phổ biến rộng rãi tại tất cả các nước trên thế giới", bà Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của Zing trong buổi họp báo chiều 13/5.
Bà Hằng cho biết ngay từ khi Covid-19 bùng phát và các nước bắt đầu nghiên cứu vaccine, Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận, và đàm phán với các nhà đối tác cung cấp vaccine phòng Covid-19 trên thế giới để sớm nhập khẩu vaccine về sử dụng trong nước.
"Đến nay, Việt Nam đã tiếp cận với một số nguồn cung cấp vaccine và có cam kết cung ứng từ chương trình COVAX và từ nhà sản xuất và cung cấp vaccine AstraZeneca. Việt Nam cũng đang tiến hành tiêm chủng cho các đối tượng được ưu tiên", bà Hằng cho hay.
Vaccine ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca. Ảnh: Reuters. |
Theo bà Hằng, ngoài vaccine nhập khẩu, Việt Nam cũng đang thúc đẩy việc phát triển vaccine trong nước. Vaccine do Việt Nam sản xuất dự kiến có thể được sử dụng trong năm 2022 để có thể chủ động nguồn cung vaccine, bảo đảm an ninh y tế, và chủ động ứng phó khi có đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.
"Ngoài những nguồn vaccine và các nhà sản xuất đã cam kết cung ứng, Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán với đối tác khác nhau để đa dạng hóa nguồn vaccine", bà Hằng nhấn mạnh.
Việt Nam là một trong 190 quốc gia tham gia vào cơ chế COVAX và là một trong các quốc gia được nằm trong danh sách các quốc gia được tài trợ vaccine giai đoạn đầu tiên.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hơn 1,6 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca sẽ được chuyển tới Việt Nam vào 16/5.
Chính quyền ông Biden hôm ngày 5/5 đã tuyên bố ủng hộ việc từ bỏ toàn cầu đối với việc bảo hộ bằng sáng chế cho vaccine Covid-19. Tuy nhiên, động thái này vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi về việc hủy bỏ quyền sở hữu trí tuệ có thực sự thúc đẩy các nước sản xuất vaccine hay không.