Trả lời phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ ngày 25/4 về thông tin Việt Nam xây 10 đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: "Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo quy định của luật pháp quốc tế".
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, các hoạt động nhằm duy tu, bảo dưỡng các cơ sở vật chất đã xuống cấp của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của con người trên các cấu trúc mà Việt Nam đang quản lý thực tế ở Trường Sa là "hoàn toàn bình thường và hợp pháp", phù hợp với luật pháp quốc tế như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và "không làm thay đổi nguyên trạng, không tổn hại môi trường, không làm phức tạp thêm tình hình".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Ảnh: Việt Linh. |
Trước đó, giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia phân tích việc Việt Nam tu sửa các thực thể cần được đặt trong đúng bối cảnh.
"Việt Nam, thực ra, đã sở hữu một số thực thể ở Trường Sa từ trước năm 2002, thời điểm Trung Quốc và ASEAN kí kết Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC)" Giáo sư Carl Thayer nói hôm 11/4.
"Theo DOC, các bên tham gia cam kết không tiến hành chiếm bất cứ các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ,... nào ở Biển Đông".
Luật sư Hoàng Việt, chuyên nghiên cứu về Biển Đông từ TP.HCM, thì cho rằng việc xây dựng ở Trường Sa như Việt Nam đang tiến hành "không làm thay đổi tính chất pháp lý cho các yêu sách về chủ quyền của Việt Nam".