Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc mới đây có công điện thông báo phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức công bố danh sách các doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sữa sang Trung Quốc.
Theo thông báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Công ty cổ phần Sữa TH (TH Milk Joint Stock Company) là doanh nghiệp đầu tiên được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã giao dịch cho phép xuất khẩu sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc.
Việt Nam đặt mục tiêu năm 2020, xuất khẩu sữa sang Trung Quốc sẽ tăng từ 120 triệu USD lên 300 triệu USD. |
Lô sữa chính ngạch đầu tiên của Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm các sản phẩm sữa tươi tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng bổ sung các hương liệu tự nhiên.
Sau Công ty cổ phần Sữa TH, vẫn còn 4 doanh nghiệp sữa khác của Việt Nam đang chờ phía hải quan Trung Quốc xét duyệt hồ sơ và thông báo sau khi có kết quả đánh giá.
Trước đó, ngày 16/10, Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố thông báo số 156/2019 chính thức cho phép nhập khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam.
Về phạm vi các sản phẩm sữa được phép xuất khẩu sang Trung Quốc, thông báo trên cho biết các sản phẩm sữa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc là các loại thực phẩm được chế biến với nguyên liệu chính là sữa bò đã được xử lý nhiệt, bao gồm các loại sữa thanh trùng, sữa tiệt trùng, sữa pha chế, sữa đặc, sữa bột, sữa công thức cho trẻ em...
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu sữa của Việt Nam phải được sự chấp thuận của cơ quan chức năng Việt Nam, tiến hành các thủ tục đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Sau đó, với các sản phẩm sữa cụ thể, phải tiến hành thẩm định về kiểm dịch để được cấp giấy phép kiểm dịch động thực vật của nước này, trên cơ sở đó mới có thể chính thức xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá thị trường Trung Quốc là một trong những thị trường tiềm năng nhất thế giới. Quốc gia này với dân số hơn 1,4 tỷ người, có nhu cầu rất lớn về sữa và sản phẩm sữa.
Tiêu thụ sữa tại Trung Quốc hiện chỉ xếp thứ 2 thế giới, với tổng giá trị 60 tỷ USD. Thế nhưng, nguồn cung nội địa hiện mới chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu.