Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp, phụ trách thị trường Việt Nam của RECOF Nhật Bản (Tập đoàn Tư vấn về M&A hàng đầu thế giới) đã nhìn nhận như vậy trước cơ hội đón làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản thông qua hoạt động mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (M&A).
Việt Nam đang chứng kiến làn sóng M&A thứ hai được hình thành bởi chính sách tăng cường cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam hầu hết đều có thị phần lớn và vị trí quan trọng tại thị trường nội địa. Đây là một trong những yếu tố quan trọng thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại một thực trạng là khi các nhà đầu tư làm việc với các doanh nghiệp nhà nước bị vướng phải nhiều rào cản như: Thủ tục thông qua đấu giá, yêu cầu phải bán trên mức giá quy định của nhà nước… đã gây khó khăn cho việc tiếp cận và đàm phán trong các thương vụ.
Theo ông Yoshida, nhà đầu tư Nhật Bản muốn đấu giá ở quy mô nhỏ hơn, tiến hành đàm phán với nhiều ưu đãi hơn.
Ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp, phụ trách thị trường Việt Nam của RECOF Nhật Bản. |
Theo thống kê của Recof, các thương vụ đầu tư thông qua M&A của Nhật Bản vào Việt Nam đang có xu hướng giảm dần đi. Năm 2011 đạt 18 thương vụ; có 17 thương vụ 2012; 20 thương vụ năm 2013. Tuy nhiên, tính đến đầu quý III/2014, mới chỉ có 4 thương vụ thành công được công bố.
Mặt khác, cũng theo nhìn nhận của Recof, sự kém minh bạch hóa trong các thông tin có liên quan đến các thương vụ cũng gây ra không ít khó khăn cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong việc tiếp cận các doanh nghiệp nhà nước để thực hiện các hoạt động M&A.
Theo thông tin từ hệ thống đối tác và khách hàng tiềm năng của Recof cho thấy, các lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam đang nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản phải kể đến: Dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin (IT), vận tải và Logistic, chuỗi nhà ăn cửa hàng – tiêu dùng nhanh; đóng gói bao bì sản phẩm; chuỗi bán lẻ và nhà hàng… Tuy nhiên, “Việt Nam là một thị trường khó khăn nhất trong việc đàm phán các thương vụ M&A”, ông Yoshida khẳng định.
Dưới góc nhìn của một nhà tư vấn M&A quốc tế, RECOF cho rằng, có khá nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường Việt Nam, ít nhất là từ góc độ các thương vụ M&A. Trong đó, rào cản lớn nhất là yếu tô pháp lý. “Các quy định pháp lý của Việt Nam khá phức tạp và khó hiểu, điều này đã gây khó khăn và cản trở nhất định trong việc tư vấn cho các thương vụ M&A quốc tế”, lãnh đạo Recof nhìn nhận.
Ví dụ như các quy định có điều kiện trong lĩnh vực bán lẻ, thủ tục khá phức tạp, đặc biệt việc mua lại hoặc đầu tư mới cơ sở bán lẻ. Bởi lẽ, các quy định hiện nay đang nằm khá rải rác, các nhà đầu tư sẽ không dễ tìm kiếm một văn bản rõ ràng để đàm phán thương vụ M&A.
Theo khuyến nghị của nhà tư vấn này, nếu có các nhà tư vấn bản địa có khả năng và uy tín để đi cùng với các thương vụ của Việt Nam thì sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và đàm phán với các nhà đầu tư quốc tế.
Bởi khi đó, những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa… sẽ không còn là trở ngại lớn trong các cuộc đàm phán về M&A.
Một nguyên nhân nữa cũng khiến nhà đầu tư ngoại chưa mặn mà với việc đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước. Nhiều chuyên gia về M&A nhận định, một số vấn đề liên quan đến xử lý tài chính của các doanh nghiệp nhà nước chính là điểm vướng mắc trong các kế hoạch IPO.
“IPO gặp khó trong thời gian gần đây có phần nguyên do từ những khoản đầu tư tài chính của các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa giải quyết được. Mặc dù nhà nước hiện đã có thông tư cho phép trích dự phòng nhưng các doanh nghiệp vẫn còn phải đợi các hướng dẫn cụ thể”, vị chuyên gia này nhìn nhận.
Không những thế, vị chuyên gia này còn thẳng thắn cho rằng, minh bạch tài chính trước khi cổ phần hóa còn “khó thực hiện” ở Việt Nam.
“Thoái vốn ở các công ty mà doanh nghiệp nhà nước đầu tư vẫn là cái khó nhất trong việc cổ phần hóa. Các doanh nghiệp nợ nần lẫn nhau quá nhiều, khó xử lý, kéo dài. Các khoản nợ cũng khó xác định được chính xác, khiến các doanh nghiệp bị mắc, xem xét lại khi thực hiện định giá doanh nghiệp…”, đại diện một công ty chứng khoán cho biết.