Chiều 12/6, báo cáo Quốc hội về tình hình biển Đông, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, từ đầu tháng 5 Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và triển khai lực lượng hộ tống bảo vệ, có cả máy bay, tàu chiến xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trung ương Đảng, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống bảo vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam.
"Chúng ta đã tiến hành giao thiệp bằng nhiều hình thức với Trung Quốc, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Các lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và ngư dân ta đã dũng cảm kiên cường bám biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Các cơ quan thông tin truyền thông trong nước và nhiều hãng truyền thông quốc tế lớn đã thông tin kịp thời, trung thực về những hành động phi pháp, vô nhân đạo của Trung Quốc", ông Phúc nói thêm.
Theo Phó thủ tướng, tại một số địa phương, người dân đã biểu tình phản đối hành động sai trái của Trung Quốc, trong đó kẻ xấu và một số người bị kích động đã có hành vi manh động, vi phạm pháp luật, chống người thi hành công vụ, phá hoại tài sản của Nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương kiên quyết ngăn chặn, ổn định tình hình, xử lý nghiêm những người vi phạm và bảo đảm vững chắc an ninh trật tự.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền về giải pháp của Chính phủ trong "xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập không gắn lệ thuộc nước ngoài", Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Đến nay ta không phụ thuộc vào kinh tế của bất cứ nước nào, tôi có đầy đủ số liệu nhưng không có thời gian trình bày".
Cũng theo ông Phúc, trong thế giới phẳng chúng ta không thể độc lập hoàn toàn nhưng tinh thần là xây dựng một nền kinh tế chủ động, giải pháp đặt ra là phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế.
"Chúng ta đang có thế mạnh thu hút môi trường đầu tư, thời gian tới phải thu hút đầu tư có mạnh mẽ chọn lọc hơn, đảm bảo môi trường tốt hơn cho đất nước. Chúng ta có chủ trương giữ quan hệ làm ăn với Trung Quốc qua các hiệp định song phương và đa phương, trên tinh thần hai bên cùng có lợi", ông Phúc nói thêm.
Lo lắng về tình trạng hàng nhập lậu, gian lận ảnh hưởng sức khỏe nhân dân, đại biểu Trần Hoàng Ngân chất vấn: "Chính phủ có biện pháp gì ngăn chặn có hiệu quả?"
Phó thủ tướng cho hay, đã đưa ra một số giải pháp, kiện toàn bộ máy chống buôn lậu. Hải quan và công an đã xử lý một số vụ việc quan trọng, tới đây tiếp tục xử lý. Đồng thời với đó là khen thưởng kỷ luật nghiêm minh tổ chức cá nhân không làm tốt. Buôn lậu đi kèm với là tham nhũng nên đã thành lập ban chỉ đạo và tình hình buôn lậu, sản xuất hàng giả sẽ được đẩy lùi.
"Trật tự an toàn xã hội diễn biến phức tạp, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đẩy lùi, gây bất an, bất ổn trong nhân dân. Phó thủ tướng cho biết giải pháp phòng chống tham nhũng để xây dựng lòng tin trong cử tri", đại biểu Lê Như Tiến nêu chất vấn.
Trả lời đại biểu Tiến, ông Phúc cho hay, dù nhiều băng nhóm bị triệt hạ, khởi tố nhưng tình hình tội phạm còn phức tạp, nhất là băng nhóm xã hội đen, buôn bán ma túy. Chính phủ đã đề ra các biện pháp như sửa luật hình sự, quy trách nhiệm cho lãnh đạo tỉnh, nơi nào tội phạm hoàn hành chủ tịch tỉnh phải có trách nhiệm.
Theo ông Phúc, Thủ tướng đã ban hành 5 nghị định làm cơ sở phòng chống tham nhũng, củng cố lực lượng chống tham nhũng, tổ chức tốt hình thức tiếp nhận thông tin, nhất là các vụ việc nhạy cảm; đồng thời Thủ tướng đã ký nghị định về trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra tham nhũng. Tuy nhiên, "tham nhũng là vấn đề của cả thế giới, chúng ta cần phải có giải pháp mạnh mẽ".
Đề cập tới giải pháp xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao khi mà "Việt Nam xuất khẩu gạo 25 năm nhưng chất lượng thấp, có địa phương chỉ lãi 30%, nửa số nông dân không có lãi", ông Phúc cho hay, cần tái cơ cấu nền nông nghiệp nhưng không nhất thiết trồng lúa toàn bộ 3,8 triệu ha mà loại gì năng suất hiệu quả thì trồng.
"Đất nước ta chỉ có 3,8 triệu ha diện tích trồng lúa, đã đề ra nhiều công tác hỗ trợ tín dụng hỗ trợ giống, trước và sau thu hoạch. Đặc biệt Chính phủ hỗ trợ 500.000 đồng cho người trồng 1 ha lúa một năm. Giá lúa tại đồng bằng Sông Cửu Long là 5000 đồng một kg, đảm bảo lãi trên 30%", Phó thủ tướng nêu thực trạng.
Chưa hài lòng với câu trả lời của Phó thủ tướng, đại biểu Lê Như Tiến đứng dậy đặt câu hỏi lần hai. Theo ông Tiến, một trong những giải pháp hữu hiệu của phòng chống tham nhũng là kiểm soát, giám sát tài sản gia tăng của công chức. Những tài sản đã kê khai nhưng phải công khai tại nơi làm việc, nơi cư trú để nhân dân giám sát.
"Trong thời gian qua chúng ta có kê khai nhưng không công khai minh bạch tài sản. Nên một số cán bộ cao cấp đương chức hoặc vừa nghỉ hưu đã phát lộ khối tài sản khổng lồ. Xin Phó thủ tướng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ tới nay có bao nhiêu cán bộ cao cấp công khai minh bạch và phải giải trình về khối tài sản ngày càng gia tăng của mình, giải pháp của Chính phủ?", ông Tiến chất vấn.
Nêu lại nghị định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu và nghị định minh bạch tài sản thu nhập, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là hai văn bản quan trọng thực hiện luật phòng chống tham nhũng sửa đổi trong thời gian qua. Việc công khai minh bạch này chưa làm tốt, chứng tỏ cơ sở pháp lý là có nhưng việc triển khai ở một số cấp ngành là còn nhiều hạn chế.
"Về số liệu cụ thể có bao nhiêu cán bộ có tài sản lớn thì chỉ có qua thanh tra, qua sự việc mới có thể phát hiện một cách đầy đủ. Nên cơ quan chức năng và người dân cần làm tốt việc này trong thời gian tới", Phó thủ tướng chốt lại phần trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến.