Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 2/6, trước câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước khả năng Trung Quốc không tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực Liên Hợp Quốc (PCA), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ: "Là quốc gia trực tiếp liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam ủng hộ giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982".
"Chúng tôi mong muốn Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết công bằng, khách quan, phù hợp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, đồng thời yêu cầu các bên liên quan tôn trọng pháp lý quốc tế được nêu ra trong công ước quan trọng này", ông Bình nhấn mạnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. Ảnh: Anh Tuấn |
Tòa Trọng tài thường trực Liên Hợp Quốc (PCA) sắp đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Nhiều nhà phân tích nhận định, đây sẽ là kết quả bất lợi cho phía Trung Quốc và Bắc Kinh thể hiện rằng sẽ phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng tài.
Trong vụ kiện, phía Philippines tuyên bố Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động khai thác tài nguyên phi pháp trên Biển Đông, trái với những điều khoản của Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982. Manila buộc tội Bắc Kinh thực hiện các hành động gây hấn và ngăn cản các quốc gia trong hoạt động khai thác tài nguyên ở Biển Đông.
Phán quyết của PCA không có tính ràng buộc mạnh mẽ như Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Tuy nhiên, phán quyết của PCA cũng có giá trị riêng. Một quốc gia phớt lờ phán quyết của PCA đồng nghĩa với việc phớt lờ luật pháp quốc tế. Trong trường hợp này, các thành viên Hội đồng Bảo an có thể nhóm họp để thảo luận hay ban hành nghị quyết về vấn đề Biển Đông. Việc phớt lờ PCA gây tổn hại cho UNCLOS, công ước mà các quốc gia mất nhiều thập kỷ để ban hành.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình hôm nay cũng cho biết Việt Nam hoan nghênh tuyên bố của Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp G7 về các cam kết đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, an ninh biển và luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.
"Việt Nam đề nghị các bên tiếp tục có đóng góp tích cực trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trong các vùng biển và đại dương", ông Bình nói.