Sau quá trình điều trị tích cực theo quy trình cách ly chặt chẽ, nhờ năng lực chuyên môn và sự tận tình của các y, bác sĩ Việt Nam, bệnh nhân đã bình phục, được xuất viện và rời Việt Nam ngày 15/6 để trở lại công tác, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Trước đó, nhân viên Liên Hợp Quốc được xác định mắc Covid-19 khi công tác tại một nước ở khu vực, có tình trạng bệnh chuyển biến nặng. Bệnh nhân được đưa đến Việt Nam bằng máy bay riêng do nhóm công tác sơ tán y tế khẩn cấp của Liên Hợp Quốc (MEDEVAC) thực hiện.
Nhân viên Liên Hợp Quốc mắc Covid-19 đã được Việt Nam điều trị và hồi phục. Ảnh minh họa: Hoàng Giám. |
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tiếp nhận và điều trị một bệnh nhân là nhân viên Liên Hợp Quốc theo cơ chế MEDEVAC, đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Liên Hợp Quốc.
Lãnh đạo và đại diện Liên Hợp Quốc ở các cấp khác nhau bày tỏ sự cảm kích trước thiện chí và tinh thần đoàn kết quốc tế của Việt Nam; đồng thời đánh giá cao năng lực chuyên môn, khả năng đóng góp ngày càng lớn của ngành y tế Việt Nam đối với công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, cũng như góp phần mở rộng hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế đất nước.
Đặc biệt, Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc Atul Khare nhấn mạnh việc làm này có ý nghĩa quan trọng, góp phần hỗ trợ Liên Hợp Quốc hoàn thành nhiệm vụ của mình tại khu vực.
Ông đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Việt Nam trong thời gian tới.
Nhân dịp này, ông Atul Khare cũng cảm ơn Việt Nam tiếp tục cử lực lượng tham gia bệnh viện dã chiến cấp II tại Cộng hòa Nam Sudan và đã tiêm vaccine Covid-19 cho các cán bộ, quân nhân được cử đi làm nhiệm vụ.