- Học sinh đang cách ly y tế sẽ được thi THPT quốc gia đợt 2
- Có 2 cách để doanh nghiệp tham gia nhập khẩu vaccine
- Quỹ vaccine đã tiếp nhận hơn 3.000 tỷ tiền đóng góp
-
Sản xuất công nghiệp tăng bất chấp dịch Covid-19
Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế 5 tháng đầu năm vẫn duy trì được những triển vọng tốt, bất chấp dịch Covid-19. Sản xuất công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 1,6% so với tháng 4 và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng tư và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%.
Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5 tăng 8,1% về số lượng và tăng 33,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 78.300 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9%.
Ảnh: Thạch Thảo.
-
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp báo
Chiều 3/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5. Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tại trụ sở Chính phủ.
Phiên họp tập trung thảo luận về công tác phòng chống dịch Covid-19; tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, dự báo thực hiện 6 tháng và các giải pháp trong những tháng cuối năm; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm và các giải pháp trong những tháng cuối năm và một số nội dung khác.
Chính phủ cũng quyết nghị nhiều nội dung quan trọng được người dân và doanh nghiệp quan tâm, trong đó có các giải pháp tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, địa phương.
Mục tiêu được Chính phủ nhấn mạnh là nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi và dập dịch triệt để; thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, trong tháng 5 và 5 tháng năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nước ta vẫn đạt được các kết quả nổi bật như kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất, tỷ giá ổn định, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư nước ngoài...
Trong đó, tính lũy kế 5 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt 14 tỷ USD - tăng 8,8%; xuất khẩu đạt trên 130 tỷ USD, nhập khẩu trên 131 tỷ USD.
Chỉ số CPI bình quân 5 tháng tăng 1,29% so cùng kỳ năm trước; thu ngân sách nhà nước đạt gần 50% dự toán năm - tăng 15,2% so cùng kỳ...
-
"Khả năng còn có ca mắc mới, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng"
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn khái quát nội dung phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra cùng ngày. Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ thống nhất nhận định chúng ta đã kiểm soát được tình hình dù cục bộ một số địa phương dịch diễn biến phức tạp, như TP.HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh. Ảnh: Việt Linh.
Theo đánh giá của Chính phủ, chủng virus mới lây lan nhanh và nguy hiểm hơn nên dự báo dịch còn diễn biến phức tạp. “Khả năng còn có ca mắc mới tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng”, ông Sơn cho hay.Người phát ngôn Chính phủ truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng về việc không được chủ quan, lơ là nhưng cũng không bi quan, hốt hoảng trong chống dịch. Thay vào đó, phải bình tĩnh, sáng tạo, nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K + vaccine + công nghệ; đẩy nhanh chiến lược vaccine… Cùng với đó, đảm bảo hoạt động kinh tế xã hội cần thiết, đảm bảo giao thương hàng hóa, có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn.
Về tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, theo người phát ngôn Chính phủ, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch, thậm chí nghiêm trọng hơn những lần trước, nhưng tình hình kinh tế xã hội có nhiều kết quả tích cực.
-
10 năm tới phải làm xong 3.800 km đường cao tốc
Đề cập đến việc xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông (toàn quốc có khoảng 3.000 km), đến năm 2030 có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, Bộ trưởng Trần Văn Sơn nhận định đây là một nhiệm vụ khó. Theo đó, 10 năm nữa phải phấn đấu làm xong 3.800 km đường cao tốc. Ảnh: Việt Linh.
Người phát ngôn Chính phủ cho biết Thủ tướng đã giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thiện, làm sâu sắc thêm nội dung dự thảo báo cáo, tờ trình Bộ Chính trị về việc thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 theo phương thức cả gói. Định hướng là xây dựng đường cao tốc hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
-
Hai cách để doanh nghiệp tham gia nhập khẩu vaccine
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trả lời các câu hỏi liên quan đến vaccine ngừa Covid-19. Về cơ chế cho doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia, tiếp cận vaccine và cơ chế kiểm soát chất lượng vaccine, ông Cường cho biết để có vaccine cho người dân sớm nhất thì Chính phủ khuyến khích tất cả địa phương, doanh nghiệp có điều kiện, có nguồn vaccine cùng tham gia.
Theo ông Cường, có hai cách tham gia: Một là huy động tiền đóng góp cho Quỹ vaccine, hai là trực tiếp nhập khẩu vaccine từ nguồn rất tin cậy. Về kiểm soát chất lượng, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết vaccine lần này nhập khẩu trong tình trạng khẩn cấp nên có một số đặc thù. Chất lượng vaccine được nhà sản xuất đảm bảo nhưng những hiệu quả hay phản ứng vẫn cần tiếp tục theo dõi, không giống như một số loại vaccine đã sử dụng từ lâu.
Cùng với đó, việc bảo quản vaccine trong điều kiện rất ngặt nghèo. “Vì nhập vaccine trong điều kiện khẩn cấp nên một số nội dung chưa kiểm định được. Chúng ta phải chấp nhận vacicne do WHO đã cấp chứng nhân hoặc do Cục quản lý dược - Bộ Y tế của một số nước cấp, chấp nhận một số điều kiện không kiểm định được”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, cách kiểm soát tốt nhất là trực tiếp mua của các nhà sản xuất mà không thông qua các công ty trung gian.
-
Ưu tiên tiêm vaccine tại khu công nghiệp, khu chế xuất
Trả lời về việc làm thế nào để đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp, khu chế xuất trước dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết các khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng tới “mục tiêu kép”. Tuy nhiên, đây cũng là nơi nếu có dịch thì lan rất nhanh, vì tập trung đông người, bởi biến chủng virus SARS-CoV-2 đã không chỉ lây qua giọt bắn mà còn không khí, do đó việc đeo khẩu trang là rất quan trọng.
Thứ trưởng Cường nhấn mạnh Chính phủ và Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân khu công nghiệp. Chúng tôi đã phân bổ Bắc Ninh, Bắc Giang mỗi tỉnh 150.000 liều. Bộ Y tế cũng chỉ đạo CDC các tỉnh để quan tâm phòng chống dịch tại các khu công nghiệp. Đặc biệt, cần chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly, tránh cách ly đông nghiệp, gây lây nhiễm chéo.
"Tại TP.HCM, chúng tôi đánh giá TP rất chủ động phòng chống dịch trong khu công nghiệp, tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Chúng tôi hy vọng dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát để tránh ảnh hưởng đến sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, ông Cường nói.
-
Tổng số vaccine Việt Nam đặt hàng là 170 triệu liều
Thông tin về tiến độ tiêm vaccine ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Y tế được giao nhiệm vụ nhập khẩu 150 triệu liều vacicne để tiêm 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. “Chúng ta cơ bản tiếp cận được số lượng này, tuy nhiên, khi nhập khẩu ta phải ký cam kết, đó là ký thỏa thuận miễn trách nhiệm khi có sự cố xảy ra hoặc chúng ta cũng phải chấp nhận khi các công ty giao hàng không đúng tiến độ”, ông Cường thông tin. Ảnh: Quỳnh Trang.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt, vì vậy, có trường hợp vaccine chuyển về cho chúng ta nhưng chỉ vài hôm trước khi hàng về lại được điều sang nước khác, như vừa rồi được điều sang Lào, Campuchia nên số vaccine về Việt Nam chỉ còn một nửa. Lý giải việc này, ông Cường giải thích do nguồn cung chưa đủ nên phải phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh một số nước.
"Chúng ta tiếp cận vaccine sớm nhưng không được ưu tiên", ông nói. Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết từ tháng 8 trở đi, tất cả nguồn vaccine Việt Nam tiếp cận sẽ về nhiều. Theo đó, Pfizer cam kết chuyển 15,5 triệu liều trong quý III/2021 và một số lượng tương đương trong quý IV. AstraZeneca và Covax cũng cam kết cung cấp khoảng 30 triệu liều. Và mới đây nhât, phía Nga cũng cam kết dành cho Việt Nam 20 triệu liều vaccine Sputnik.
"Tổng số vaccine Việt Nam đặt hàng là khoảng 170 triệu liều nhưng chúng ta cũng lường trước việc giao hàng không đúng tiến độ, không đầy đủ vì đó là cam kết chúng ta đã ký với các nhà sản xuất”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
-
Quỹ vaccine đã tiếp nhận hơn 3.000 tỷ tiền đóng góp
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết quỹ vaccine tại Bộ này có số dư khoảng 104 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã tiếp nhận tài trợ khoảng 1.000 tỷ đồng. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cũng cho biết các doanh nghiệp thuộc quản lý của Ủy ban cũng đã cam kết ủng hộ khoảng 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cũng đã rất hưởng ứng quyên góp. Ông cho biết sắp tới sẽ có những hình thức quyên góp, ủng hộ thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp đóng góp. Ảnh: Tùng Hiếu.
-
Lập quỹ bình ổn giá thép không là ý kiến chính thức của Bộ Công Thương
Phóng viên đặt câu hỏi về việc Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên từng đề xuất lập quỹ bình ổn giá thép. “Chuyên gia cho rằng lập quỹ bình ổn là phi thị trường, Bộ Công Thương ý kiến gì về vấn đề này như thế nào”, câu hỏi nêu. Trả lời, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Đây không phải là ý kiến chính thức của Bộ Công Thương”, ông nói. Ảnh: Tùng Hiếu.
-
Học sinh đang cách ly y tế sẽ được thi THPT quốc gia đợt 2
Trả lời câu hỏi về kịch bản thi THPT quốc gia trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi rất quan trọng, không chỉ lấy kết quả để xét tốt nghiệp mà còn làm căn cứ đánh giá toàn bộ quá trình dạy, học của nhà trường và các địa phương. Từ đó, có cải tiến về nội dung, phương pháp dạy học, chương trình, làm căn cứ để cải tiến chất lượng. Đặc biệt, phần lớn thí sinh dựa trên kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học. Ảnh: Tùng Hiếu.
Vì tính quan trọng của kỳ thi, lãnh đạo Bộ Giáo dục cho biết Bộ đã chỉ đạo các địa phương và cùng các địa phương phối hợp với các ngành khác chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để làm sao tổ chức kỳ thi đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn cho học sinh, cho cán bộ coi thi, cho những người làm công tác coi thi…Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục, kỳ thi tốt nghiệm THPT năm nay sẽ được tổ chức vào 7-8/7 và cho đến nay công tác chuẩn bị đã diễn ra đúng tiến độ, nghiêm túc. “Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp, vẫn còn địa phương giãn cách xã hội, cách ly thì Bộ cũng sẽ có phương án để thí sinh ở khu vực cách ly và những học sinh đang cách ly y tế sẽ dự thi vào đợt 2”, ông Sơn thông tin.
Nếu diễn biến dịch phức tạp hơn nữa, ông cho biết các tỉnh, TP sẽ báo cáo Chính phủ để có phương án điều chỉnh.