Đây là nhận định nằm trong báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam tháng 7/2014 vừa được ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) đưa ra. Theo đó, bất chấp suy thoái toàn cầu trong nửa đầu năm 2014, sản xuất và xuất khẩu vẫn là điểm sáng của kinh tế Việt Nam với sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng. Dù chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 giảm xuống còn 52,3 điểm nhưng ngành sản xuất vẫn đạt mức tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu 6 tháng tăng 14,9%.
Trong trung hạn, việc gia nhập IPP có thể sẽ mở ra cánh cửa tới các thị trường mới và cho phép nhiều khu vực kinh tế năng động nhất của Việt Nam bắt kịp sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nông nghiệp được kỳ vọng sẽ tăng trưởng bùng nổ, tạo thặng dư và thúc đẩy phát triển công nghệ, đưa kinh tế Việt Nam chuyển dịch lên một mức cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Dù bức tranh về sản xuất có nhiều điểm sáng trong ngắn hạn và trung hạn, nhưng báo cáo của HSBC vẫn nhận định rằng GDP của Việt Nam chỉ có thể tăng ở mức 5,5% trong năm 2014, trong khi lạm phát cuối năm sẽ ở mức 5,5%. Ngoài ra, thách thức khác của Việt Nam là mức tăng GDP đầu người khá chậm, và khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nếu không có cú huých đủ lớn từ thị trường vốn. Ngân hàng này ước tính, đến năm 2020, thu nhập bình quân của người dân có thể chỉ đạt đến ngưỡng 4.000 USD.
Báo cáo của ngân hàng Hong Kong Thượng Hải chỉ ra rằng trong trung hạn, Chính phủ cần tháo "nút cổ chai" cho nền kinh tế, nhất là trong ngành đầu tư công và lĩnh vực ngân hàng. Hiện tại, đầu tư công không hiệu quả, doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng chưa đóng vai trò như mắt xích thúc đẩy công nghiệp hóa trong nền kinh tế đã khiến quá trình cải cách của Việt Nam được tiến hành với "hai bước tiến và một bước lùi".