Việt Nam có đón được làn sóng Cách mạng Công nghiệp 4.0?
Dưới góc nhìn chuyên gia công nghệ, Việt Nam đang có cơ hội lớn với cách mạng công nghiệp lần 4, nhưng khó khăn hơn nhiều so với các nước phát triển.
Cơ hội lớn nếu hiểu đúng, làm đúng
Cách mạng Công nghiệp lần 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra tại các nước phát triển, ở Việt Nam, nó vẫn còn nằm ở dạng khái niệm, cơ hội lẫn thách thức cho cả doanh nghiệp, người lao động cho đến kiến trúc thượng tầng.
Theo Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế Giới, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang được hình thành từ cách mạng 3.0 và có tốc độ nhanh hơn nhiều so với những gì nhân loại từng thấy.
"Cách mạng công nghiệp lần đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học", Klaus Schwab định nghĩa.
CMCN 4.0 đang diễn ra tại các nước phát triển như Mỹ, châu Âu, một phần châu Á. Việt Nam xuất phát sau, nhưng có gần đủ điều kiện để thực hiện cách mạng.
Theo ông Nguyễn Bá Ngọc, Chủ tịch Công ty NBN Media, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội cực lớn trước CMCN 4.0 này. Việt Nam có thể nhân đó vươn lên và trở thành một nước có những thành công đáng kể nếu DN nhìn nhận đúng, hành xử tích cực và chính phủ hỗ trợ tốt, đủ mức và đúng hướng.
"Tôi đã đến nhiều công ty, nhà máy của Việt Nam và Đài Loan, tham quan, trò chuyện với nhiều doanh nhân và thấy Đài Loan đã đi rất xa trước chúng ta trong CMCN 4.0 này", ông Ngọc cho biết. Hầu hết doanh nghiệp Đài Loan đều hiểu sâu sắc về 4.0. Các hội đoàn của họ có thực chất và rất mạnh".
Chuyên gia này lấy ví dụ một công ty ở Đài Trung là Hiwi, doanh thu cỡ tỷ USD, vốn chỉ là công ty cơ khí song đã đầu tư chế tạo thành công các cánh tay robot ứng dụng trong y khoa như sản xuất vắc-xin, dược, phẫu thuật.
Trao đổi với Zing.vn, ông Bùi Hải An, sáng lập kiêm điều hành công ty Silicon Straits, chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ cao cho các đối tác trong khu vực Đông Nam Á, bày tỏ sự hoài nghi về khả năng Việt Nam sẽ làm được cách mạng 4.0 tại thời điểm này.
Theo ông An, những yếu tố cần có để "làm cách mạng" bao gồm cơ cấu nền kinh tế, chiến lược quốc gia, định hướng kinh doanh của các công ty trụ cột của kinh tế, nhân lực chất lượng cao ... thì "cái nào Việt Nam cũng không có hoặc đang nửa vời".
"Chúng ta tạo ra sự nhận thức, phòng bị là tốt, nhưng đừng tạo kỳ vọng quá nhiều về CMCN 4.0", người từng thuyết trình trước Cựu Tổng thống Mỹ Obama cuối 2016 tại TP.HCM nhận định.
Ông An cho rằng Việt Nam sẽ có Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhưng không phải muốn tự nhiên mà có, mà sẽ bị cuốn theo bởi các nền kinh tế, thị trường đang nhập thô sản phẩm, nhiên liệu cho đến công nghệ từ Việt Nam.
Người lao động nên cảm thấy lo lắng và thay đổi
Những định nghĩa về CMCN 4.0 luôn đi kèm với những mặt trái. Điều dễ thấy nhất đó chính là tình trạng thiếu việc làm khi robot, trí tuệ nhân tạo làm thay con người trong một số ngành nghề.
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho rằng ở giai đoạn đầu tiên, giới công chức và lao động bậc cao nói chung sẽ bị đe doạ. Giai đoạn tiếp theo sẽ là lao động giá rẻ, nhưng có thể sẽ chậm hơn. Kéo theo đó là việc các chính phủ phải tái cơ cấu lại nền kinh tế để phù hợp với thực tiễn mới.
Nói với Zing.vn, ông Hải An cho rằng những đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi CMCN 4.0 sẽ là những lao động ít kỹ năng. Nhưng cũng tuỳ ngành mà mức độ ảnh hưởng bởi CMCN 4.0 đến đâu. Ngành dệt may, nhập liệu có thể bị "cách mạng hoá" sớm, nhưng ngành xây dựng có thể còn xa.
Cách dễ hiểu nhất với người lao động là hãy tự đặt câu hỏi "Ngành nghề của mình có dễ bị tự động hoá hay không". Nếu có, bạn thuộc nhóm đối tượng dễ bị đẩy ra đường nếu CMCN 4.0 diễn ra thành công.
"VN cần đào tạo ngay nhân lực để đón sóng CMCN 4.0"
Từ khái niệm của người đứng đầu Diễn đàn Kinh tế thế giới, Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý.
Riêng trong lĩnh vực Kỹ thuật số, nó bao gồm những thành tố gồm cảm biến, Internet, Clould computing (điện toán đám mây) và Big Data Analytics (phân tích dữ liệu lớn). Những yếu tố này ở Việt Nam đã hội tụ gần như đầy đủ.
Theo ông Ngọc, cần xem xét thực tế để có con đường và giải pháp thích hợp, thí dụ ngành sản xuất cảm biến ở Việt Nam quá yếu và đắt nên trước mắt ko nên nghĩ đến chuyện này mà có thể mua cảm biến từ các nước lân cận. Việt Nam nên tập trung vào 3 thành tố còn lại sẽ khả thi hơn.
"Hiện Việt Nam đi quá chậm về đào tạo Clould Computing, Data Technology, Data Analytics còn quá ít và yếu, thậm chí chưa có gì", "Chính phủ càng cần có chương trình cụ thể hỗ trợ và thúc các trường lập tức đào tạo nguồn nhân lực mạnh của các phần cần thiết này", ông Ngọc nhấn mạnh.
Cụ thể cho giải pháp này, chuyên gia có nhiều năm quan sát ngành CNTT và truyền thông cho biết Chính phủ cần đầu tư ngân sách cho các trường có năng lực đào tạo lượng lớn nhân lực về Cloud Computing, Data Technology, Robotics... và các thứ liên quan cho 4.0. Nên đấu thầu cho công bằng.
Tiếp đến, nên có chính sách hỗ trợ doanh nhân học hỏi, ứng dụng qua việc đưa thành tựu, sản phẩm, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam và đưa doanh nhân, quản lý Việt Nam ra nước ngoài. Chính phủ cần hỗ trợ mạnh về chính sách miễn, giảm thuế, cho vay ưu đãi... cho các doanh nghiệp làm cách mạch công nghiệp 4.0.