Các chuyên gia đánh giá, Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này được dự báo sẽ tăng lên hơn 25%.
Đến năm 2038, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già.”
Sự già hóa dân số, đặc biệt là ở các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam đang tạo ra những áp lực và thách thức mới, đồng thời, công tác dân số và phát cũng cần linh hoạt thích ứng khi chỉ còn 15 năm nữa để chuẩn bị.
Già hóa dân số sẽ gây thiếu hụt lao động. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Nguy cơ thiếu hụt lao động
Theo thống kê, năm 2023, quy mô dân số Việt Nam là khoảng 100,3 triệu người, với hơn 16 triệu người cao tuổi. Bộ Y tế đưa ra dự báo đến năm 2038, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già,” với hơn 21 triệu người cao tuổi, chiếm gần 20% tổng dân số.
Điều đáng lưu ý là quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng hơn 20 năm, trong khi các nước phát triển mất nhiều thời gian hơn, thậm chí gần một thế kỷ.
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 68,6 tuổi (năm 1999) lên 73,2 tuổi (năm 2014), tăng dần lên 74,5 tuổi (năm 2019), dự báo tăng lên 78 tuổi (năm 2030) và đạt 80,4 tuổi (năm 2050). Từ năm 2009 đến năm 2021, chỉ số già hóa của chúng ta đã tăng từ 35,5 đến 53,1.
Những năm 70-80 của thế kỷ trước, phụ nữ Việt Nam sinh nhiều con và nhiều hơn tỷ suất sinh thay thế cần thiết (5 - 6 con/phụ nữ). Tuy nhiên, xu hướng này ngày càng giảm và thấp nhất vào năm 2005.
Đến nay, mặc dù tỷ suất sinh trung bình đã cải thiện nhưng vẫn chưa đạt tỷ suất sinh cần thiết là 2,1 con/phụ nữ. Nhiều chuyên gia đã đưa ra định, ngày càng nhiều người trẻ ở Việt Nam có suy nghĩ, trong điều kiện hiện nay, việc kết hôn, sinh con là bất tiện, gây phiền hà và không cần thiết.
Từ đó, các chuyên gia nêu ý kiến rằng cơ quan chức năng cần xây dựng thông điệp, bộ tài liệu truyền thông về chính sách dân số và phát triển để phổ biến rộng rãi trong tình hình hiện nay.
Theo các chuyên gia: Một hậu quả trực tiếp của sự già hóa dân số ở Việt Nam là nguy cơ thiếu hụt lao động.
Bác sỹ Bệnh viện Hùng Vương thăm khám sức khỏe tiền hôn nhân cho một cặp đôi nam nữ thanh niên. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN. |
Với dân số ngày càng già hóa và lượng người lao động trẻ giảm sút, sự thiếu hụt lao động đang càng trở thành vấn đề đáng lo ngại. Các ngành công nghiệp và dịch vụ sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đủ nguồn nhân lực để duy trì, phát triển, điều này có thể dẫn đến tình trạng giảm hiệu suất lao động, giảm cạnh tranh, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình thông tin: Tỷ lệ người cao tuổi tham gia làm việc ngày càng tăng trong 20 năm qua.
Năm 1999, có 19,40% người cao tuổi là nữ, 35% người cao tuổi nam làm việc thì đến năm 2020 đã tăng lên thành 38% và 46,1%.
Giai đoạn 2010-2020, bình quân mỗi năm lao động là người cao tuổi tăng thêm khoảng 160.000 người, tương ứng là 4%/năm, cao hơn 2 lần so với mức tăng trưởng việc làm chung của cả nước.
Ngoài ra, già hóa dân số cũng đặt ra những thách thức đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và trợ cấp xã hội. Với tình trạng tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, rõ ràng Nhà nước cần phải có các chính sách và cơ sở hạ tầng phù hợp để đảm bảo người cao tuổi được chăm sóc tốt nhất.
Xe diễu hành với khẩu hiệu và loa phóng thanh lan tỏa thông điệp của Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày dân số Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN. |
Cần có chính sách phù hợp
Nhận thức được xu hướng già hóa dân số là tất yếu, từ nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, đặc biệt là hệ thống trợ giúp xã hội, nhằm ứng phó hiệu quả.
Cụ thể, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người cao tuổi vay vốn ưu đãi để sản xuất-kinh doanh (Thông tư số 96/2018/TT-BTC).
Người cao tuổi có thể vay vốn tín dụng ưu đãi từ 2 nguồn vốn thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ quốc gia về việc làm để đầu tư phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3,1 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Số lượng người cao tuổi không có lương hưu càng lớn thì càng tạo nhiều áp lực lên hệ thống an sinh xã hội.
Số người về hưu và thời gian hưởng lương hưu gia tăng đòi hỏi phải hình thành hệ thống lương hưu dài hạn đủ sống đang trở thành sức ép với các nước phát triển và đang phát triển.
Do đó, vấn đề đặt ra là cần tạo mọi điều kiện kéo dài thời gian lao động cho người cao tuổi, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững, thích ứng với xu hướng già hóa dân số.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, chúng ta cần nhìn nhận già hóa dân số không chỉ ở mặt nguy cơ mà còn cần tiếp cận theo hướng sẽ mang lại cơ hội đáng kể cho phát triển bền vững gắn liền với sự tham gia tích cực của người cao tuổi.
Với kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và nguồn lực tài chính, người cao tuổi hoàn toàn có thể trở thành tác nhân, nguồn lực quan trọng trong cộng đồng để đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, gia đình và cộng đồng.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần hình thành các chính sách khuyến khích phụ nữ sinh con, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động, đầu tư vào giáo dục và đào tạo để phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu hút, giữ chân nguồn lao động trẻ.
Cùng với đó, việc sử dụng công nghệ và tự động hóa trong các ngành công nghiệp cũng là một giải pháp.
Bằng cách tăng cường tự động hóa, Việt Nam có thể giảm phụ thuộc vào lao động trực tiếp, tăng hiệu suất lao động, giúp cân bằng nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp và dịch vụ.
Phó cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Phạm Vũ Hoàng, cho biết, già hóa dân số mang đến cả cơ hội và thách thức.
Về cơ hội, già hóa dân số có thể thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực như bảo hiểm, ngân hàng, dinh dưỡng, du lịch, đổi mới công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoặc quản lý trong bối cảnh thiếu lực lượng lao động.
Trong bối cảnh sự già hóa dân số và nguy cơ thiếu hụt lao động, Việt Nam cần chủ động và sáng tạo trong việc tìm kiếm giải pháp hiệu quả.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tham khảo kinh nghiệm của các nước đã ứng phó với già hóa dân số để xây dựng chính sách phù hợp thực tiễn để tăng cường tính tự chủ, độc lập, nhất là tài chính cho người cao tuổi, đồng thời tạo cho họ cơ hội, năng lực tham gia đầy đủ vào hệ thống an sinh, bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe, đảm bảo quyền cho người cao tuổi để đạt đến "già hóa thành công."
Có thể nói, bằng cách thực hiện linh hoạt chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi tham gia phát triển kinh tế, xã hội, Việt Nam có thể vượt qua những thách thức, chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để bước vào thời kỳ già hóa dân số.