Việc xem xét hộ chiếu vaccine cũng như thí điểm đón khách quốc tế đã được nhắc đến nhiều. Tuy nhiên, cho tới giờ, vẫn chưa có một bước tiến triển chính thức nào.
Theo quan điểm của nhiều người làm du lịch, Việt Nam vẫn còn nhiều bài toán cần giải trước khi chính thức mở cửa đón khách. Ngoài ra, việc đón khách quốc tế cũng cần thực hiện sớm nếu không muốn bị "lỡ đà" trong cuộc chạy đua với các nước cùng khu vực.
Chưa chậm trễ nhưng không thể chờ lâu
Trên thế giới, "hộ chiếu vaccine" hay giấy thông hành cho khách du lịch đang dần được áp dụng vào thực tiễn. Một số nước châu Âu như Bulgaria, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Đức, Hy Lạp, Croatia... đã thông qua chứng chỉ du lịch Covid-19, một dạng hộ chiếu vaccine.
Nhật Bản cũng đang chuẩn bị phát hành loại chứng chỉ này. Theo tin từ Nikkei Asia, một nhóm liên ngành do Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato dẫn đầu đang thảo luận về một chương trình hộ chiếu vaccine chính thức dành cho doanh nhân và một số đối tượng khác.
Ở Thái Lan, từ 1/7, du khách quốc tế tiêm vaccine đã có thể tới Phuket. Tuy vẫn cần thực hiện kiểm dịch, thời gian đã được rút ngắn còn một tuần. Một nước khác ở châu Á cũng thông qua vấn đề hộ chiếu vaccine là Singapore (sử dụng IATA Travel Pass).
Việc Việt Nam vẫn đang thảo luận về hộ chiếu vaccine và thí điểm đón khách quốc tế được nhiều doanh nghiệp nhận xét là phù hợp thời điểm.
"Tôi không nghĩ Việt Nam đi sau hay chậm trễ. Vaccine không hiệu quả 100% nên người tiêm vẫn có thể mắc bệnh. Chúng ta cần có biện pháp phòng, chống dịch cho nhóm người này nhưng không nên khắt khe như nhóm chưa có hộ chiếu vaccine", ông Vũ Văn Tuyên, CEO Travelogy - một công ty du lịch chuyên đón khách nước ngoài - nêu quan điểm.
Phú Quốc được cân nhắc làm nơi thí điểm đón khách quốc tế đã tiêm vaccine. Ảnh: Khánh Huyền. |
Tuy nhiên, một số người làm du lịch cho rằng chúng ta cũng không nên quá chậm rãi khi các nước trong khu vực đã bắt đầu triển khai. Trả lời Zing, ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Images Travel, nhận định việc đi sau có thể khiến Việt Nam thua thiệt trong việc thu hút khách quốc tế.
"Thái Lan hay cả Campuchia cũng đều có kế hoạch sắp tới. Họ làm được, mình không hưởng lợi gì đâu mà ngược lại. Uy tín du lịch của đất nước đôi khi nằm ở chỗ lên kế hoạch kịp thời", ông Toản nói.
Các vấn đề cần giải quyết trước khi mở cửa?
Theo quan điểm của ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết trước khi nghĩ tới việc thông qua hộ chiếu vaccine.
Ông nói: "Ở góc độ doanh nghiệp, tôi thấy nước ta vẫn thiếu lộ trình và chưa có sự thống nhất ở các bước mở cửa. Doanh nghiệp chưa nắm đủ thông tin và không biết quảng bá với các hãng nước ngoài thế nào, toàn phải đưa ra những thông tin chung chung".
Thái Lan thể hiện quyết tâm đón khách quốc tế sau đợt bùng phát dịch thứ 3 ở Phuket hồi tháng 4. Ảnh: Bucketlist. |
Ông Hà dẫn chứng Thái Lan là đất nước coi du lịch là ngành kinh tế thật sự. Do đó, họ có lộ trình sớm và quyết tâm cao. Từ đó, đất nước này có chiến dịch truyền thông rất tốt ra nước ngoài. Vì thế, các hãng có thể đưa ra lộ trình, thời gian cụ thể, mục tiêu phấn đấu sớm.
"Chúng ta vẫn chưa thể quyết được dù đã bàn về vấn đề này khá nhiều. Tuy nhiên, tôi nghĩ Phú Quốc khá biệt lập, như Phuket của Thái Lan. Chúng ta có thể chọn nơi này để đón khách du lịch quốc tế đã tiêm vaccine được quốc tế và Việt Nam chấp nhận.
Ngoài ra, Phú Quốc cũng nên đón khách nội đã tiêm vaccine với hộ chiếu vaccine quốc nội", ông Hà nói thêm.
Về cơ bản, các doanh nghiệp du lịch đồng tình với quan điểm đón khách quốc tế theo mô hình ít tiếp xúc. Điều này có nghĩa người mang hộ chiếu vaccine có thể du lịch ở khu vực riêng biệt hoặc nơi có tỷ lệ tiêm vaccine cao. Tuy nhiên, để tiến tới tương lai này, ngành du lịch và y tế cần tìm được tiếng nói chung.
"Các phương án đang được bàn bạc kỹ lưỡng. Chúng ta phải cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ. Nếu có thể thực hiện tốt, tôi nghĩ đây là bước tiến thượng phong cho ngành du lịch Việt. Dĩ nhiên, tồn tại nhiều khó khăn nhưng tôi tin Việt Nam sẽ làm tốt", CEO của Travelogy chia sẻ.
Việc tiêm vaccine cho người dân là bước quan trọng để đón khách quốc tế và thông qua hộ chiếu vaccine. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Khi được hỏi về thời điểm thích hợp để mở cửa đón khách quốc tế, phía Images Travel nhận định có thể là khoảng tháng 9-10 (trong trường hợp Việt Nam đã kịp tiêm chủng cho nhóm có nguy cơ tử vong cao).
Giám đốc doanh nghiệp này cho biết Singapore, Pháp, Đức hay Hàn Quốc là các quốc gia mà Việt Nam nên mở lại đường bay.
Một vấn đề lớn khác khi mở cửa đón khách quốc tế trở lại là phản ứng của người dân. Khi câu chuyện hộ chiếu vaccine cho du khách nước ngoài tới Việt Nam được thảo luận hồi tháng 3, dư luận đã có những phản ứng trái chiều. Không ít người dân lo sợ nhóm khách này sẽ đem tới nhiều nguy cơ bùng phát dịch tại Việt Nam.
"Song hành cùng chính sách mở cửa, chúng ta cũng cần tính tới công tác an dân. Cần truyền thông hiệu quả để người dân phối hợp đón khách du lịch trở lại, vừa đảm bảo an toàn cho cộng đồng, du khách, vừa đem lại nguồn thu lớn từ du lịch. Nếu không làm tốt công tác an dân, chúng ta có thể khiến nhiều khách quốc tế thất vọng vì văn hóa ứng xử", đại diện Travelogy nói với Zing.
Trong khi đó, phía Images Travel nêu quan điểm Việt Nam cần tiêm vaccine cho nhóm có nguy cơ tử vong cao là điều nhất định phải làm.
"60% dân số được tiêm vaccine là đủ để mở cửa. Tôi không đưa ra con số chính xác được vì đấy là công việc của những người có trách nhiệm quyết định. Tiêm phòng ổn thì mở cửa được, không cần nghĩ nhiều chuyện phản ứng trái chiều nữa", ông Toản trả lời.
Khách quốc tế quan trọng thế nào với du lịch Việt Nam?
Từng trả lời Zing, Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), nhận định việc mở cửa cho nhóm khách quốc tế đã tiêm vaccine là điều cần thiết để nâng cao vị thế của du lịch nước nhà.
Trước dịch, năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu khách du lịch quốc tế, chưa bằng một nửa Thái Lan (40 triệu khách). Mức chi trung bình của khách quốc tế ở xứ chùa Vàng vào khoảng 1.500 USD, cao hơn Việt Nam 50%. Do đó, theo đại diện TAB, khi phát triển du lịch, Việt Nam cần lấy Thái Lan làm điểm tham chiếu, học hỏi cách làm, cách phục vụ và chính sách của họ.
Khách quốc tế đem lại lợi ích kinh tế lớn. Ảnh: Khánh Huyền. |
Đồng quan điểm, ông Phạm Hà, đại diện Lux Group, nhấn mạnh tiêm vaccine cho dân chúng và nhận khách đã tiêm, có chứng nhận tiêm là chìa khóa khởi động lại nghành du lịch đã "sắp hết hơi".
"Du khách đã tiêm được hai mũi và có hộ chiếu vaccine tức là họ an toàn. Chúng ta thì chưa an toàn vì số dân đã tiêm không cao. Từ góc độ doanh nghiệp, chúng tôi mong Việt Nam sớm thông qua hộ chiếu vaccine sớm", ông nói.
Mặt khác, các công ty du lịch thừa nhận khách quốc tế đem lại nguồn thu lớn cho kinh tế nước nhà.
"Khách nội địa là tự chia sẻ cho nhau nguồn lợi. Trong khi đó, khách quốc tế đem doanh thu cho mình. Tầm quan trọng giữa hai khái niệm này bạn có thể tự đánh giá.
Mặt khác, khách nội cũng có xu hướng đi những điểm du lịch phổ biến. Trong khi đó, khách quốc tế có xu hướng đi sâu, khám phá nhiều hơn, đem lại doanh thu cho nhiều vùng khác. Để xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, thị trường khách quốc tế, đặc biệt từ Tây Âu, Bắc Âu, Australia hay Mỹ... rất quan trọng", đại diện Images Travel chia sẻ.
Nếu như năm 1990, khách du lịch quốc tế tới Việt Nam mới đạt 250.000 lượt, 5 năm sau, con số này đã lên tới 1,3 triệu. Năm 2010, lượng du khách nước ngoài tăng lên 5 triệu lượt và 18 triệu lượt vào năm 2019 - tức gấp 72 lần so với năm 1990. Tốc độ tăng trưởng hàng năm thường đạt mức 2 con số, đặc biệt trong giai đoạn 2015-2019 (khoảng 22,7% mỗi năm).
Lượng khách du lịch nội địa cũng tăng cao khi nhu cầu đi lại của người dân ngày càng nhiều. Du lịch đem lại nguồn thu lớn cho ngành kinh tế. Ngoài lợi ích cho những đối tượng kinh doanh, du lịch còn gián tiếp đem lại lợi ích cho những ngành liên quan, xuất khẩu tại chỗ và tạo thu nhập cho các cộng đồng dân cư địa phương.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 khiến ngành du lịch gần như "đóng băng" suốt 2 năm và thường xuyên bị gián đoạn trong mỗi lần bùng phát.