Trao đổi với Zing.vn sáng 29/11, chị Nguyễn Thanh Hải (31, người gốc Hải Phòng, đã sống ở Bali 7 năm) cho biết cuộc sống của chị và gia đình chưa bị ảnh hưởng nhiều ngoài việc tro bụi của núi lửa làm ô nhiễm không khí.
"Chúng tôi phải sử dụng loại khẩu trang đặc biệt để ngăn chặn khói bụi. Chồng tôi báo tin rằng sáng nay bụi đã tràn vào nhà", chị Hải cho biết.
Ngọn núi lửa Agung phun trào đã mang tro bụi đến nhiều khu vực tại đảo Bali. Ảnh: AFP. |
Tại nơi chị Hải sống, thành phố Denpasar, cách núi lửa Agung 77 km, cũng không xuất hiện dung nham nguội chảy xuống sông ngòi, việc di chuyển trên đường vẫn suôn sẻ. Vì Bali là một hòn đảo lớn, ngoại trừ khu vực gần núi lửa (bao gồm sân bay chính Ngurah Rai), việc núi lửa phun không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của cư dân trên đảo.
"Ảnh hưởng lớn nhất là đối với công việc. Cũng như hầu hết người dân Bali, tôi làm việc trong ngành du lịch, việc núi lửa phun đã khiến sân bay đóng cửa, du khách không thể đến Bali. Khi núi lửa bắt đầu hoạt động từ 2 - 3 tháng trước, du khách đã bắt đầu hủy chuyến hoặc thay đổi lịch trình du lịch. Đến vài hôm nay, khu biệt thự tôi làm việc gần như bỏ không", chị cho biết.
Chị Nguyễn Thanh Hải là nhân viên marketing của một khu biệt thự tại Bali.
Người mẹ 3 con này cho biết điều chị lo lắng nhất trong hiện tại là núi lửa phun trào mạnh hơn có thể kéo theo động đất.
"Thật ra động đất nhỏ đã thường xuyên xảy ra trong thời gian qua. Từ đêm qua, chính quyền đã thông báo về nguy cơ động đất. Vì lo sợ động đất lớn, ngày hôm nay tôi đã cho con nghỉ học", chị Hải cho biết.
Núi lửa Agung trên đảo Bali "thức giấc" tuần trước với những cột khói cao 3-4 km che khuất một vùng trời. Chính quyền thông báo núi lửa này có thể phun trào bất cứ lúc nào đồng thời nâng cảnh báo nguy hiểm lên mức cao nhất hôm 27/11. Ảnh: AFP.
|
Ngoài ra, gia đình chị Hải chưa chuẩn bị gì cho tình huống phải đi sơ tán, chị cho biết sẽ làm theo hướng dẫn của chính quyền nhưng không nghĩ tình hình sẽ nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến khu chị sinh sống. Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta, tại Bali hiện chỉ có 2 người gốc Việt sinh sống và cả 2 đều chưa thuộc diện phải sơ tán vì núi lửa.
Thông tin với Zing.vn sáng 29/11, ông Nguyễn Thanh Giang, phụ trách công tác lãnh sự Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta, cho biết từ chiều 28/11 đến nay, ông không nhận được cuộc gọi yêu cầu trợ giúp nào của công dân Việt Nam từ Bali. Hiện giao thông đường bộ và đường thủy tại Bali vẫn hoạt động bình thường, một số hãng hàng không lớn cũng hỗ trợ khách di chuyển từ Bali đi đến đảo Surabaya lân cận.
Sân bay quốc tế Ngurah Rai, sân bay chính của Bali, tiếp tục bị đóng cửa, ít nhất đến 7h ngày 30/11. Tro bụi từ núi lửa vẫn xuất hiện trong bầu không khí gần sân bay.
Sân bay Ngurah Rai đã bị đóng cửa sang ngày thứ 3 liên tiếp. Ảnh: AFP. |
Trên trang Facebook, Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta đề nghị người Việt hạn chế đi du lịch Bali vào thời điểm này.
Đối với những du khách hoặc người Việt đang kẹt tại Bali, đại sứ quán cảnh báo sân bay Ngurah Rai khó có thể sớm hoạt động trở lại, các du khách Việt Nam đang bị kẹt tại sân bay Ngurah Rai do các hãng hàng không hủy chuyến bay cần khẩn trương tìm cách rời khỏi Bali càng sớm càng tốt.
Hiện có hai hướng thoát nhanh nhất khỏi Bali là đi xe buýt từ Bali đến Surabaya và sau đó đi máy bay từ Surabaya về Jakarta hoặc đi phà từ Bali đến Lombok và bay từ đây về Jakarta.
Trường hợp cần hỗ trợ thông tin liên hệ với Đại sứ quán qua đường dây nóng: anh Nguyễn Thanh Giang +62811161025.
Các trường hợp cần hỗ trợ cách rời khỏi Bali có thể liên hệ hướng dẫn viên du lịch địa phương Pak Nyoman +6285792640918, +6281338643014 hoặc thông tin tại sân bay: Gunung Agung Volcano Crisis Center: 081321100319
Đường dây nóng: 0361 935 1011 số máy lẻ 5055
Thông tin sân bay: 172