Tập phỏng vấn chân dung Cả cuộc đời dành cho việc này của nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành. 8 nhân vật được giới thiệu trong cuốn sách lần này là 8 gương mặt văn nghệ sĩ đương đại nổi tiếng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Họ có cùng một điểm chung đó là đam mê nghệ thuật và dành cả cuộc đời để theo đuổi đam mê đó.
Chúng tôi có dịp trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang để hiểu thêm về cuốn sách cũng như các nhân vật được giới thiệu lần này.
Gặp 18 văn nghệ sĩ, 10 người từ chối
- Trước “Cả cuộc đời dành cho việc này”, chị từng xuất bản “Đi về không điểm đến”, cũng là một tập chân dung văn nghệ sĩ với nhiều nhân vật. Vì sao cuốn sách thứ hai của chị, lại chỉ giới thiệu có 8 gương mặt thôi?
- Đi về không điểm đến là tập hợp các bài viết của tôi về tác giả - tác phẩm hoạt động trong lĩnh vực văn chương. Cách viết trong cuốn ấy, là đọc tác phẩm, để tìm kiếm con người bên trong của tác giả. Nhiều nhà văn, nhà thơ có mặt trong cuốn sách đó tôi chưa từng gặp ngoài đời, thậm chí còn không liên lạc hay trò chuyện. Để có mỗi bài viết, tôi đối mặt với tác phẩm, để nhìn vào tác giả.
Nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang. |
Cả cuộc đời dành cho việc này là một đề tài tôi quan tâm, đó là khảo sát cuộc đời, tư tưởng cá nhân từ những người hoạt động nghệ thuật tích cực, trong nhiều lĩnh vực, đang làm việc hàng ngày và không ngừng ra tác phẩm, với từng lứa tuổi khác nhau, để từ đó có được thông tin về cuộc đời làm nghệ thuật, tư tưởng dẫn dắt, trong bối cảnh xã hội - nghệ thuật xác định.
Mỗi nhân vật, bằng trải nghiệm cá nhân của mình, đã cho chúng ta thấy được diễn biến cả một quá trình lịch sử đất nước, từ những năm 30 của thế kỷ trước tới nay. Tôi chọn các nhân vật, cũng bắt đầu từ tiêu chí đó. Và quả thực, những văn nghệ sĩ trí thức không những có thành tựu, mà còn là người tiêu biểu, tác phẩm đã được phổ biến trên thế giới, thì cũng không dễ dàng tiếp cận, chưa nói tới việc “tự sự” về cuộc đời. Nên có được 8 nhân vật, tôi mất đến 8 năm theo đuổi.
- So với một cuốn sách tập hợp nhiều nhân vật, với 8 nhân vật lần này, liệu công việc của chị có nhàn nhã hơn?
- Như tôi đã nói, Đi về không điểm đến dù số lượng nhân vật nhiều, nhưng tôi chỉ cần có tác phẩm, là đã có thể viết thành bài rồi. Nhưng với việc phỏng vấn 8 nhân vật để ra được đề tài chung mà tôi mong muốn, thì cần tiếp xúc với các nhân vật. Từ họa sĩ Trịnh Cung, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, nghệ sĩ Trần Trọng Vũ, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà văn Thuận, đến đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là những người rất bận rộn và cũng không quan tâm đến việc xuất hiện trên báo chí, thậm chí, họ tiếp xúc với nhà báo rất e dè, hạn chế, có lúc còn tỏ ra khó khăn.
Phỏng vấn về tác phẩm, họ không muốn nói, thì về đời tư, lại càng chẳng muốn kể. Cuộc đời họ lúc nào đó cần tâm sự, thì có lẽ, chỉ có thể là người thân thiết đáng tin cậy.
Ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên, tôi không lấy việc tác nghiệp báo chí ra để kết thân, mà là đơn giản cảm thấy hợp thấy quý mến. Tính cách của tôi là yêu - ghét rõ ràng. Ai mà tôi không ưa, tôi không nhìn mặt, chứ đừng nói tới mở miệng trò chuyện. Còn ai mà tôi quý mến, thì sẽ chủ động tìm đến. Nên tôi tới với nhân vật của mình, là từ tình cảm chân thành. Chơi lâu, quen lâu, hiểu tính cách nhau, thì dần không còn khó khăn khi đề đạt nguyện vọng để được giúp đỡ.
Tôi làm đề tài này, xuất phát từ tình quý trọng những người đã dành cả cuộc đời mình cho nghệ thuật.
- Chị dành ra 8 năm để hoàn thành tập sách này. Khó khăn về thời gian với chị là đương nhiên rồi, nhưng với các nhân vật, lẽ nào họ cũng “chiều” theo thời gian của chị?
- Dĩ nhiên là tôi “chiều” theo các nhân vật của mình. Như với họa sĩ Trịnh Cung, thì tôi phải chờ mỗi lần anh từ Mỹ trở về để có cuộc hẹn. nghệ sĩ Trần Trọng Vũ và nhà văn Thuận, cũng chờ khi anh chị về Việt Nam từ Pháp. Còn với đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, gần như phải “thúc ép” cô ấy trả lời, có khi ngay giữa đêm, lúc Điệp đang rao bán tinh dầu, hay ngồi trước chồng giò chả, bánh chưng để chuẩn bị giao hàng mồng Một, ngày Rằm…
Còn với nhà nghiên cứu Nguyễn Quân và nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, thì tôi chơi thân với hai chú từ khi còn đang là sinh viên đại học, hai chú cũng coi tôi như con cháu, nên thời gian gặp các chú, trò chuyện và phỏng vấn được thuận lợi hơn. Hai chú thương "con nhỏ" viết văn sống đời vất vả, lại ưa chuyện bao đồng này, nên sẵn lòng giúp đỡ.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương, anh ấy rất ít khi xuất hiện nơi đông người, thậm chí tiểu thuyết mới ra mắt, anh còn không tới dự. Anh cũng từ chối phỏng vấn báo chí rất nhiều lần. Nhưng với tôi, anh Phương có nói, anh coi tôi như em, mà khi nói chuyện trò, cũng là với tư cách đồng nghiệp, câu hỏi của tôi cũng tương đối dễ để mở lòng. Tất nhiên nhiều lúc anh Phương bận, thì tôi chỉ có thể chờ đợi.
Còn với họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, gần như tôi cứ phải hỏi đi hỏi lại anh ấy nhiều lần, lựa lúc anh ấy dễ tính… vì hỏi gì thì anh ấy cũng đáp quá ngắn gọn: “Có”. “Không”.
Sách Cả cuộc đời dành cho việc này mới phát hành. |
Tôi sinh ra là để viết văn
- Trong 8 nhân vật được giới thiệu trong sách, cuộc đời của ai khiến chị ấn tượng nhất?
- Đó là nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng. Tôi và chú, như hai người bạn vong niên, chuyện gì cũng có thể tâm sự. Nhưng tôi không biết gì về cuộc đời riêng của chú, cho đến khi có được bài phỏng vấn dài này. Chú có tuổi thơ từng sống trong nhà xác, và không có thịt để ăn…. Điều đó đủ làm tôi thương chú lắm, nhưng từ những khó khăn như thế, chú lại không coi là trọng, kể cả thị phi lòng người, chú cũng chẳng bận lòng, mà điều chú quan tâm, là làm những gì tốt nhất, như chú mong muốn.
Đồng thời, tình thầy trò của chú Nguyễn Quân và chú Thượng, làm tôi vô cùng ngưỡng mộ. Tôi quen thân với chú Nguyễn Quân và chú Thượng nhiều năm, và tôi thấy bản thân may mắn khi được tiếp xúc với hai nhà văn hóa tài hoa đó. Không chỉ từ sự tận tâm làm việc, tư duy đầy sáng tạo, mà nhân cách của hai chú, cách cư xử đối đãi của hai chú… là tấm gương để tôi học tập.
- Nhà báo Vũ Lâm nói chị có tật “say người”. Điều gì ở 8 nhân vật trong “Cả cuộc đời dành cho việc này” khiến chị say họ?
- Đó là sự hi sinh một cách hồn nhiên cho công việc đang theo đuổi. Đó là những vượt khó khăn đời sống cá nhân để không ngừng cống hiến cho hệ thống tư tưởng đã xác định. Mà có lẽ, những người càng thành công như 8 nhân vật trong cuốn sách, thì lại càng vui vẻ dễ gần giản dị và vô cùng khiêm tốn.
Có lẽ cả 8 nhân vật đã đạt thành công trên con đường nghệ thuật khó ai có được, vì họ chỉ quan tâm thực chất đến công việc đang làm, không tuyên ngôn và cũng giữ cho bản thân tinh thần độc lập. Hơn tất cả, trong trái tim của cả 8 người đều đầy yêu thương, chân thành và rất từ bi.
Với Nguyễn Quỳnh Trang, viết là để rèn ý chí, tôi luyện khả năng, cống hiến tư tưởng, chứ không để lập danh, kiếm tiền. |
- Điểm chung của 8 nhân vật của chị là “Cả cuộc đời dành cho việc này”. Còn chị, cả cuộc đời của chị dành cho việc viết ?
- Tôi cũng như các nhân vật của mình, trừ họa sĩ Nguyễn Thanh Bình, thì đều làm những việc khác để nuôi dưỡng con đường nghệ thuật của bản thân. Tôi có làm viết báo, hay kinh doanh, thì cũng chỉ để cho việc viết được thuận lợi. Tôi viết là bởi đó là công việc cuộc đời tôi lựa chọn, cũng trả giá nhiều để duy trì được. Viết là lúc mình phải rèn ý chí, tôi luyện khả năng của mình, là cống hiến tư tưởng của mình… chứ nghĩ tới viết để lập danh, để kiếm tiền… thì sẽ chỉ thấy bẽ bàng thôi…
- Đặt cho mình kế hoạch mỗi năm xuất bản một cuốn sách, chị phải dung hòa công việc và cuộc sống như thế nào để thực hiện kế hoạch này?
- Tôi là người khá nghiêm túc khi thực hiện các kế hoạch của bản thân. Và luôn dung hòa mọi việc. Khi biết khi mình sinh ra để làm việc gì, thì tức khắc sẽ tập trung vào nó, các công việc khác, cũng xoay quanh việc chính ấy. Nên vì thế, tôi vẫn lo được tài chính kinh tế đảm bảo cuộc sống gia đình, chăm sóc các con hàng ngày, mà cũng đều đặn ra sách được.
Tôi sinh ra là để viết văn. Và nếu có ngừng lại, thì cũng là để dấn thân sâu hơn vào đời, học hỏi trải nghiệm, và rồi để viết. Việc làm báo, viết phê bình, hay phỏng vấn, viết chân dung nhân vật… là việc tôi cần làm vì trách nhiệm ngoài bản thân - chứ không phải cho chính mình.