“Thực tế đang diễn ra nhanh và vượt kỳ vọng tôi hình dung. Chúng tôi đã có hơn 10 chuyên gia AI quốc tế về đầu quân - những nhân sự mà các phòng lab hàng đầu thế giới cũng mơ ước”, tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Viện trưởng VinAI Research, chia sẻ.
Chỉ 2 tháng sau khi chia tay Google DeepMind về đầu quân cho Vingroup, tiến sĩ Bùi Hải Hưng khiến tất cả bất ngờ khi xây dựng VinAI Research, quy tụ những chuyên gia trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu - điều ông tự hào sẽ đưa một trung tâm nghiên cứu AI của Việt Nam có môi trường làm việc không kém hơn các lab hàng đầu ở Silicon.
Để đặt được lịch gặp tiến sĩ Hưng, vào một sáng cuối tuần tại Hà Nội quả thực khó khăn bởi anh quá bận rộn khi start up Viện Trí tuệ Nhân tạo có sức cạnh tranh ngang ngửa với các Lab AI hàng đầu thế giới. Vị trợ lý của tiến sĩ Hưng chia sẻ kể từ khi về nước, chính thức trở thành người đặt nền móng cho VinAI Research (trực thuộc Công ty VinTech, Tập đoàn Vingroup) – (VinAI), anh Hưng ngày nào cũng làm việc tới 4h sáng.
Đến văn phòng muộn hơn lịch hẹn chừng 10 phút, người đàn ông dáng người mảnh khảnh, sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội không giấu được vẻ mệt mỏi do làm việc với cường độ cao. Nhưng khi được đề cập tới AI, tiến sĩ Bùi Hải Hưng dường như được tiếp thêm năng lượng, anh hào hứng nói về việc sau 2 tháng xây dựng viện trí tuệ nhân tạo đẳng cấp thế giới.
“Chúng tôi hướng tới đỉnh cao thế giới nên đặt tiêu chuẩn rất cao về tuyển dụng nhân sự, vì chất lượng con người liên quan chất lượng công việc. Đỉnh cao nghĩa là phương pháp của mình phải tốt hơn so với hiện tại, hiện có trên thế giới. Tức là mình cũng bắt đầu từ cái thế giới đang có nhưng phải nâng cao, làm tăng chất lượng, tăng bảo mật…”, nhà khoa học hàng đầu về trí tuệ nhân tạo chia sẻ với ánh mắt sáng lấp lánh.
Khi được hỏi về cường độ làm việc ở Việt Nam so với nước ngoài, vị tiến sĩ khoa học máy tính có hơn 16 năm nghiên cứu tại thung lũng Silicon chia sẻ: “Lúc đầu, tôi hình dung khi về Việt Nam, mình sẽ làm việc giống như tại Google, nhưng hiện tại tôi thấy cường độ lớn hơn tương đối nhiều. Hai tháng vừa rồi, tôi cảm giác như startup khi làm từ con số 0. Cứ làm, cứ xây, cứ chạy rồi tập hợp đội ngũ”.
Nhìn lại 2 tháng làm việc tại Vingroup, tiến sĩ Bùi Hải Hưng cho biết thực tế đang diễn ra nhanh và vượt kỳ vọng ông hình dung trước đó.
“Trước đây 6 tháng, tôi còn chưa nghĩ mình sẽ làm việc tại Việt Nam, thì giờ đây, tôi đã tập hợp được hơn 10 chuyên gia hàng đầu về AI trên thế giới. Trong đó, đa phần là người Việt Nam nhưng có cả sự tham gia của các chuyên gia người nước ngoài. Có 3 người là chuyên gia hàng đầu về AI từ thung lũng Silicon, 3 người Việt đoạt huy chương Olympic Toán học quốc tế. Đây là một đội ngũ - mà theo tiểu chuẩn thế giới cũng rất ấn tượng và đáng mơ ước. Hầu hết nhân sự chúng tôi tập hợp đều có chung một khát vọng, đó là khát vọng đóng góp cho Việt Nam”, tiến sĩ Hưng cho hay. Vị viện trưởng đồng thời khẳng định Vingroup đã tạo ra khác biệt với văn hóa “Tinh” và “Tốc”.
Dù vậy, tiến sĩ Hưng cũng băn khoăn về việc xây dựng một đội ngũ như mong đợi với khoảng 30 nhà khoa học trí tuệ nhân tạo hàng đầu. Điều này cần ít nhất 2-3 năm, và để có thành tựu phải tính chặng đường 5-10 năm.
“Trên thực tế, tôi từng nghĩ tới việc sắp đặt một VinAI ở nước ngoài để thuận lợi cho việc tuyển dụng nhân sự, thuê người nước ngoài làm sẽ dễ hơn rất nhiều. Còn nếu đặt VinAI ở trong nước thì có phần khó khăn hơn. Nhưng bạn thử hình dung nếu đặt ở nước ngoài, tôi nghĩ cơ hội cho các bạn trẻ người Việt sẽ bị hạn chế. Còn đặt VinAI ở trong nước, mọi người biết Việt Nam làm AI sẽ đem lại sức lan tỏa tốt hơn. Hiện tôi đã kết nối được nhiều giáo sư tại các trường đại học trong nước, nhiều sinh viên có năng lực tham gia mạng lưới AI”, anh chia sẻ.
Nhắc lại lời chia sẻ của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng việc về Việt Nam để “giương ngọn cờ” đầu, tập hợp lực lượng nhà khoa học AI hàng đầu thế giới, tiến sĩ Hưng cho biết thông tin anh về nước làm Viện trưởng VinAI cũng có sự lan tỏa nhất định trong giới khoa học. Tuy vậy, ông cũng không quên nhấn mạnh vai trò trợ lực của Vingroup. Bởi nếu chỉ một mình ông “giương ngọn cờ” lên mà mọi người không thấy được sự trợ lực hùng hậu từ tập đoàn, thì sẽ thiếu đi tính thuyết phục.
Trao đổi về áp lực công việc, tiến sĩ Hưng thông tin VinAI có KPI như hàng năm có bao nhiêu công trình được công bố đạt chuẩn thế giới, bao nhiêu bằng sáng chế, đào tạo được bao nhiêu sinh viên… Người đứng đầu Vin AI khẳng định mục tiêu của trung tâm chính là cạnh tranh với các lab hàng đầu trên thế giới. Những gì ông đang làm đều hướng tới mục tiêu đó, từ việc tuyển dụng nhân sự đến xây dựng quy chuẩn.
Người đứng đầu VinAI Research nói: “Nhiều người nghĩ Vingroup đang đặt hàng VinAI, nhưng ban đầu thì ngược lại. Tôi chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng cùng anh Phạm Nhật Vượng. Những gì tôi đề xuất lên, anh Vượng đều phản hồi rất nhanh và đến nay chưa có gì bị từ chối. Tôi thấy anh Vượng là người có tầm nhìn rất lâu và sâu khi chuyển sang hướng Tech".
"VinAI Research được Vingroup cam kết đầu tư với tầm nhìn dài hạn, với tổng số tiền đầu tư trong vòng 5 năm đầu trên 1.000 tỷ đồng. Việc đầu tư vào khối công nghệ của Vingroup không phải là một cuộc chơi của ông chủ nhiều tiền. Đó là một sự đầu tư nghiêm túc, bài bản, dài hạn. Và Vingroup thực sự cam kết đi đường dài, là bệ phóng để các nhà khoa học góp phần xây dựng, phát triển nền khoa học Việt, từ chất xám Việt để tạo ra những “make in Việt Nam”, ông nói.
Mệnh đề “quay trở về Việt Nam, đến Việt Nam, làm việc ở Việt Nam” luôn là điều được nhiều người quan tâm. Với các chuyên gia AI, mệnh đề này có vẻ hơi ngược chiều khi điều kiện nghiên cứu ở nước ta từ trước đến nay còn nhiều hạn chế. Vậy vì đâu những nhà khoa học AI hàng đầu lại tới Việt Nam?
Tiến sĩ Bùi Hải Hưng - Viện trưởng VinAI, cho biết: “Khi về Việt Nam, tôi tạo ra ảnh hưởng và tác động tích cực tới tiến trình nghiên cứu AI tại quê hương. Khi về Việt Nam với sự hỗ trợ của Vingroup, việc tôi làm sẽ lớn hơn khi tôi ngồi ở Google Deepmind. Nhiều người như anh Hoài, anh Khoa đều nhận thấy điều ấy và ngày hôm nay đã trở thành Vinner. Hay như Yasin - một thương hiệu về AI trên thế giới, hôm nay cũng có mặt tại đây”.
|
Việc tập hợp những nhà khoa học đẳng cấp thế giới tại VinAI để đưa ra các giải pháp tốt hơn. Cho nên tiêu chuẩn tuyển dụng của VinAI là nhân sự phải nâng cao hơn những gì họ đang có và thay vì làm ở nước ngoài họ sẽ làm điều đó ngay tại Việt Nam.
Viện trưởng Viện VinAI cũng thông tin về cơ hội của các nhà khoa học khi trở về Việt Nam. Nếu so với Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc - những nơi AI đã khá phát triển, thì ở Việt Nam - nơi AI đang ở giai đoạn sơ khởi, sẽ là thời cơ để tạo nên những đóng góp mang tính ảnh hưởng lớn. “Nhất là khi chúng tôi có được sự hỗ trợ từ đơn vị có nhiều tài nguyên như Vingroup, thì việc đầu tư nghiên cứu AI tại Việt Nam vào thời điểm này là rất hợp lý”, ông Hải nhấn mạnh.
“Trên thực tế, chúng tôi ở đâu cũng làm công việc nghiên cứu của mình. Dù ở Việt Nam hay Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Châu Âu cũng là nghiên cứu khoa học. Nhiều lần tôi tự hỏi tại sao không về Việt Nam để giải quyết những bài toán của Việt Nam, mà lại dùng chất xám của người Việt giải bài toán của nước ngoài? Chính vì lý do đó, tôi quyết định trở về nước để nghiên cứu các vấn đề Việt Nam, sau đó đẩy vấn đề lên cộng đồng quốc tế để cùng giải các bài toán này”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hoài cho hay.
Cộng sự của Viện trưởng Viện VinAI đồng thời khẳng định: “Người Việt Nam nếu không giải quyết các vấn đề của mình thì không ai giải quyết thay cả. Trong đó còn có rất nhiều vấn đề người Việt cần chủ động như sinh trắc học, hiểu tiếng Việt, giải mã gen…”.
Theo tiến sĩ Hoài, về Việt Nam trong giai đoạn này có rất nhiều cơ hội và lợi thế, đó chính là tận dụng thế mạnh của Vingroup - một tập đoàn đa lĩnh vực, nơi có sẵn các dữ liệu và vấn đề cần giải quyết như đô thị, siêu thị, bệnh viện, trường học…
“Tại Vingroup, ngoài sự hỗ trợ về kinh phí, chúng tôi còn thấy hệ thống của tập đoàn chính là cơ sở dữ liệu và có nhiều tập mẫu lý tưởng để nghiên cứu và phát triển ý tưởng của mình. Vingroup sở hữu những không gian thực như khu chung cư, nơi mua sắm, resort nghỉ dưỡng, nơi xảy ra tương tác với rất nhiều khách hàng. Đó là lợi thế mà ngay cả Google, Facebook cũng không có được”, ông Hoài nói.
Chia sẻ về cảm nhận sau 3 tuần làm việc tại VinAI, tiến sĩ Hoài - người có nhiều năm làm việc tại thung lũng Sillicon cho biết ông rất bất ngờ về tốc độ và sự chuyên nghiệp của Vingroup: “Những yêu cầu chúng tôi đưa ra đều được các bộ phận trong tập đoàn xử lý rất nhanh, đủ và mạnh. Có thể thấy chúng tôi được hỗ trợ rất tốt trong tiến trình nghiên cứu của mình”.
Ở góc độ khác, tiến sĩ Lưu Khoa - chuyên gia về nhận dạng khuôn mặt - người có nhiều năm kinh nghiệm trong quản lý các dự án khoa học tại Silicon Valley cho hay: “Sau 15 năm làm việc tại nước ngoài, tiếp xúc với nhiều sinh viên giỏi và tài năng trên toàn thế giới, tôi thấy sinh viên Việt Nam không hề thua kém sinh viên quốc tế. Nhưng do các bạn sinh viên quốc tế có những chuẩn bị tốt hơn nên con đường đi nhanh tới đích hơn”.
Vì lẽ đó, tiến sĩ Khoa quyết định về đầu quân tại Viện VinAI để có thể hỗ trợ nhiều hơn cho sinh viên Việt Nam, mở ra tương lai tốt hơn cho các bạn. “Chủ trương của anh Hưng và VinAI là xây dựng các công trình nghiên cứu có tính cạnh tranh toàn cầu. Vì vậy cần có những nhân lực hàng đầu. Ngoài tập hợp các chuyên gia nghiên cứu chất lượng thế giới, chúng tôi cũng ươm mầm tài năng để chuẩn bị nhân lực cho tầm nhìn 5 năm, 10 năm. Chúng tôi sẽ tạo ra con đường cho các bạn trẻ Việt Nam phát triển và phá vỡ sự ngẫu nhiên”.
Là chuyên gia nước ngoài đầu tiên có mặt tại VinAI sau 2 tháng thành lập, tiến sĩ Yasin Abbasi-Yadkori, chuyên gia máy học - quyết định rời thung lũng Silicon sau “vài lần coffee cùng tiến sĩ Bùi Hải Hưng”.
“Tôi với anh Hưng vốn có mối liên hệ trước đó trong giới khoa học, đặc biệt là thời gian làm nghiên cứu tại thung lũng Sillicon. Gần đây, khi nghe anh Hưng giới thiệu về VinAi, Vingroup, tôi khá ngạc nhiên và tò mò vì không nghĩ một tập đoàn như Vingroup lại chuyển hướng sang làm công nghệ. Nhưng qua những gì tiến sĩ Hưng chia sẻ, tôi hiểu được tham vọng của Vingroup khi phát triển VinAI và thấy đây là cơ hội đáng giá để mình khám phá, thử thách.”
“Tới Việt Nam để nghiên cứu AI là điều tôi chưa từng nghĩ tới. Nhưng khi làm việc tại VinAI, được nghiên cứu cùng những nhà khoa học AI hàng đầu, không ít bạn bè đã tỏ ra ghen tị với tôi”, tiến sĩ Yasin cười và chia sẻ.
Kết lại vấn đề, Viện trưởng VinAI Bùi Hải Hưng cho biết khi quyết định quay trở về Việt Nam, không ít đồng nghiệp của ông đã tỏ ra nghi ngại. Bởi tại thung lũng Silicon, ông đã có sự nghiệp được thừa nhận, được tự do nghiên cứu, hưởng chế độ đãi ngộ xứng đáng, làm việc trên hệ thống máy móc hiện đại nhất và được hỗ trợ bởi đội ngũ đồng nghiệp là những bộ óc hàng đầu thế giới. Nếu trở về Việt Nam, ông chỉ là một nhà khoa học đang mơ giấc mơ lớn. Thực tế 2 tháng qua cho thấy những điều ông có được ở thung lũng Silicon đã và đang thành hình tại Việt Nam.
“Các tài năng trẻ của chúng ta rất cần một sự chuẩn bị và định hướng bài bản, đặc biệt về kinh nghiệm nghiên cứu, thông qua việc được tham gia vào các nghiên cứu đỉnh cao tại viện. Tôi muốn chỉ cho các bạn trẻ thấy biển lớn nằm ở đâu và cách phải tiếp tục để đi ra biển. Viện VinAI giống như một ví dụ để thấy con đường của chúng tôi sẽ dẫn dắt các bạn trẻ tận dụng, khai thác hết khả năng của họ”, Viện trưởng VinAI Research Bùi Hải Hưng kết lại buổi trò chuyện bằng lời khẳng định như vậy.
Ngày 6/6 tại Hà Nội và 8/6 tại TP.HCM, Viện nghiên cứu AI và Công ty Cổ phần Giải pháp và Dịch vụ công nghệ Vantix đồng tổ chức hội thảo chuyên đề AI Day - from Research to Application. Hội thảo tập trung vào những vấn đề chuyên sâu của AI từ nghiên cứu đến ứng dụng, nhằm đem đến cái nhìn toàn cảnh về trí tuệ nhân tạo. Buổi hội thảo có sự tham gia và chia sẻ từ 10 diễn giả là các chuyên gia hàng đầu về AI trên toàn thế giới. Độc giả tìm hiểu thêm thông tin tại website: www.vinai.io.