Sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, được hợp pháp hóa bằng Hòa ước Nhâm Tuất 1862 ký kết giữa triều đình Huế và Soái phủ Sài Gòn, chính quyền thực dân Pháp tiến hành các công trình làm nền tảng cho sự thống trị của chúng. Một trong những công trình này là việc tổ chức cơ quan Bưu điện viễn thông.
Về phần viễn thông thì từ năm 1864, người Pháp đã cho kéo đường dây điện tín đầu tiên từ Vũng Tàu vào Sài Gòn, nhằm báo tin tàu sắp vào cảng. Đó là mục đích bề nổi, mục đích sâu kín là để liên lạc về mặt quân sự đặng kịp thời đối phó với các lực lượng kháng chiến hay các phong trào nổi dậy của dân chúng.
Cụ thể như trong cuộc nổi dậy của dân chúng vùng Hóc Môn, Đức Hòa và Gò Vấp năm 1885 giết chết tên tri phủ ác ôn Trần Tử Ca ở huyện Bình Long, hay cuộc biểu tình đấu tranh đòi bãi bỏ thuế thân, giảm các thuế môn bài và thuế chợ, tăng tiền lương cho thợ thuyền, bớt giờ làm theo đúng luật lao động và cấp đất cho dân cày nghèo ngày 1-5-1930 tại huyện lỵ Hóc Môn, bọn tay sai đã đánh điện lên Sài Gòn cầu cứu để thực dân Pháp đem quân đến đàn áp…
Trước đó họ cho kéo đường dây Sài Gòn - Biên Hòa dài 28 km, phát tín mau lẹ. Ngày 27-5-1862 vào lúc 6 giờ 30 sáng phát tín hiệu ở Biên Hòa, sau 2 phút ở Sài Gòn đã nhận được. Ngày 17-6-1867 mở đường dây thép Mỹ Tho - Cái Bè, và về sau Cái Bè - Cái Thia và Cái Bè - Cai Lậy.
Tính đến năm 1872, người Pháp đã kéo được 6.600 km đường dây điện tín khắp các tỉnh Nam Kỳ, 36 đường dây cáp ngầm dưới nước. Trong đó năm 1870, một cáp ngầm điện tín dưới biển được thực hiện để nối Vũng Tàu với châu Âu. Do đó mà ở Vũng Tàu có hai tòa nhà được xây dựng.
Một tòa của chính phủ Pháp đặt làm văn phòng và nơi ở của nhân viên Pháp. Một tòa của Công ty Cable Easrern Extention hoàn toàn làm nhà ở của nhân viên công ty. Cách xa một vài nhà tranh là nơi đồn trú của một đơn vị pháo binh bảo vệ trạm truyền tin.
Theo thỏa ước ngày 25-8-1883 ký kết giữa triều đình Huế do Trần Đình Túc, Hiệp biện đại học sĩ làm chánh sứ, Nguyễn Trọng Hợp, Thượng thư bộ Lại làm phó sứ đại diện, và chính phủ Pháp do Harmand, Tổng ủy viên chính phủ Pháp ở Bắc Kỳ đại diện, gồm 27 điều khoản, trong đó điều 9 cho phép người Pháp kéo dây điện tín chạy suốt chiều dài đất nước ta 2.000 km, đi từ Hà Nội vào đến Sài Gòn, qua các thành phố Vinh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn (lúc đó thành phố Nha Trang chưa xây dựng).
Đường dây này khởi công năm 1884 và xong ngày 22-3-1888. Để liên lạc với nước ngoài, ngày 16-7-1883 chính quyền thực dân Pháp mở đường dây điện tín Sài Gòn - Bangkok, thủ đô nước Xiêm, mở cho ngành thương mại. Ngày 20-5-1889 nối đường dây điện tín sang Trung Hoa, qua cửa khẩu Lào Cai.
Để điều hành các hoạt động của các cơ quan khác nhau của ngành Bưu điện, năm 1893 chính quyền Pháp cho thành lập sở Điện tín Đông Dương (Service télégraphique de l’Indochine). Đi trước hơn cả các xứ Đông Dương, ngày 1-4-1893 chính quyền thực dân Pháp ban hành Nghị định thiết lập hệ thống điện thoại trong hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn.
Qua năm sau, Nghị định ngày 28-6-1894 cho phép cơ quan Điện thoại tại Sài Gòn đi vào hoạt động kể từ ngày 1-7-1894 và Nghị định ngày 17-5-1895 cho phép cơ quan Điện thoại thành phố Chợ Lớn bắt đầu hoạt động từ ngày 1-6-1895. Năm 1906 thành lập sở Vô tuyến điện thoại Đông Dương (Service radio télégraphique del’Indochine). Ngày 19-4-1906 đường dây điện thoại Hà Nội - Sài Gòn đi vào hoạt động. Sau đó mở rộng xuống các thành phố và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, như Sài Gòn - Mỹ Tho ngày 24-10-1912, ra miền Trung như Hội An, Đà Nẵng ngày 26-9-1913, v.v…
Ngày 30-4-1909, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định thành lập sở Vô tuyến điện (Service Radio), giao cho Trung úy Péri là người đã thí nghiệm thành công tháp chuông nhà thờ Hà Nội làm cột ăng ten, làm Giám đốc. Sau đó thiết lập hai trạm ở ngoài Bắc và Vũng Tàu. Tại Sài Gòn mãi đến năm 1920 mới có.
Ngày 21-6-1922, Toàn quyền Đông Dương ký hợp đồng với công ty Vô tuyến điện Pháp (Compagnie générale de T.S.F.) trang bị kỹ thuật cho một trung tâm vô tuyến điện mới được xây dựng ở Sài Gòn (tức Trung tâm phát tín Phú Thọ). Bấy giờ ở Nam Kỳ đã có các trạm phát tín ở Sài Gòn, Mỹ Tho, Côn Đảo, Phú Quốc và Đà Lạt. Toàn hệ thống nối Sài Gòn với Hà Nội.
Ngày 7-2-1927, Toàn quyền Đông Dương ký Nghị định sáp nhập sở Vô tuyến điện thoại với sở Bưu chính và Điện báo làm một và gọi là sở Bưu điện và Vô tuyến điện thoại (Service des Postes et Radio télégraphique). Từ đó cơ quan này điều khiển và khai thác 16 trạm trong toàn quốc. Ngoài ra Trung tâm phát tín Phú Thọ ở Sài Gòn được thiết lập với sự đầu tư kỹ thuật của Tổng công ty Vô tuyến điện Pháp có công suất rất mạnh. Trung tâm này đặt cơ sở phát ở Phú Thọ và thu ở Thủ Đức, văn phòng đặt tại Sài Gòn, có khả năng thu phát, liên lạc với trung tâm ở Bordeaux bên Pháp. Với hợp đồng ký ngày 2-4-1929, từ ngày 10-14-1930 Sài Gòn đã điện thoại trực tiếp với nước Pháp.
Về việc người Pháp giăng dây thép điện thoại khắp các tỉnh, băng qua những cánh đồng vắng vẻ, những khu rừng hoang vu, lúc đầu người dân chưa thấy được sự lợi ích của nó trong việc thông tin liên lạc không những của nhà cầm quyền, mà cả của dân chúng nữa, lại sẵn sự căm ghét người Pháp xâm chiếm nước ta, nên lợi dụng đêm tối, ngoài đồng, ngoài rừng vắng vẻ, họ tới nhổ cọc, cắt dây, khiến cho sự liên lạc của chính quyền địa phương với cơ quan trung ương ở Sài Gòn bị gián đoạn. Khi một nơi nào xảy ra sự cố như thế, người Pháp đè đầu các Ban Hội tề liên hệ phạt vạ bằng tiền bạc, hoặc cách chức. Nhưng lâu dần về sau, nạn này không còn xảy ra nữa.