Tất cả người dùng đều thích smartphone màn hình lớn nhưng lại không thích smartphone kích thước lớn. Chính viền màn hình là thứ tạo ra khác biệt. Do đó, không ngạc nhiên khi các nhà sản xuất biết cách chiều lòng người dùng bằng việc cho ra mắt những chiếc smartphone viền ngày càng mỏng, bằng cách cải tiến công nghệ màn hình cảm ứng.
Tỷ lệ hiển thị của smartphone tăng dần qua các năm. |
Năm 2007 khi iPhone lần đầu tiên ra mắt, tỷ lệ hiển thị màn hình trên điện thoại chỉ là 33% bởi thiết bị khi đó phần lớn sử dụng bàn phím hoặc bàn phím số, màn hình chưa cảm ứng. iPhone ra đời với tỷ lệ hiển thị lên đến 52%, được xem là kỷ lục khi đó.
iPhone mở ra trào lưu sản xuất smartphone màn hình cảm ứng nhưng kích thước không vượt quá 3,5 inch. HTC là người phá vỡ giới hạn này với chiếc Touch HD màn hình 3,8 inch cùng tỷ lệ hiển thị 56,8%. Thiết bị kế nhiệm nó, chiếc HD2 thậm chí còn sử dụng màn hình 4,3 inch “siêu lớn”. Trên model này, tỷ lệ hiển thị được đẩy lên mức 65,2%.
2010 được xem là năm smartphone màn hình lớn thực sự có bước phát triển đột phá. Chiếc di động được xem là tốt nhất thời bấy giờ - HTC Rezound (còn có các tên gọi khác như HTC Thunderbolt 2, HTC Droid Incredible HD) có tỷ lệ hiển thị cao hơn 26% so với mặt bằng chung thị trường.
Kể từ thời điểm đó, những chiếc smartphone có tỷ lệ hiển thị tốt nhất mỗi năm thường sở hữu màn hình với tỷ lệ hiển thị cao hơn khoảng 25% so với mức trung bình.
Chẳng hạn, Xiaomi Mi Mix là di động có tỷ lệ hiển thị tốt nhất 2016 – ở mức 83,6%, cao hơn khoảng 23% so với mức phổ biến.
Năm nay, khi các hãng di động lớn như LG, Samsung đều tung ra những chiếc di động viền siêu mỏng (Apple – theo tin đồn – cũng làm điều tương tự với iPhone 8), có vẻ như trào lưu smartphone viền mỏng đã thực sự bùng nổ.
Người ta đang chờ đợi vào những di động có tỷ lệ hiển thị lên đến trên 90%, thậm chí 100% nếu công nghệ màn hình cảm ứng phát triển đủ mạnh. Khi đó, sẽ rất thú vị khi cầm một chiếc di động đời mới trên tay bởi chắc chắn trải nghiệm của nó sẽ hoàn toàn khác biệt so với hiện nay.