Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việc không nên làm khi trẻ bị tiêu chảy

Bác sĩ Minh Tiến khuyến cáo phụ huynh không nên tự ý cho bé dùng thuốc cầm nôn hay tiêu chảy mà chưa có chỉ định của chuyên gia.

Tiêu chảy cấp là đi tiêu nhiều lần hơn bình thường và thay đổi tính chất phân. Ảnh: Freepik.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP.HCM, cho biết tiêu chảy cấp là đi tiêu nhiều lần hơn bình thường và thay đổi tính chất phân (phân lỏng như nước hay đàm máu, kéo dài dưới 14 ngày). Trẻ bú mẹ có thể đi tiêu 5-7 lần/ngày, phân sệt, lợn cợn màu xanh, mùi chua, thường ngay sau bữa bú, không sốt, bú nhiều, chơi đùa vui vẻ.

Trẻ tiêu chảy có thể bị sốt, nôn ói, đau bụng, biếng ăn. Quan trọng nhất là biểu hiện mất nước có thể nặng, dẫn đến tử vong. Các dấu hiệu của mất nước gồm vật vã, bứt rứt hay nặng hơn là li bì khó đánh thức, mắt trũng, thóp lõm (ở trẻ nhũ nhi), môi khô, tiểu ít, khát nước, đòi uống liên tục.

Theo bác sĩ Minh Tiến, trẻ không có dấu hiệu mất nước tức là không có các dấu hiệu trên. Trẻ vẫn chơi, ăn, bú khá, có thể xử trí tại nhà, không cần dùng kháng sinh, thuốc cầm đi ngoài.

Tác nhân gây tiêu chảy thường gặp ở trẻ em là siêu vi (virus), một số ít trường hợp là vi khuẩn và ký sinh trùng hoặc do dùng kháng sinh bừa bãi, kéo dài, rối loạn tiêu hóa hấp thu ở ruột khi đổi sữa.

Cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Đối với trẻ bú mẹ, bạn cho con bú thường xuyên và lâu hơn bình thường vì bé cần năng lượng để hoạt động và tăng trưởng, cũng để chống đỡ bệnh tật.

tre bi tieu chay anh 1

Cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Ảnh: Imommy.

Bạn có thể cho trẻ uống dung dịch oresol. Một gói oresol pha một lít nước sôi, uống 50-100 ml sau mỗi lần tiêu tiêu chảy ở trẻ < 2 tuổi, 100-200 ml ở trẻ > 2 tuổi, cho trẻ uống từng muỗng hoặc uống từng ngụm nhỏ. Ngoài các lần đi tiêu chảy, bạn nên cho trẻ uống thêm nước cháo, nước sôi.

"Tâm lý các bà mẹ thường không cho trẻ ăn hoặc hạn chế cho bé ăn dẫn đến con bị suy dinh dưỡng, càng làm nặng thêm tình trạng tiêu chảy. Hãy cho trẻ ăn uống như bình thường, không kiêng cữ, có thể chia làm nhiều bữa nhỏ để dễ tiêu hóa", bác sĩ Tiến nói.

Theo bác sĩ Tiến, cha mẹ cần đưa con đến bệnh viện khi trẻ có một trong các biểu hiện sau:

  • Trẻ rất khát, môi khô, khóc không có nuớc mắt.
  • Có máu trong phân.
  • Tiêu chảy trên 8 lần trong vòng 6 giờ.
  • Nôn ói nhiều, đau bụng.
  • Trẻ yếu đi, lừ đừ, li bì.

Để phòng bệnh, cha mẹ cần cho con rửa tay trước ăn, sau mỗi lần vệ sinh. Bạn cũng cần rửa tay sau mỗi lần làm vệ sinh cho trẻ, trước khi chế biến thức ăn, trước cho trẻ ăn uống để đề phòng trẻ bị nhiễm bệnh tiếp tục từ phân hay lây lan cho người khác.

Những chất thải của trẻ và giấy lau phải được xử lý ngay, giặt sạch tã lót và khăn trải giường bị dính phân. Thức ăn cho trẻ phải được nấu chín kỹ, không nên cho bé dùng thức ăn cũ.

Đặc biệt, phụ huynh không nên tự ý cho bé dùng thuốc cầm nôn hay tiêu chảy mà chưa có chỉ định của bác sĩ.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những con người vượt qua bệnh tật và những trang sách yêu mến cuộc sống ở tuyển tập sách của Zing.

> Xem thêm: Hành trình chiến thắng bệnh tật

Cách điều trị phát ban ở trẻ khi mọc răng

Nhiều trẻ xuất hiện phát ban do nước dãi chảy ra trong quá trình mọc răng. Tình trạng này không lây nhiễm và hiếm khi gây lo ngại.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm