Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Việc cấm kỵ với vùng kín của phụ nữ

Chú ý vệ sinh vùng kín là lời khuyên phụ nữ thường xuyên nhận được từ các bác sĩ phụ khoa nhưng cách làm như thế nào lại ít được đề cập tới.

14h thứ 7, bất chấp ngày cuối tuần thời tiết đẹp ở Hà Nội, hành lang tầng 3 tòa B của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khu vực khám phụ khoa, vẫn chật kín bệnh nhân chờ tới lượt gặp bác sĩ.

Nhìn lướt qua, đa phần bệnh nhân là phụ nữ trẻ trong độ tuổi 20-30 được chồng hoặc bạn trai theo sát khi chờ khám. Cứ cách 5 phút, hàng dài người ngồi đợi lại có một chiếc đầu ngoái lên cao, liếc nhìn vào phòng bệnh, song song những cái bặm môi trong vô thức. Một tiếng mở cửa khẽ cũng đủ khiến cả chục người khi đó dõi theo.

Chia sẻ với PV trong lúc chờ đợi, C.G.K. (24 tuổi, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết phát hiện vùng kín xuất hiện mùi hôi cùng dịch tiết màu trắng đục 2 ngày gần đây.

“Dù đã thử vệ sinh bằng nước muối với tần suất nhiều hơn trong ngày, tình trạng vẫn không cải thiện nên tôi được bạn trai động viên đi khám để kiểm tra”, K. nói.

Tạm gác lại tâm trạng lo lắng, K. chia sẻ từng nhiều lần nghe bạn bè kể và được biết gần như phụ nữ nào cũng phải trải qua viêm nhiễm âm đạo một lần.

Ai cũng có thể mắc bệnh

Trả lời Zing, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Minh Thanh, Phó trưởng khoa Khám chuyên gia sản phụ khoa và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết không phải phụ nữ nào cũng từng viêm nhiễm âm đạo như lời đồn. Nhiều trường hợp có thể cả đời không gặp vấn đề này.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng việc viêm nhiễm vùng kín đơn thuần ở phụ nữ không phải vấn đề quá phức tạp. Do đó, bệnh nhân cần tránh những suy nghĩ tiêu cực.

viec cam ky voi vung kin phu nu anh 1

Tình trạng viêm nhiễm vùng kín có thể xảy ra với mọi phụ nữ, xuất phát từ nguyên nhân vệ sinh, môi trường cũng như nội tiết tố. Ảnh minh họa: imani_bahati.

“Trên thực tế, số lượng phụ nữ phải tới khám do viêm nhiễm phụ khoa là rất lớn. Tuy nhiên, một số người có suy nghĩ đây là bệnh ác tính, nguy hiểm. Điều này chưa hẳn đã chính xác”, bà nói.

Bác sĩ Thanh so sánh tình trạng viêm nhiễm phụ khoa cũng tương tự bệnh cảm cúm thông thường. Trong một số thời điểm, cơ thể không ở thể trạng tốt nhất, sức đề kháng kém, chúng ta sẽ dễ bị viêm nhiễm, từ đó đau họng, ho, sốt,...

“Cũng giống như cảm cúm, việc điều trị viêm, nhiễm khuẩn ở vùng kín với phụ nữ không quá phức tạp”, vị chuyên gia cho hay.

Ngoài ra, bác sĩ Thanh còn chia sẻ từng gặp nhiều bệnh nhân nữ sau khi được phát hiện viêm nhiễm phụ khoa đã quá căng thẳng, nghĩ rằng đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục, thậm chí nghi ngờ chồng lăng nhăng, nhiễm vi khuẩn cho mình.

Bác sĩ này khẳng định: “Phụ nữ nào cũng có thể bị viêm nhiễm âm đạo với rất nhiều nguyên nhân khác nhau”.

Cụ thể, tình trạng viêm, nhiễm khuẩn tại vùng kín có thể xuất phát từ yếu tố vệ sinh, môi trường sinh hoạt không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, bản chất môi trường bên trong âm đạo cũng chứa rất nhiều vi khuẩn. Bởi vậy, khi sức đề kháng của cơ thể kém, tình trạng này cũng có thể xảy ra.

Mặt khác, bác sĩ Thanh nhận định sự thay đổi của nội tiết tố cũng có thể gây viêm nhiễm ở vùng kín cho phái nữ. Lý do này khiến nhiều phụ nữ mang thai hoặc trong thời kỳ mãn kinh dễ bị viêm nhiễm.

Theo một kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Phụ sản Trung ương năm 2018, có tới gần 80% phụ nữ Việt Nam viêm nhiễm phụ khoa trong độ tuổi sinh sản. Không những vậy, tình trạng tái nhiễm cũng thường xuyên xảy ra.

Việc cấm kỵ

Nguyên nhân chính làm gia tăng tỷ lệ mắc, tái nhiễm bệnh viêm nhiễm phụ khoa là việc vệ sinh bộ phận sinh dục không thường xuyên, chưa đúng cách, ảnh hưởng đến môi trường sinh lý âm đạo.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Minh Thanh, ngoài thói quen làm sạch vùng kín hàng ngày, phụ nữ cần đặc biệt lưu ý trong việc vệ sinh âm đạo trước và sau khi quan hệ tình dục,

Cụ thể, phụ nữ hoàn toàn có thể vệ sinh vùng kín trong quá trình tắm rửa bình thường mỗi ngày. Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý lựa chọn các sản phẩm dung dịch vệ sinh mang ít tính axit.

viec cam ky voi vung kin phu nu anh 2

Việc vệ sinh vùng kín có thể được thực hiện hàng ngày trong quá trình tắm rửa thông thường nhưng cần tránh tác động vào sâu bên trong. Ảnh minh họa: bruce_mars.

“Thực tế, phụ nữ có thể sử dụng các loại sữa tắm thông thường để làm sạch vùng kín, miễn sao phù hợp với da của mỗi người”, vị chuyên gia nói thêm.

Đặc biệt, bác sĩ Thanh nhấn mạnh một trong những sai lầm lớn nhất của phụ nữ khi vệ sinh vùng kín là đưa tay vào bên trong âm đạo để ngoáy rửa và làm sạch.

“Nhiều người cho rằng làm vậy sẽ giúp vệ sinh tuyệt đối cho âm đạo và tránh viêm nhiễm. Tuy nhiên, đây là điều cấm kỵ khi làm sạch vùng kín ở phụ nữ”, vị chuyên gia lưu ý.

Theo bà, nguyên nhân là hành động đưa tay vào bên trong để ngoáy rửa sẽ làm đảo lộn môi trường âm đạo, từ đó gây rối loạn vi khuẩn dẫn đến viêm nhiễm vùng kín.

Ngoài ra, một sai lầm phổ biến khác ở nhiều phụ nữ sau khi phát hiện bị viêm nhiễm là tự đặt thuốc cho vùng kín và chỉ tìm tới bác sĩ vào thời điểm bệnh đã diễn biến nặng.

Khi tự ý đặt thuốc tại nhà, bệnh nhân sẽ không thể xác định được liều lượng thích hợp. Do đó, nguy cơ đặt thuốc quá liều có thể xảy ra. Trên thực tế, không ít trường hợp còn bị dị ứng thuốc ngay sau khi đặt.

Việc tự dùng thuốc viêm nhiễm phụ khoa kéo dài có thể gây ra nhờn thuốc, khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn.

Theo Healthline, phụ nữ cũng có thể thực hiện một số cách để bảo vệ vùng kín khỏi nguy cơ viêm nhiễm gồm: Thường xuyên làm sạch khu vực bên ngoài âm đạo, mặc quần lót bằng chất liệu cotton, tránh hút thuốc và hạn chế rượu, bia, luôn đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể.

Phụ nữ mang thai có được nâng mũi không?

Chuyên gia nhận định phụ nữ có thai không nên phẫu thuật nâng mũi vì quá trình can thiệp dùng thuốc có thể gây ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.

Người phụ nữ không mở được mắt sau khi cắt mí

Sau 2 lần làm phẫu thuật, tình trạng sưng, chảy máu ở mí mắt của bệnh nhân trở nên nghiêm trọng và buộc phải nhập viện.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm