Sáng ngày 16/3, cổ đông Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã thông qua phương án nâng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tức tăng 35,7% so với hiện tại.
Trong đó, ngân hàng sẽ chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và phát hành 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu.
VIB cho biết kế hoạch này xuất phát từ nhu cầu vốn của ngân hàng dành cho các dự án đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh. Còn chính sách ESOP nhằm phát triển và duy trì đội ngũ nhân sự chất lượng.
Phiên họp cổ đông thường niên 2022 của VIB. |
Tăng trưởng lợi nhuận 11 lần
Chia sẻ đầu đại hội, Tổng giám đốc Hàn Ngọc Vũ cho biết trong giai đoạn đầu của hành trình chuyển đổi (2017-2021), lợi nhuận VIB tăng gấp 11 lần trong 5 năm gần nhất, vượt mức 8.000 tỷ đồng vào 2021. Quy mô tổng tài sản gấp 3 lần lên gần 310.000 tỷ đồng. Tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về tín dụng và huy động lần lượt đạt 25% và 29% trong giai đoạn vừa qua.
Ngân hàng chuyển đổi số sang mô hình bán lẻ chuyên nghiệp với tỷ trọng cho vay bán lẻ gần 90% danh mục tín dụng, cao gấp đôi mức 40% của trung bình ngành. Trong đó gần 95% danh mục có tài sản đảm bảo.
Lãnh đạo VIB nói thêm động lực tăng trưởng đến từ cả 3 mảng kinh doanh cốt lõi: Ngân hàng bán lẻ, Khách hàng doanh nghiệp, Nguồn vốn và Ngoại hối.
Riêng mảng bán lẻ được VIB xem là trọng tâm chiến lược và đầu tư mạnh mẽ nhất, với mục tiêu đưa VIB trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam về chất lượng và quy mô.
Hiện nay VIB có 3,8 triệu khách hàng tính đến cuối năm 2021, con số này tăng gấp đôi trong giai đoạn 5 năm gần nhất. Ngân hàng hướng đến mục tiêu đạt 10 triệu khách hàng trong giai đoạn 5 năm tới, tương ứng gấp 2,6 lần con số hiện tại.
Tính đến cuối năm 2021, giá trị vốn hóa của VIB đạt hơn 70.000 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với ngày đầu tiên chuyển sàn HoSE và đứng top 5 trong các ngân hàng tư nhân lớn nhất sàn.
Kế hoạch lãi 10.500 tỷ đồng
Trong giai đoạn tiếp theo 2022-2026, VIB đặt mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Lợi nhuận tăng trưởng kép tối thiểu 30%/năm lên mức tỷ USD, nền tảng khách hàng sẽ được mở rộng gần gấp 3 lần so với hiện tại.
LỢI NHUẬN TRƯỚC THUẾ CỦA VIB | ||||||||
Nhãn | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | KH Năm 2022 | |
Lợi nhuận trước thuế | Tỷ đồng | 702 | 1405 | 2743 | 4082 | 5803 | 8011 | 10500 |
Riêng năm 2022, ngân hàng lên kế hoạch lợi nhuận vào khoảng 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021. Chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng dư nợ tín dụng và huy động vốn đều tăng 30%, lần lượt là 402.500 tỷ, 265.600 tỷ và 280.600 tỷ đồng.
Trong đó mức tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào giới hạn cho phép của Ngân hàng Nhà nước.
Mục tiêu tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tiếp tục duy trì ở mức top đầu toàn ngành, đồng thời đảm bảo các tỷ lệ an toàn về quản lý rủi ro theo các chuẩn mực quốc tế hàng đầu.
Nói thêm về room tín dụng, ông Hàn Ngọc Vũ khẳng định mục tiêu tăng trưởng 30% được căn cứ vào năng lực phát triển, khả năng quản trị rủi ro để đảm bảo an toàn của ngân hàng
Thực tế, VIB từng được cấp room tín dụng 34% vào năm 2019 khi hoàn tất sớm Basel Il. Room cho mỗi tổ chức phụ thuộc vào mong muốn, khả năng và thực tế hỗ trợ chiến lược của mỗi ngân hàng và sẽ do Ngân hàng Nhà nước quyết định.
Về hoạt động huy động vốn, lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ phải cân bằng nhằm đảm bảo an toàn cho ngân hàng và lợi ích cho cổ đông. Với xếp hạng tín nhiệm tốt như VIB thì huy động vốn trên trường quốc tế sẽ được mức lãi suất tốt hơn trên thị trường M1, đồng thời cân bằng huy động từ thị trường M1 và M2.
Trong vài năm trở lại đây, VIB cũng chuyển trọng tâm phát triển CASA thông qua sản phẩm thuộc hệ sinh thái của ngân hàng. Tỷ trọng CASA tăng từ 11% lên 16%, đây là con số khích lệ để ngân hàng tiếp tục tăng trưởng.