Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vị Xuyên: Nơi hàng nghìn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt

Hàng ngàn liệt sĩ hi sinh trong cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Quốc vẫn nằm rải rác trên những mỏm đá, thung sâu của biên giới Vị Xuyên, Hà Giang.

Tiếng gọi từ thẳm sâu lòng đất Vị Xuyên khiến những cựu binh của sư đoàn 356 lặn lội ngược lên Hà Giang vào tháng 7, trở về chiến trường xưa. Nơi ấy, những đồng đội mãi mãi tuổi 20 của họ vẫn còn nằm lẫn cùng mỏm yên ngựa, đồi thịt băm hay thung lũng tử thần.

Máu thịt của những người lính trẻ đã làm xanh những vạt ngô, những mỏm núi mà 30 năm trước còn trơ trọi vì đạn pháo.

Vị Xuyên là ký ức tàn khốc nhất

Trong hàng trăm, hàng ngàn chuyến trở về, các cựu binh Vị Xuyên cứ đứng lặng người nhìn từng mỏm núi, tán cây. “Đồng đội ơi, về đi”, những người lính già, quân phục sờn vai, tóc lốm đốm bạc, thổn thức gọi.

Đó là đỉnh 772, 1509, những dấu mốc tưởng như chỉ là những con số vô hồn nhưng lại gắn liền với những trận chiến khốc liệt nhất của mặt trận Vị Xuyên những năm 1984-1985.

Liet si tai chien tranh bien gioi anh 1
Các cựu binh hồi tưởng lại những trận đánh khốc liệt trên các điểm cao của biên giới Vị Xuyên, Hà Giang. Ảnh: Hà Hương.

Năm 2015, lần đầu tiên trở lại Vị Xuyên sau gần 30 năm xuất ngũ, cựu binh Ngô Minh Tuấn nói rằng, dù cây cỏ có phủ lấp đi mọi thứ, ông vẫn nhớ như in nơi đồng đội đã ngã xuống. Ký ức về cuộc chiến đấu đêm 11, rạng sáng ngày 12/7/1984 với hoả lực của Trung Quốc nhuộm đỏ máu.

“Đó là những kỷ niệm chua xót khôn nguôi. Tôi đã thuộc từng ngọn núi, từng mỏm đá, từng trận đánh trên chiến trường này. Đêm ngày 11/7/1984 là ký ức tàn khốc nhất, ám ảnh nhất trong cuộc đời tôi”, ông Tuấn kể.

Cựu binh Đặng Việt Châu (Nghệ An) bao nhiêu năm nay cần mẫn đi chép lại từng trang sử của sư đoàn vì một lẽ suốt 30 năm sau trận chiến, “cứ nghe thấy tiếng sấm động là nhớ về những ngày đau thương và mất mát ở chiến trường”.

“Suốt từ tháng 5 đến tháng 12/1984, ngày nào không có tiếng bom đạn, không có đổ máu hi sinh là ngày không bình thường. Có những trận đánh đẫm máu và đầy nước mắt”, cựu binh Đặng Việt Châu chia sẻ trong một cuộc hội ngộ với đồng đội ở Hà Nội.

Ngã xuống nơi biên giới Vị Xuyên, nhưng lời thề của anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh vẫn được đồng đội khắc sâu. Lời thề quyết tử của chàng trai tuổi 20 được khắc trên báng súng: “Sống bám đá, chết hoá đá, thành bất tử”. Mãi gần 30 năm sau, thi hài của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh mới được đưa về quê nhà.

'Hãy về đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu!'

Mỗi lần trở về Vị Xuyên, những người lính của sư đoàn 356 đều ôm nhau vừa khóc, vừa hát: “Hãy về đồng đội ơi, còn nằm khe đá hay thung sâu…Hãy về đồng đội ơi. Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười. Bạn bè đồng đội người thân ôm nhau nước mắt chan hoà. Biên cương hình bóng quê nhà”.

Liet si tai chien tranh bien gioi anh 2
Các cựu binh ôm guitar hát tưởng nhớ đồng đội. Phía sau là các điểm cao nơi nhiều đồng đội của họ vẫn đang nằm lại. Ảnh: Hà Hương.

Bài hát được một cựu binh của sư 356, nhạc sĩ Trương Quý Hải sáng tác. Năm nào, anh cũng ôm guitar lên biên giới hát cho đồng đội của mình, cho những người còn sống và cả những người đã ngã xuống.

Là văn công sư đoàn, nhưng sau ngày 12/7, Trương Quý Hải chuyển sang chăm sóc anh em thương binh và khâm liệm tử sĩ. “Đó là những ngày đáng nhớ nhất, đau xót nhất”, người cựu binh nhớ lại.

Nhưng nỗi đau đáu của nhiều cựu chiến binh sư đoàn 356 chính là hàng ngàn đồng đội ngã xuống trên chiến trường Vị Xuyên vẫn nằm rải rác trên khắp các mỏm núi.

Việc quy tập hài cốt về nghĩa trang Vị Xuyên hoặc về quê nhà là mong ước lớn nhất của những người từng trải qua những ngày tháng chiến đấu gian khổ trên biên giới.

Ông Nguyễn Xuân Đệ, cựu binh quê Nghệ An, nhưng đã chọn chiến trường xưa Vị Xuyên là nơi lập nghiệp. Hàng chục năm nay, ông đã đón không biết bao nhiêu gia đình thân nhân liệt sĩ lên tìm mộ con em mình. “Họ gõ cửa khắp nơi, lên tận biên giới Thanh Thuỷ rồi nuốt nước mắt đi về”, ông Đệ kể.

“Bao nhiêu năm qua, số hài cốt được quy tập về quá ít ỏi so với số anh em đã ngã xuống. Ước mong của tôi là đưa đồng đội về càng sớm càng tốt, để lâu với gió mưa, chỉ e là nắm xương anh em cũng không còn nữa”, người cựu binh chia sẻ.

Liet si tai chien tranh bien gioi anh 3
Nghĩa trang Vị Xuyên, nơi quy tập hài cốt của những người lính hi sinh tại biên giới Hà Giang. Ảnh: Hà Hương.

Lặn lội từ Yên Bái qua Hà Giang thắp hương cho đồng đội nhân ngày 27/7, cựu binh Nguyễn Văn Kim cũng bày tỏ trăn trở: “Chiến trường xưa vẫn đầy bom đạn. Không ai dám lên để quy tập về. Chỉ có vài cựu chiến binh liều lĩnh đi theo trí nhớ lên tìm đồng đội rồi mang từng chút xương về. Đau lòng lắm”.

Những bộ hài cốt được quy tập về nghĩa trang Vị Xuyên cũng không thể xác minh danh tính. Tất cả được an táng tại dãy mộ “Chưa biết tên” của nghĩa trang.

“Vong linh các anh hùng liệt sĩ có chê trách những người còn sống quên các đồng chí. Nhưng tôi chảy nước mắt mà nói rằng, chúng tôi nhất định không quên các anh”, đại tá Nguyễn Đức Cam, nguyên phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 356, bày tỏ.

Đó cũng là lý do để mỗi năm, như một lời hẹn, đại tá Cam cùng nhiều cựu binh lặn lội lên biên giới. Ông nói, quy tập được anh em đồng đội về là mong ước cuối đời của ông.

Hơn 4.000 chiến sĩ đã ngã xuống ở mặt trận Vị Xuyên

Cuối tháng 4/1984, Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự đánh vào biên giới tỉnh Hà Tuyên (tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang bây giờ) kéo dài hơn 100 km, từ huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, trong đó huyện Vị Xuyên là chiến trường khốc liệt nhất. 

Đêm ngày 11 rạng 12/7/1984, các sư đoàn 313, 314, 316, 356…tham gia chiến dịch trên toàn mặt trận nhằm lấy lại các cao điểm mà Trung Quốc xâm chiếm. Kết quả đã lấy lại được những điểm then chốt nhưng khoảng 600 cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 356 hi sinh, 400 cán bộ, chiến sĩ sư đoàn 316 và 312 cũng ngã xuống. Ngày 12/7 được coi là ngày giỗ trận của sư đoàn 356.

Tính trên toàn chiến trường Vị Xuyên từ năm 1979 đến 1989, có khoảng hơn 4.000 cán bộ chiến sĩ hi sinh, chủ yếu tập trung vào hai năm khốc liệt nhất là 1984-1985.

Cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 10 liệt sĩ 2 vụ máy bay rơi

10 chiến sĩ hy sinh trong hai vụ máy bay rơi vừa qua đều được cấp bằng Tổ quốc ghi công, theo quyết định ký ngày 29/6 của Thủ tướng.


Hà Hương

Bạn có thể quan tâm