Vua Mswati III, người trị vì vương quốc Eswatini từ năm 1986, là vị vua cuối cùng của châu Phi.
Những ngày gần đây, quốc gia này đang phải đối mặt với chuỗi biến động khi biểu tình bạo lực đòi dân chủ nổ ra, trong khi nhà vua được cho là đã bỏ trốn.
South China Morning Post dẫn lại thông tin từ đài truyền hình nhà nước Nam Phi cho biết hôm 29/6, lực lượng an ninh của Eswatini phải bắn hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông đòi dân chủ tại quốc gia từ lâu đã cấm các đảng phái chính trị.
Giữa làn sóng biểu tình, cộng đồng quốc tế đổ dồn sự chú ý vào vị vua cuối cùng của châu Phi, vì một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình là lối sống xa hoa, đắt đỏ của ông.
Vua Mswati III và một trong những người vợ bước xuống máy bay ở thành phố Colombo, Sri Lanka vào tháng 8/2012. Ảnh: Reuters. |
Vị vua gây tranh cãi
Vua Mswati III là một trong 60 con trai của Vua Sobhuza II. Khi thừa kế ngôi vị của cha vào năm 1986, Vua Mswati III chỉ mới 18 tuổi. Tại thời điểm đó, ông là nhà lãnh đạo trẻ nhất thế giới, theo Britanica.
Do Eswatini là quốc gia theo chế độ quân chủ chuyên chế, nên Vua Mswati III có quyền lực gần như tuyệt đối đối với kinh tế, quản lý hành chính và văn hóa của nước này.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Eswatini là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, khi có đến 70% người dân ở nông thôn có thu nhập dưới 1 USD một ngày. Quốc gia 1,2 triệu dân này có đến 25% dân số phải sống dựa vào viện trợ lương thực, và đến 40% dân số mắc HIV/AIDS.
Trái ngược với phần đông dân chúng, Vua Mswati III được tạp chí Forbes chọn vào danh sách "15 nhân vật hoàng gia giàu có nhất thế giới" vào năm 2009. Theo Forbes, tài sản riêng của Vua Mswati III ước tính đạt 200 triệu USD. Ngoài ra, ông còn kiểm soát số tiền 10 tỷ USD mà cha mình gửi vào các quỹ tín thác.
Vị vua của Eswatini cũng nổi tiếng vì "chịu chơi".
Vào năm 2002, Vua Mswati III gây chú ý khi yêu cầu quốc hội chi 50 triệu USD để mua máy bay riêng cho hoàng gia - ngay giữa lúc quốc gia này phải đối mặt với khủng hoảng tài chính nghiêm trọng . Đến năm 2004, ông lại yêu cầu duyệt 15 triệu USD để trang trí lại cung điện và xây thêm 11 cung điện cho 11 người vợ của mình.
Gần đây nhất, vào năm 2019, Vua Mswati III đặt mua 19 xe sang Rolls-Royce nhằm phục vụ cho mình và gia đình, gồm 15 người vợ và 23 người con, theo The Times. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ trong bộ sưu tập xe gồm hàng chục chiếc siêu xe của ông.
Vua Mswati III tiếp đón nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trong cung điện Lozitha năm 2018. Ảnh: Văn phòng nhà lãnh đạo Đài Loan. |
Ngay sau khi kế vị ngai vàng, Vua Mswati III nhanh chóng củng cố quyền lực của mình.
Theo BBC, vài tháng sau khi lên ngôi, Vua Mswati III giải thể hội đồng cố vấn cho nhà vua (Liqoqo) - cơ quan có quyền lực cao nhất ở Eswatini. Ông cũng cải tổ nội các và chỉ định thủ tướng mới, đồng thời bổ nhiệm hai anh trai vào các vị trí quan trọng trong chính phủ.
Trước nhiều chỉ trích từ người dân, Vua Mswati III từng tuyên bố sẽ thực hiện cải cách vào năm 2001. Tuy nhiên, bản dự thảo của kế hoạch cải cách, được công bố 2 năm sau đó, nhấn mạnh rằng nhà vua nắm quyền tuyệt đối và cấm các đảng phái đối lập.
Đến năm 2005, Vua Mswati III ký ban hành một phiên bản sửa đổi của kế hoạch cải cách nói trên, trong đó không cấm các đảng đối lập nữa nhưng cũng không thừa nhận sự tồn tại của các đảng này.
Giọt nước tràn ly
Theo AFP, dù người dân Eswatini nhận thức được về lối sống xa xỉ của nhà vua, các cuộc biểu tình phản đối chỉ nổ ra lẻ tẻ.
Chỉ đến tháng 5 năm nay, làn sóng biểu tình mới diễn ra rầm rộ hơn. Tất cả bắt nguồn từ việc thi thể của sinh viên luật Thabani Nkomonye được phát hiện gần thành phố Manzini.
Cảnh sát cho rằng người này chết vì tai nạn giao thông, tuy nhiên nhiều sinh viên lại cho rằng cảnh sát có liên quan trực tiếp đến cái chết của Thabani.
Ngay sau đó, các cuộc biểu tình nổ ra nhằm đòi công lý cho Thabani và chấm dứt các hoạt động bạo lực của cảnh sát. Người biểu tình sau đó đòi hỏi giới cầm quyền phải cải cách thêm về chính trị.
Tình hình xấu đi nhanh chóng sau khi giới chức Eswatini cấm các cuộc biểu tình vào ngày 24/5. Theo đài truyền hình nhà nước Nam Phi (SABC), người biểu tình phóng hỏa hàng loạt tòa nhà của chính phủ, cửa hàng và xe tải để phản đối lệnh cấm. Để đáp trả, cảnh sát dùng hơi cay, thậm chí là đã nổ súng, để giải tán đám đông biểu tình.
Al Jazeera dẫn lời Lucky Lukhele, người phát ngôn của tổ chức ủng hộ dân chủ có tên Mạng lưới Đoàn kết Swaziland, cho biết ít nhất 8 người biểu tình đã bị bắn chết trong đêm bạo động tại thành phố Manzini. Họ nằm trong số ít nhất 28 người biểu tình trúng đạn của lực lượng an ninh, ông Lukhele nói thêm.
Vua Mswati III được cho đã bỏ trốn, nhưng chính phủ của ông bác bỏ thông tin này. Ảnh: Alamy. |
Trả lời BBC, ông Mlungisi Makhanya, lãnh đạo đảng Pudemo đối lập, cho biết người biểu tình mong muốn việc làm và sự tự do chính trị, cụ thể là bầu thủ tướng với quyền lực hành pháp trên thực tế, thay vì thủ tướng chỉ có ý nghĩa tượng trưng như hiện nay.
Người biểu tình cũng mong muốn hoàng gia chấm dứt việc tiêu xài hoang phí, theo ông Makhanya.
“Họ yêu cầu chấm dứt sự thống trị của hoàng gia, từ đó dừng sử dụng ngân khố quốc gia chỉ dùng để nuôi một gia đình”, ông nói thêm.
“Người dân đang chết một cách vô ích. Xe cứu thương không thể tiếp cận được với những người nghèo do đường xá quá tệ”, lãnh đạo đảng đối lập nói thêm, đồng thời nhấn mạnh Eswatini là quốc gia có tỷ lệ người mắc HIV/AIDS cao nhất thế giới.
Nhà vua đang ở đâu?
Giữa lúc biểu tình và bạo lực nổ ra tại Eswatini, một số nguồn tin cho rằng Vua Mswati III đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Theo ông Lukhele, Vua Mswati III đã “bỏ trốn bằng máy bay riêng”.
Swaziland News và BBC cho biết máy bay riêng của ông đã cất cánh vào đêm 28/6.
Trong khi đó, chính quyền Eswatini lại bác bỏ thông tin trên. Quyền thủ tướng Themba Masuku cho biết nhà vua “đang ở trong nước”.
“Sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin sai sự thật, tôi muốn nhân cơ hội này đảm bảo với người dân Eswatini và cộng đồng quốc tế rằng Vua Mswati III đang ở trong nước, và sẽ tiếp tục dẫn dắt chính phủ để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu của đất nước", tuyên bố của ông Themba Masuku cho biết.
Sabelo Dlamini , người phát ngôn của chính phủ nước này, nhấn mạnh rằng việc Vua Mswati III bỏ trốn khỏi đất nước là “hoàn toàn không chính xác”.