Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam

Những đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng tư tưởng của ông trong xây dựng quân đội nhân dân được làm rõ trong cuốn sách mới tái bản.

Nguyen Chi Thanh anh 1

Với 30 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tỏ rõ phẩm chất của một vị tướng thao lược của Quân đội nhân dân Việt Nam, một người cộng sản kiên trung, mẫu mực, một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc; nhà lãnh đạo tài ba, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đóng góp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong xây dựng quân đội nhân dân

Để tưởng nhớ công lao của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản cuốn sách Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sách do Thượng tướng, GS.TS Nguyễn Chí Vịnh tuyển chọn bài viết.

Cuốn sách giới thiệu các bài viết tiêu biểu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng; các bài viết của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học, đồng chí, đồng đội của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Sách gồm hai phần.

Phần thứ nhất: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về lý luận chính trị, tư tưởng và tổ chức gồm các bài viết tiêu biểu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trên cương vị là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó bí thư Tổng Quân ủy và Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam với các bút danh như: Nguyễn Vịnh, Nguyễn Chí Thanh, Trường Sơn, Sáu Di, Người Quan Sát, D400, S.K.Z, Bến Tre,...

Các bài viết của Đại tướng thể hiện tư duy biện chứng về khoa học, sự mẫn cảm đặc biệt về chính trị, tầm nhìn xa trông rộng, tư duy chiến lược của một nhà chính trị, quân sự tài ba của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam; góp phần xây dựng Đảng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và xây dựng Quân đội nhân dân.

Phần thứ hai: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Người cộng sản kiên trung, mẫu mực, vị tướng xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Các bài viết khẳng định công lao to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong việc tăng cường và củng cố sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân nhân, xây dựng nề nếp công tác chính trị, phát huy bản chất của quân đội trong vận dụng, phát triển sáng tạo nghệ thuật chiến tranh nhân dân, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược trên chiến trường Nam Bộ.

Dù ở bất cứ cương vị công tác nào, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, là người cộng sản kiên cường, đem hết sức mình cống hiến không mệt mỏi cho Đảng, cho nhân dân, cho Tổ quốc; đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, đấu tranh không khoan nhượng chống chủ nghĩa cá nhân; luôn không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, thâm nhập thực tế, sâu sát cơ sở...

30 năm hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên khai sinh là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1/1/1914 ở vùng quê Bình - Trị - Thiên. Từ nhỏ, ông đã được tận mắt chứng kiến nỗi thống khổ của nhân dân dưới ách áp bức thống trị của thực dân, phong kiến nên đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước và tinh thần cách mạng.

Năm 1934, khi vừa tròn 20 tuổi, ông đã tham gia cách mạng, hoạt động tích cực trong các phong trào đấu tranh do Đảng ta phát động và lãnh đạo. Dưới sự chỉ đạo của ông, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Thừa Thiên chống ách áp bức, bóc lột của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều nổ ra mạnh mẽ.

Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được chỉ định làm Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ; cũng tại đây, ông Nguyễn Vịnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là Nguyễn Chí Thanh.

Năm 1947, ông được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, sau đó làm Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên. Ông đã dẫn dắt và khơi dậy ý chí cách mạng quật cường của đồng bào ta, gây dựng lại phong trào cách mạng ở Thừa Thiên - Huế và chỉ đạo xoay chuyển tình thế, tạo ra các bước ngoặt cách mạng ở Bình - Trị - Thiên.

Trong những năm 1950-1960, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh, đồng thời là Phó bí thư Tổng Chính ủy. Trong suốt thời gian giữ cương vị này, ông góp phần đặt nền móng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên quan tâm củng cố và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.

Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trong quân đội ngày càng trưởng thành, vững vàng vượt qua mọi thử thách cam go.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc bước vào thời kỳ quyết liệt, ông được cử vào miền Nam làm Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, trực tiếp chỉ đạo cách mạng miền Nam. Trên cương vị được giao, ông cùng Trung ương Cục chỉ đạo phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là xây dựng bộ đội chủ lực, góp phần xác định đúng bước chuyển biến từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”, chủ động đánh Mỹ kéo vào miền Nam.

Tư tưởng chỉ đạo tác chiến mang đậm dấu ấn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, “cứ đánh Mỹ khắc tìm ra cách đánh hay”, từ đó hình thành các “vành đai diệt Mỹ”... được ghi nhớ trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ. Những phân tích, nhận định, đánh giá tình hình chiến trường miền Nam của ông đã giúp Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đánh giá đúng thất bại của Mỹ, sự phát triển của cách mạng miền Nam.

Trên bất kỳ cương vị nào, ở những mặt trận khó khăn, trong những thời điểm nóng bỏng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Nam Anh

Bạn có thể quan tâm