Trong căn nhà nhỏ ở quận 12 (TP HCM), thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (66 tuổi, quê gốc Hưng Yên, nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7) hàng ngày vẫn miệt mài xem văn bản, tài liệu liên quan đến Hội Nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam, nơi ông đang đảm nhận chức Phó chủ tịch.
Trong 47 năm theo binh nghiệp, người bộ đội giải phóng quân Tám Thổ tham gia hàng trăm trận đánh ở chiến trường Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, biên giới Tây Nam cho đến chiến trường Campuchia.
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - nguyên Tham mưu trưởng quân khu 7 tại nhà riêng. Ảnh: Trường Nguyên. |
Suốt cuộc đời binh nghiệp, người bộ đội ấy bị thương đến 11 lần. Ông 8 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới, Chiến sĩ thi đua của Trung đoàn 88.
Dù đã về hưu, vị tướng già vẫn bỏ ra nhiều thời gian đòi lại công bằng cho các nạn nhân chất độc màu da cam. Ông chia sẻ: “Họ đang mang trên mình nỗi đau chiến tranh. Có nạn nhân là con cháu của những người bộ đội sẵn sàng hy sinh để đất nước hòa bình như hôm nay. Họ cần có được sự công bằng".
Khi nhắc những ngày cuối tháng 4/1975, vị tướng Tám Thổ sôi nổi hẳn lên. Ông cho biết, niềm hạnh phúc vỡ òa trong ngày thống nhất là giây phút suốt đời ông không thể quên.
"Tháng 3/1975, tôi đang được huấn luyện ở Bộ tham mưu Quân khu 8. Tuy nhiên, tình hình chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ và bước vào giai đoạn quyết định, Quân khu 8 quyết định cho chúng tôi kết thúc khóa huấn luyện sớm, trở về đơn vị rồi ra chiến trường”.
Trần Ngọc Thổ được điều về làm Phó tham mưu tác chiến Trung đoàn 88. Trung đoàn được giao nhiệm vụ đánh từ hướng Chợ Gạo (Tiền Giang) qua Long An để đến huyện Bình Chánh, tiến đánh Tổng nha Cảnh sát và Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hoà, hợp cùng các cánh quân khác giải phóng Sài Gòn.
Tướng Thổ cùng Ban Tham mưu quân đoàn bàn bạc kỹ lưỡng các mục tiêu tiến công, nghiên cứu cách đánh để làm sao tiến quân thần tốc và hạn chế hy sinh.
Có kế hoạch tỉ mỉ, chiến lược rõ ràng nên việc hành quân về Sài Gòn vào sáng 29/4/1975 gặp nhiều thuận lợi. Những quân lính Việt Nam Cộng hoà ở các đồn bốt nhỏ dọc đường khi nghe quân giải phóng thì bỏ chạy tán loạn. Đi đến đâu, đoàn quân cũng được người dân địa phương giúp đỡ nhiệt tình.
Theo tướng Thổ, nhiều gia đình ở Long An còn tháo cả những tủ thờ làm bằng gỗ quý cho bộ đội làm mái che hầm hào, công sự. Có người thu gom gạo lúa góp thêm phần ăn cho đoàn quân. Điều họ mong chờ là đất nước thống nhất, hòa bình để mọi người được sống bình an, không khói lửa chiến tranh.
Trung đoàn 88 đến Long An thì đối đầu với cứ điểm Cần Giuộc của địch. Quân địch tại đây chống trả quyết liệt. Xác định đây có thể là trận đánh lớn, một bộ phận Trung đoàn 88 nhận nhiệm vụ bao vây cứ điểm.
Hình ảnh người dân Sài Gòn đổ ra đường mừng thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu. |
Song song với việc bao vây, tướng Thổ báo cáo cấp trên về ý định làm công tác địch vận, tránh đổ máu. Trận đánh cam go nên hai bên 'dùng dằng' mãi. Tuy nhiên, sau công tác địch vận cũng như nhận thấy khí thế quân giải phóng quá mạnh, đối phương tại cứ điểm Cần Giuộc gần như mất ý chí chiến đấu.
"Đêm 29 rạng sáng 30/4, một tiểu đoàn tấn công nhưng chỉ gặp kháng cự yếu ớt. Quân giải phóng sau đó tiếp quản rồi tập trung lực lượng, tiến về Sài Gòn qua ngã quốc lộ 50", ông kể.
Lúc 11h30 ngày 30/4, Trung đoàn 88 đang tiến nhanh vào Sài Gòn, qua khỏi quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh bây giờ) thì nghe tiếng của Tổng thống Việt Nam cộng hoà Dương Văn Minh qua làn sóng phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
“Nghe được tin ấy, cả Trung đoàn vui mừng khôn xiết. Nhiều chiến sĩ rơi nước mắt vì từ nay đất nước thống nhất, được sống trong hòa bình, hạnh phúc. Tiến vào nội đô Sài Gòn, chúng tôi thấy biển người, cờ hoa tràn ngập mừng đoàn quân giải phóng, mừng ngày đất nước thống nhất. Hình ảnh đó khắc sâu vào tâm trí tôi cho đến tận hôm nay”, vị tướng trận mạc kể về thời khắc lịch sử.
Trung đoàn 88 tiếp tục hành quân thần tốc tấn công Tổng nha Cảnh sát và sau đó hành quân đến chiếm Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa.
Tối cùng ngày, Trung đoàn giải phóng Cảng Sài Gòn, vượt cầu Tân Thuận chiếm kho quân vụ rồi giải phóng kho xăng Nhà Bè. Đến 22h ngày 30/4, chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ hoàn toàn.
Trận chiến đòi công bằng cho nạn nhân chất độc da cam
Đất nước thống nhất nhưng chưa yên ổn bao lâu, người lính Tám Thổ tiếp tục lên đường chiến đấu ở biên giới Tây Nam chống quân diệt chủng Pôn Pốt.
“Những năm tháng vào sinh ra tử trên chiến trường, cũng nhờ người dân, bà mẹ Nam Bộ đã cưu mang, che chở tôi vượt qua gian khó, hiểm nguy”, tướng Thổ tri ân.
Thiếu tướng Tám Thổ ngày đêm nghiên cứu các tài liệu để đòi lại công bằng cho nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam. Ảnh: Trường Nguyên. |
Rời quân ngũ, vị thiếu tướng già trở về cuộc sống đời thường. Nhưng phẩm chất của người bộ đội Cụ Hồ không cho ông ngồi yên. Hình ảnh những nạn nhân chất độc màu da cam do quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam khiến ông đau đáu, ăn ngủ không yên.
Ông quyết định phải làm điều gì đó để giảm bớt nỗi đau cho những người không may.
Và từ đó, ông lao vào cuộc chiến khác - Cuộc chiến đi tìm công lý cho những nạn nhân chất độc da cam. Hiện, ông đảm nhận vị trí Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam TP HCM.
“Những cựu binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam đã được bồi thường, còn nạn nhân Việt Nam thì không, trong đó có nhiều người bị ảnh hưởng chất độc từ cha mẹ là bộ đội giải phóng năm xưa. Đó là sự bất công. Chúng ta phải đòi bằng được công lý cho họ”, thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nói.