Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương (Phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý Địa cầu) trao đổi với Zing.vn ngay khi một trận động đất mạnh 2,6 độ richter xảy sáng 14/7 tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam).
- Trong nửa đầu tháng 7 đã có tới 7 trận động đất tại khu vực thuỷ điện Sông Tranh 2. Điều này được lý giải thế nào, thưa ông?
- Điều này vẫn bình thường, không nằm ngoài dự đoán của các nhà khoa học Việt Nam về động đất kích thích. Về bản chất, đây vẫn là những trận động đất nhỏ, có nguồn gốc kích thích, được gây ra bởi sự vận hành của nhà máy thuỷ điện.
Đặc trưng của nó là cường độ nhỏ (chưa có trận nào vượt quá 4,8 độ richter), độ sâu chấn tiêu nông (6-7km), không có khả năng gây thiệt hại về người và tài sản. Trên thế giới cũng có khoảng 100 quốc gia có hiện tượng động đất kích thích hồ chứa tương tự.
Người dân Bắc Trà My lo lắng khi ám ảnh động đất quay trở lại. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu. |
- Động đất kích thích được cho là chỉ xảy ra khi thủy điện tích nước trong mùa mưa. Nhưng hiện là mùa khô, tại sao vẫn liên tục xảy ra?
- Nguyên nhân mùa khô, mùa mưa chỉ là một yếu tố gây ra động đất. Động đất kích thích trong lòng hồ chứa ngoài nguyên nhân ứng với cột nước trong vùng hồ, tích nước trong mùa mưa thì còn do các đứt gãy địa phương.
Mọi người có thể thấy các trận động đất vừa qua chủ yếu có độ sâu chấn tiêu rất nông (trong khi bình thường là 10 km), độ lớn nhỏ. Việc các trận động đất không dừng lại chúng tôi cho rằng liên quan tới nguyên nhân do các địa tầng phía dưới.
Cụ thể, đây là những địa tầng không ổn định, có chỗ rỗng. Động đất kích thích cũng gây ra phản ứng dây chuyền giữa các địa tầng với nhau. Nó tương tự như người bị sôi bụng, không phải đi viện nhưng khiến người ta khó chịu.
Khu vực Sông Tranh 2 nằm trên 3 đứt gãy Trà Bồng, Hưng Nhương, Tam Kỳ - Phước Sơn. Ảnh: Viện Vật lý địa cầu. |
- Trận động đất sáng 8/7 có cường độ 3,6 độ richter, lớn hơn hẳn các trận động đất gần nhất trước đó khiến người dân lo ngại động đất ngày càng lớn và nhiều. Ông nghĩ sao?
- Đúng là trận động đất ngày 8/7 mạnh hơn (các trận động đất trước đó đều dưới 3 độ richter) tuy nhiên nó vẫn thuộc động đất yếu, không có khả năng gây đổ nhà cửa hay thiệt hại về người.
Cá nhân tôi cho rằng, những trận động đất tại đây chỉ dừng lại ở những trận có cường độ nhỏ, không thể gây thảm họa. Tuy nhiên, mặt trái của nó là độ sâu chấn tiêu nông nên những rung động gần mặt đất khiến người dân hoảng sợ.
- Ông có lời khuyên gì cho những người dân Bắc Trà My khi phải “sống chung” với tình cảnh này?
- Theo tôi người dân không nên quá lo ngại, tuy nhiên, cũng cần có biện pháp gia cố nhà cửa. Mọi người không nên treo các đồ vật nặng trên trần nhà để tránh nguy hiểm do rung lắc; đồng thời chú ý xi măng đủ độ cứng khi xây nhà…
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương: "Động đất tại đây chỉ dừng lại ở những trận có cường độ nhỏ, không thể gây thảm họa. Tuy nhiên, mặt trái của nó là độ sâu chấn tiêu nông nên những rung động gần mặt đất khiến người dân hoảng sợ".
Đặc biệt, chính quyền địa phương nên tổ chức các buổi tập huấn về động đất để người dân bình tĩnh khi đối mặt với sự cố.
Chúng ta nên học tập người Nhật. Họ không hề bỏ mảnh đất của mình dù nó xảy ra động đất thường xuyên. Họ tính toán các kháng chấn, xây các cột chắn sóng thần, học tự vệ từ nhỏ...
- Theo ông, động đất tại Sông Tranh 2 bao giờ sẽ kết thúc?
- Hiện, chúng tôi không dự báo được động đất sẽ tiếp diễn bao lâu. Ví dụ như tại thủy điện Hòa Bình động đất chỉ xảy ra vài năm, có những trận lớn lên tới 4,9 độ richter sau đó chấm dứt hoàn toàn. Nhưng tại khu vực miền Trung theo tôi động đất sẽ không tắt nhanh như thế được. Nó sẽ tiếp diễn vài năm hoặc có thể vài chục năm.
Rạng sáng 14/7, một trận động đất mạnh 2,6 độ richter xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 với độ sâu chấn tiêu khoảng 5 km.
Tính từ đầu tháng 7 đến nay đã có 7 trận động đất xảy ra ở đây.
Trận lớn nhất là 3,6 độ richter ngày 8/7. Đặc biệt trong ngày 11/7 có hai trận 2,4 và 2,9 độ richter, cách nhau chỉ 2 giờ.