Hơn 4 tháng qua, người dân ở khu vực bìa rừng xã Châu Phong và Châu Hạnh (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) luôn sống trong lo lắng khi 2 con voi rừng trưởng thành thường xuyên xuất hiện, phá hoa màu, vào sát nhà và di chuyển dọc đường tỉnh lộ.
Ngành chức năng địa phương đã đưa ra nhiều phương án để vừa xua đuổi, vừa bảo vệ loài động vật quý hiếm, nguy cấp này nhưng không hiệu quả.
Voi rừng giật tung cửa sổ nhà dân, phá hoa màu
Trao đổi với Zing, ông Lê Xuân Đình, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quỳ Châu (Nghệ An), cho biết từ đầu tháng 8, khu vực bản Đôm 1, xã Châu Phong và một số thôn bản ở xã Châu Hạnh, xuất hiện 2 con voi trưởng thành. Mỗi con nặng 3-4 tấn, tuổi đời 40-60 năm.
Đàn voi thường xuất hiện vào nương rẫy người dân vào sáng sớm hoặc chiều tối để phá mía, cây trồng. Voi còn vào khu dân cư, giật tung cửa, lục lọi tìm thức ăn hay thong dong di chuyển dọc tỉnh lộ 544 qua dốc Pù Xen (xã Châu Phong) khiến người và phương tiện không dám qua lại.
Hai con voi rừng trưởng thành xuất hiện ở Nghệ An. Ảnh: Đ.T. |
Chính quyền địa phương đã đặt biển cảnh báo, thông báo đến các bản, xã và người dân hạn chế qua lại khu vực có voi xuất hiện để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, nhiều biện pháp xua đuổi voi như tập trung đông người rồi đánh chiêng, trống và dùng lửa nhưng chưa hiệu quả.
“2 con voi này là mẹ con, ở khu vực rừng tự nhiên nhiều năm qua song năm nay liên tục xuất hiện phá hoa màu và nhà dân khiến ai nấy đều lo lắng. Chúng rất dạn khi vào sát nhà dân giật cửa sổ, phá chum rượu, lục lọi đồ đạc… song không có biểu hiện quay lại tấn công người khi bị xua đuổi”, ông Đình nói và thống kê thiệt hại do voi rừng gây ra trong thời gian qua cho 9 hộ dân tại địa phương khoảng 150 triệu đồng.
Ông Đình cũng bày tỏ lo lắng về trường hợp voi rừng tấn công người ở các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Quỳ Hợp nên khi voi xuất hiện liên tục, địa phương đã thành lập 2 tổ phản ứng nhanh khoảng 10 người để xua đuổi, theo dõi đàn voi, cảnh báo cho người dân kịp thời.
UBND huyện Quỳ Châu cũng có văn bản gửi UBND tỉnh Nghệ An và sở, ngành liên quan hỗ trợ thêm kinh phí và dụng cụ để duy trì hoạt động của các tổ xua đuổi voi này. Tuy nhiên, về lâu dài, cần khảo sát, đánh giá, đưa ra giải pháp phù hợp để vừa đảm bảo cuộc sống người dân, vừa bảo tồn động vật hoang dã.
Khó di dời đàn voi đến nơi khác
Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, cho biết toàn tỉnh Nghệ An hiện ghi nhận có 5 đàn voi với khoảng 16 con. Đây là địa phương có số voi hoang dã lớn thứ 3 cả nước, sau Đắk Lắk và Đồng Nai.
Trong số 5 đàn voi thì có 3 đàn đơn lẻ, không còn khả năng phát triển. Voi phân bố chủ yếu ở huyện Anh Sơn (8 con), Con Cuông (1 con), Tương Dương (5 con), Quỳ Châu (2 con), Quỳ Hợp (1 con).
Voi vào sát nhà dân và di chuyển trên tỉnh lộ khiến người dân lo lắng. Ảnh: H.D. |
“Voi rừng không như động vật khác cứ bắn thuốc mê là có thể di chuyển đến nơi khác. Việc đưa voi đến môi trường mới cũng không khả thi vì phải đảm bảo về sinh cảnh, quy luật di chuyển, thành phần thức ăn của voi”, ông nói và cho biết đơn vị từng đặt vấn đề với các chuyên gia quốc tế về việc di chuyển các đàn voi đơn lẻ song đều được yêu cầu tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng vì rất khó thực hiện.
Theo ông Cường, từ năm 2013, Nghệ An đã có đề án Bảo tồn voi hoang dã với kinh phí hỗ trợ khoảng 87 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn kinh phí cho đề án mới thực hiện đến năm 2019, giải ngân khoảng 20 tỷ đồng. Ba năm qua, đề án gặp khó khăn vì thiếu nguồn vốn.
Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát nhìn nhận từ việc hai con voi liên tục xuất hiện phá hoa màu và vào sát nhà dân, ngành chức năng địa phương cần kiểm tra lại khu vực rừng voi sinh sống có bị phân mảnh hay ảnh hưởng ra sao, khiến nhu cầu thức ăn và quy luật di chuyển của đàn voi thay đổi.
“Hiện tại không có giải pháp nào phù hợp hơn để giữ đàn voi ở rừng ngoài việc giữ vững sinh cảnh, đảm bảo thức ăn cho đàn voi. Mặt khác là duy trì các tổ đội phản ứng nhanh để vừa xua đuổi, vừa cảnh báo cho người dân khi voi xuất hiện”, ông lý giải.
Ngành chức năng cảnh báo các khu vực voi rừng xuất hiện. Ảnh: Đình Tiệp. |
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, cũng bày tỏ voi là động vật ăn cỏ, việc thường xuyên xuất hiện ở nương rẫy, vào lục lọi nhà dân là để tìm muối, thức ăn. Hiện chưa ghi nhận việc voi xuất hiện có dấu hiệu tấn công người song điều này gây mất an toàn cho người dân địa phương.
“Trước mắt là xua đuổi, cảnh báo song về lâu dài, ngành chức năng cần di dời 2 cá thể voi này về rừng và khu vực có đàn voi khác để nhập đàn, tạo sinh cảnh cho voi, hạn chế xung đột với con người”, ông nói.
Theo ông Tuấn, trong đề án bảo tồn voi đã có, ngành chức năng cần phân chia nguồn kinh phí đều cho các vùng để thực hiện việc bảo tồn. Ngoài ra, các địa phương tuyên truyền cho người dân, khi voi rừng xuất hiện cần dùng kẻng, trống, gây tiếng động lớn hoặc đốt lửa để xua đuổi voi và không được dùng bất cứ biện pháp nào gây tổn thương đến loài động vật quý hiểm, nguy cấp này.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.