10h sáng ngày 10/12, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) bắt đầu mở bán vé trận chung kết AFF Cup lượt về giữa Việt Nam và Malaysia tại sân Mỹ Đình. Tương tự như lần bán vé trước cho trận bán kết, chỉ sau vài giây, hệ thống đã nhanh chóng tê liệt. Rất nhiều người không thể truy cập website hoặc nhận được thông báo đã hết vé.
Không mua được vé, nhiều cổ động viên tiếp tục tỏ ra ngán ngẩm với hệ thống bán vé của VFF do công ty cổ phần CMO-Z.com Runsystem vận hành. Công ty này từng là nhà tài trợ chính của đội tuyển quốc gia Việt Nam.
Bán qua trung gian, VFF phải chia sẻ 200 - 400 triệu đồng
"Biết là số lượng vé có hạn và số người mua rất đông nhưng mình vẫn ức chế khi đã chuẩn bị mấy chiếc điện thoại và laptop và đợi từ trước 10h mà thậm chí còn không truy cập được website.", Thanh Hải (23 tuổi, Hà Nội) bày tỏ thất vọng.
Cổ động viên này cũng chia sẻ cảm giác ngao ngán khi sau gần 2 tuần vẫn không thấy website có nâng cấp gì dù phải nhận nhiều phản ánh của người hâm mộ.
Với tình trạng tương tự như lần mở bán trước, nhiều ý kiến trên các diễn đàn tiếp tục nêu câu hỏi tại sao VFF vẫn không kết hợp với các đơn vị trung gian như sàn thương mại điện tử để bán vé khi các đơn vị này đã có sẵn hệ thống và kinh nghiệm cũng như tình hình vé sẽ minh bạch hơn.
Trong thực tế, giải đấu gần đây nhất trên sân Mỹ Đình là Cúp Vinaphone với sự tham gia của đội U23 Việt Nam đã được phân phối vé qua các trang thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Ticketbox.
Sơ đồ sân Mỹ Đình với các mệnh giá vé trên một website bán vé trực tuyến giải giao hữu Cúp Vinaphone có sự tham gia của U23 Việt Nam. |
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Tuấn Anh, CEO Ticketbox, cho biết khi phân phối vé, các đơn vị trung gian sẽ lấy doanh thu từ 5 - 10%, tùy theo số lượng và giá vé của sự kiện. "Con số này có thể là 15% nếu đơn vị bán vé phối hợp tổ chức thêm các hoạt động quảng cáo, truyền thông nhưng với những trận đấu của tuyển Việt Nam vốn đã quá "hot" thì chắc chắn không cần", ông Tuấn Anh nói.
Hiện VFF không công bố cụ thể số lượng của từng loại vé bán ra trong trận chung kết. Giả sử lượng vé các mệnh giá 200.000, 350.000, 500.000 và 600.000 đồng tương đương nhau, VFF sẽ phải chia sẻ doanh thu từ 200 đến 400 triệu đồng cho đơn vị bán vé trung gian.
Theo một số chuyên gia IT, việc thuê máy chủ dữ liệu để chịu tải hàng chục nghìn lượt truy cập cùng lúc như trang web bán vé của VFF cũng rất tốn kém. Đặc biệt, website này chỉ hoạt động vài lần trong 1 năm khi Đội tuyển Quốc gia thi đấu trên sân nhà.
Thực tế, trước vòng bán kết AFF Cup, website bán vé này mới chỉ hoạt động 2 lần gồm trận đấu vào tháng 11 năm ngoái (Việt Nam tiếp Afghanistan tại vòng loại Asian Cup 2019) khi số vé phát hành chỉ vào khoảng vài trăm và trận đấu vòng bảng AFF Cup 2018 gặp đội tuyển Malaysia với 3.700 vé được bán online.
Hệ thống bán vé của VFF mới chỉ hoạt động 2 lần trước vòng bán kết AFF Cup năm nay. |
Theo một chuyên gia công nghệ, phải cần ít nhất từ 2 - 3 tháng để hoàn thiện một hệ thống bán vé với số lượt truy cập cùng lúc lên tới hàng chục nghìn.
Nhìn sang các nước khác tham dự vòng đấu loại trực tiếp của AFF Cup năm nay, cả Philippines, Thái Lan và Malaysia cũng đều bán vé qua các đơn vị trung gian là smtickets.com, thaiticketmajor.com và tickethotline.com.my. Đây đều là những nền tảng chuyên phân phối vé các sự kiện thể thao lẫn âm nhạc.
Trước đó, ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF, từng cho biết: "Liên đoàn sẽ xem xét mọi phương án có thể trong thời gian tới. Nếu đơn vị trung gian nào có những phương án mua bán tốt hơn, VFF sẵn sàng nghiên cứu tính khả thi để phối hợp cùng".
VFF có lý khi không cho khán giả chọn chỗ
Đối với những người mua được vé của VFF, một trong những thắc mắc là chỉ biết mệnh giá vé chứ không hề biết được vị trí chỗ ngồi cho đến khi nhận vé. Tuy nhiên, việc cho khán giả lựa chọn số ghế khi bán vé online đối với một sự kiện thu hút như trận đấu của tuyển Việt Nam là điều rất khó.
"Hình dung trên sân có 10.000 chỗ và số lượt khán giả truy cập mua vé cùng lúc là vài chục nghìn hoặc cả trăm nghìn người, khi đó xác suất 2 người, 10 người hay 20 người chọn cùng một chỗ sẽ rất cao. Nếu không tính trước vấn đề này mà cứ để nhiều người chọn cùng một chỗ thì hệ thống sẽ bị lỗi khi khách hàng chuyển sang bước tiếp theo", ông Tuấn Anh cho biết.
Do đó việc chỉ cho khán giả lựa chọn mệnh giá vé là có lý.
Trước đó, khi được hỏi tại sao không thể chọn chính xác số ghế khi mua vé online, ông Lê Hoài Anh cho biết từng gặp khó khăn ngay từ khi bán 4.000 vé cho 2 trận tại vòng bảng: "Chúng tôi mất rất nhiều thời gian và công sức để so sánh, đối chiếu để tìm ra hàng ghế chính xác theo đơn đặt của khán giả. Việc để khán giả đặt chính xác số ghế ngồi chỉ phù hợp với những sự kiện nhỏ dưới 500 chỗ ngồi mà thôi".
Tuy nhiên, nhìn qua hệ thống bán vé trận bán kết lượt đi giữa Philippines và Việt Nam tại Bacolod, khán giả vẫn có thể chọn chỗ ngồi với số ghế cụ thể.
Hệ thống bán vé trực tuyến trận Philippines - Việt Nam cho phép khán giả chọn số ghế. Ảnh: Quang Thịnh. |
Nhờ vậy, người hâm mộ có thể biết chính xác, ít nhất là thấy trước mắt mình còn bao nhiêu ghế trống và những ghế nào đã được bán. Nhưng cũng cần phải nói thêm là sức chứa của sân Panaad tại Bacolod chỉ là 9.000 chỗ, nhỏ hơn rất nhiều so với 40.000 chỗ của sân Mỹ Đình.
Hơn nữa, người hâm mộ tại Philippines cũng không quá cuồng nhiệt khi có tới khoảng 4.000 ghế trống tại sân Panaad trong trận đấu ngày 2/12 vừa qua.
Trái ngược với Philippines, tại Malaysia, 30.000 vé trận chung kết với Việt Nam trên sân Bukit Jalil đã được bán sạch sau hơn 30 phút. Theo dự kiến, 40.000 trên tổng số 80.000 vé sẽ được bán qua mạng vào 2 ngày 7 và 8/12.
Tuy nhiên, vì Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) chạy thử nghiệm bán vé trước 30 phút nên vào thời điểm mở bán hôm 7/12, 20.000 vé theo dự kiến đều đã có chủ. Sau đó FAM phải xoa dịu dư luận bằng cách mở bán thêm 10.000 vé nhưng cũng nhanh chóng cháy hàng. Và đến hôm qua, toàn bộ 80.000 vé bán online và tại sân vận động đều đã hết.
Trước sự cố trên, nhiều khán giả Malaysia không khỏi bức xúc và tố hệ thống bán vé của Liên đoàn nước này không tôn trọng kế hoạch, bị nghẽn khi nhiều người truy cập hay thiếu mã QR.