Cả ba hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines, VietjetAir và Jetstar Pacific đều đã lần lượt tung ra các chương trình bán vé máy bay tết. Thậm chí Jetstar Pacific còn tung đến đợt bán vé tết lần thứ 2. Thế nhưng, theo các đại lý tình hình người hỏi mua vé tết rất ảm đạm.
Đi nước ngoài còn rẻ hơn
Nhân viên một đại lý vé máy bay quận Tân Bình (TP.HCM) cho biết những ngày qua, hầu hết khách hàng chỉ đến hoặc gọi điện để hỏi giá vé, sau đó lại quay về. Hầu như rất hiếm tìm được người mua vé ngay.
“Có một gia đình khách rất quen của đại lý từ nhiều năm nay, nhà có hai vợ chồng và hai con nhỏ. Khi chúng tôi báo giá vé, từ TP.HCM đi Hà Nội, vé hạng phổ thông một lượt là hơn 3 triệu đồng/khách thì chị này lẳng lặng đi về luôn. Vì chị tính cho cả gia đình tiền vé (khứ hồi) đã hết đến hơn 20 triệu đồng rồi. Mà trường hợp này gặp nhiều lắm. Vậy nên, đến giờ tình hình người mua vé tết chưa đông như mọi năm”, nhân viên đại lý nói.
Rất ít người hỏi mua vé bay tết, thế nhưng trên hệ thống bán vé của các hãng hàng không vẫn báo khan vé. |
Nhiều người dân còn có xu hướng thay vì về quê ăn tết lại chọn đi du lịch nước ngoài, vì giá vé đi nước ngoài còn rẻ hơn. Chị Nguyễn Quỳnh Trang (quận 2) nói: “Chúng tôi mua vé máy bay từ TP.HCM đi Bangkok (Thái Lan) chưa đến 3 triệu đồng/khứ hồi/người, rẻ bằng nửa so với bay ra Hà Nội”.
Chị Kiều Liên, nhân viên một đại lý vé máy bay ở quận Bình Thạnh cũng cho biết thêm, năm nay các hãng hàng không có mức giá bán tương đương nhau nên người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn. “Giá vé của hàng không giá rẻ cũng đương với giá vé của Vietnam Airlines”, chị Liên nói.
Hay là đại lý “ôm vé”?
Điều đáng ngạc nhiên là dù các đại lý đều than ít người mua nhưng tình trạng vé máy bay của các hãng lại có vẻ như rất khan hiếm.
Ngày 20/10, chúng tôi thử vào trang web bán vé của Vietnam Airlines thì nhận thấy có rất nhiều chuyến bay ở tình trạng hết vé. Thậm chí, nếu muốn mua vé thì chỉ còn mua hạng thương gia.
Chẳng hạn thử đặt vé từ TP.HCM đi Hà Nội của Vietnam Airlines vào ngày 25.1 (tức 25 âm lịch), hầu hết các chuyến bay trong ngày của hãng này đều ở tình trạng hết vé hạng phổ thông và chỉ còn hạng thương gia. Duy nhất, hai chuyến bay ban đêm là còn vé hạng phổ thông với mức giá hơn 3 triệu đồng/lượt/khách. Như vậy, nếu người dân muốn mua vé vào ngày này thì phải chấp nhận mua vé hạng thương gia với mức gần 6 triệu đồng/lượt/khách.
Chuyến bay vào các ngày 26, 27, 28 tháng 1 ở chặng TP.HCM - Hà Nội (của Vietnam Airlines) cũng xuất hiện tình trạng hết vé hạng phổ thông vào các chuyến bay ngày. Ở các hãng hàng không giá rẻ, tình trạng hết vé có vẻ như đỡ hơn, một số chuyến bay ngày vẫn còn vé vào ngày cao điểm.
Trước đó, trong thông cáo báo chí phát đi, Vietnam Airlines cho biết từ ngày 2.10 sẽ chính thức mở bán vé tết Nguyên đán 2014 và thực hiện thêm 835 chuyến bay tăng tải trên 9 đường bay có nhu cầu lớn. Vietnam Airlines nêu rõ trên đường bay từ TP.HCM- Hà Nội sẽ tăng thêm 385 chuyến, tương ứng tăng 23% so với lịch bay thường lệ. Đường bay TP.HCM - Đà Nẵng tăng thêm 218 chuyến, tương đương 26% so với ngày thường. Đối với các đường bay khác như TP.HCM - Thanh Hóa/Hải Phòng/Vinh/Nha Trang, hãng tăng khoảng 8%.
Với mức kế hoạch như trên thì kể ra phải có rất nhiều vé máy bay cho người dân. Hay là có tình trạng đại lý “ôm vé”?
Trao đổi với báo chí về tình trạng khan vé hiện nay, đại diện Vietnam Airlines cho biết, năm nay hãng sẽ không công bố bán cụ thể bao nhiêu vé vào mỗi đợt. Theo đó, vé sẽ từ từ được mở cho đến khi bán hết. Làm như vậy để Vietnam Airlines tránh tình trạng đại lý “ôm vé” và người dân chờ đợi đến phút chót mới mua.
Đại diện Vietnam Airlines cũng khẳng định không có chuyện đại lý “ôm vé” vì mỗi vé xuất ra phải đúng tên của hành khách.