Kenichiro Fumita (25 tuổi), VĐV đấu vật của Nhật, đã không thể ngừng khóc sau khi giành huy chương bạc trong trận chung kết Olympic, New York Times đưa tin.
"Tôi muốn trả ơn người hâm mộ và các tình nguyện viên tham gia tổ chức Olympic trong thời gian khó khăn này. Tôi xin lỗi vì kết quả đáng xấu hổ của mình", anh nghẹn ngào nói, đầu cúi rất thấp.
Cảnh tượng các VĐV Nhật khóc khi trả lời phỏng vấn sau trận đấu vì không về nhất đã trở nên quen thuộc đến đau lòng.
Ngay cả những người đã giành huy chương như Fumita cũng trăn trở rằng mình đã khiến đồng đội, người hâm mộ và cả đất nước thất vọng.
Kenichiro Fumita, đô vật Nhật Bản giành huy chương bạc, đã khóc và xin lỗi người hâm mộ. Ảnh: AFP. |
Kỳ vọng phải hoàn hảo
Xin lỗi vì đứng thứ hai trong giải đấu toàn thế giới có vẻ là một tiêu chuẩn cực đoan về thành công.
Nhưng với những VĐV Nhật Bản, những màn ăn năn đẫm nước mắt khi trả lời phỏng vấn thể hiện sự pha trộn phức tạp giữa cảm xúc hối tiếc, lòng biết ơn, tính trách nhiệm và khiêm tốn.
"Nếu không xin lỗi vì nhận được huy chương bạc, bạn có thể bị chỉ trích", Takuya Yamazaki, luật sư thể thao đại diện cho liên đoàn cầu thủ ở Nhật Bản, cho biết.
Ngay từ khi còn nhỏ, các vận động viên Nhật Bản "không được phép nghĩ rằng họ đang chơi thể thao vì chính mình", Yamazaki nói.
"Trong thời thơ ấu, họ cũng thường chịu nhiều kỳ vọng từ giáo viên, cha mẹ hoặc những người lớn khác. Vì vậy, cách suy nghĩ của họ có nguồn gốc sâu xa", anh cho biết.
Takeru Kitazono, VĐV thể dụng dụng cụ đứng thứ 6, cảm thấy hối tiếc vì không thể đạt kết quả cao hơn. Ảnh: New York Times. |
Kỳ vọng đặt vào các vận động viên thêm nặng nề lên bởi đại dịch Covid-19, khiến công chúng Nhật Bản không ủng hộ Thế vận hội trước khi sự kiện diễn ra.
Nhiều người cảm thấy áp lực phải có huy chương để chứng minh việc tổ chức Olympic là đúng đắn, nhất là khi nhiều người lo lắng trước số ca nhiễm SARS-CoV-2 đang gia tăng tại Nhật. Khi các VĐV không đạt được kỳ vọng, sự tiếc nuối dâng cao.
“Tôi thực sự chán nản với chính mình”, Kai Harada, VĐV leo núi thể thao, liên tục lau nước mắt trong cuộc phỏng vấn sau khi không thể lọt vào vòng chung kết.
Takeru Kitazono, VĐV thể dục dụng cụ đứng thứ 6 trong giải đấu, cố kìm nước mắt khi nói về những người ủng hộ mình. “Tôi muốn trả ơn bằng màn trình diễn của mình, nhưng thất bại”, anh nói.
Sau khi bị loại ở vòng 3 quần vợt đơn nữ, Naomi Osaka cho biết cô rất tự hào khi được đại diện Nhật Bản, những cũng nói thêm: "Tôi xin lỗi vì không thể đáp ứng kỳ vọng của mọi người".
Naomi Osaka xin lỗi vì không thể đáp ứng kỳ vọng của mọi người khi phải ra về từ vòng loại thứ 3. Ảnh: New York Times. |
Lời xin lỗi trong văn hóa Nhật Bản
Mặt khác, lời xin lỗi vốn là cách để những cuộc nói chuyện thêm mượt mà trong văn hóa Nhật Bản.
Khi bước vào nhà người khác, vị khách sẽ nói lời xin lỗi. Khi nghỉ phép, người đi làm thường xin lỗi vì làm phiền đồng nghiệp. Người lái tàu xin lỗi nếu chuyến tàu đến trễ một phút hoặc sớm vài giây.
Nhìn chung, những lời xin lỗi giống như quy ước giao tiếp hơn là hành động nhận trách nhiệm.
Đôi khi, chúng trở nên sáo rỗng. Các lãnh đạo công ty và chính trị gia thường cúi đầu trước ống kính để xin lỗi về vụ bê bối hoặc hành vi sai trái của họ. Tuy nhiên, họ thường không phải chịu hậu quả nào sau đó.
Cựu chủ tịch BTC Olympic Tokyo, Yoshiro Mori, từng cố gắng sử dụng lời xin lỗi để không phải từ chức sau khi đưa ra nhận xét phân biệt giới tính, nhưng thất bại khi một chiến dịch truyền thông rầm rộ đã hạ bệ ông.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản cho rằng lời xin lỗi của các VĐV, ngay cả khi chiến thắng, xuất phát từ bản năng được nuôi dưỡng từ thời thơ ấu.
“Người Mỹ rất giỏi tìm ra những điểm tốt ngay cả khi bạn thất bại. Nhưng ở Nhật Bản, dù thành công, bạn vẫn phải xin lỗi", Shinobu Kitayama, nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Michigan, cho biết.
Joy Hendry, nhà nhân chủng học kiêm tác giả cuốn sách “Hiểu về xã hội Nhật Bản”, cho biết lời xin lỗi cũng có thể được coi là biểu hiện ngầm của lòng biết ơn.
“Tôi nghĩ rằng các VĐV cảm thấy cần phải xin lỗi vì không đem về được thành tích tốt nhất cho những người đã đào tạo hoặc tài trợ họ", bà Hendry nói.
Đô vật Fumita (bên trái) của Nhật sau khi để mất huy chương vàng trong trận chung kết. Ảnh: AP. |
Katrin Jumiko Leitner, phó giáo sư ngành quản lý thể thao và chăm sóc sức khỏe tại Đại học Rikkyo (Saitama, Nhật Bản), cho biết hành động xin lỗi xuất phát một phần từ phong cách huấn luyện khắc nghiệt ở nước này.
Lần đầu tiên đến Nhật Bản để tập huấn judo, Leitner đã bị sốc bởi ngôn ngữ dữ tợn của các huấn luyện viên.
"Nếu đó là cách để trở thành nhà vô địch Olympic, tôi sẽ bỏ cuộc. Họ không đối xử với các VĐV như con người", cô nói.
Một số vận động viên Nhật Bản đã phải hứng chịu sự chỉ trích của công chúng vì không thể hiện đủ khiêm tốn.
Yuko Arimori, VĐV marathon từng giành huy chương đồng ở giải đấu tại Atlanta (Mỹ) năm 1996, bị truyền thông Nhật Bản nhận xét là kiêu căng sau khi tuyên bố rằng cô tự hào về bản thân.
Arimori hiểu rằng các VĐV liên tục xin lỗi để thể hiện lòng biết ơn. Tuy nhiên, cô nói thêm: "Tôi nghĩ người hâm mộ biết các VĐV đã làm việc chăm chỉ. Vì vậy, họ không cần phải xin lỗi".