Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao tư vấn giám sát siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ bị 'tuýt còi'?

Nếu văn bản TVGSHĐ ban hành bình thường thì việc dùng chữ ký khắc dấu sẽ bị vô hiệu, không xử lý trách nhiệm. Với văn bản có nội dung tố cáo thì phải điều tra, xử lý theo luật.

Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa có công văn gửi Trung tâm chống ngập, khẳng định hàng chục văn bản của Đoàn tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” (gọi tắt dự án chống ngập do triều) gửi UBND TP.HCM và các cơ quan chức năng không phù hợp với quy định của pháp luật.

Cụ thể, từ ngày 14/7, ông L. Fernando Requena, Trưởng đoàn TVGSHĐ tự ý rời Việt Nam. Tuy nhiên, TVGSHĐ vẫn phát hành hàng loạt văn bản dùng chữ ký khắc dấu của ông này.

du an chong ngap 10.000 ty anh 1
Dự án chống ngập do triều đang bị "treo" do ngân hàng cho vay tạm ngừng giải ngân. Ảnh: Lê Quân.

"Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định nếu văn bản đã phát hành sử dụng dấu chữ ký của người có thẩm quyền ký nhưng người đó vắng mặt và không ký trực tiếp vào bản gốc văn bản lưu tại văn thư cơ quan, tổ chức thì không phù hợp với quy định của pháp luật”, công văn của Bộ Tư pháp nêu.

Xét nội dung văn bản để truy trách nhiệm

Trao đổi với Zing.vn, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết việc Bộ Tư pháp khẳng định hành vi của TVGSHĐ không có giá trị pháp lý là điều chính xác. Theo quy định, việc ký văn bản phải do người có thẩm quyền trực tiếp ký hoặc những người được giao ký thay, ký thừa ủy quyền, ký thừa lệnh trực tiếp.

Khi phát hành văn bản thì phải lưu bản gốc văn bản có chữ ký trực tiếp của người có thẩm quyền. Các văn bản đã phát hành sử dụng dấu chữ ký chỉ hợp pháp khi có nội dung giống với bản gốc văn bản lưu tại văn thư cơ quan, tổ chức đã được người có thẩm quyền duyệt và ký trực tiếp trước khi phát hành.

Luật sư Trần Đình Dũng (Hội Luật gia TP.HCM) nói thêm chữ ký khắc dấu thường được sử dụng trong hoạt động thương mại và nó có giá trị ở một số nước. Pháp luật Việt Nam hiện không thừa nhận loại chữ ký này.

"Trong trường hợp này, cần phải xác định TVGSHĐ có phải là tổ chức do nước ngoài thành lập hay không. Nếu đây chỉ là tổ chức ở Việt Nam và trưởng đoàn là người nước ngoài thì việc TVGSHĐ dùng chữ ký dấu sẽ không có cơ sở chấp nhận", luật sư Dũng cho biết.

Trong số hơn 30 văn bản mà TVGSHĐ đã dùng chữ ký đóng dấu ban hành, đáng chú ý có văn bản số HTFC-SCFC/LO-18-068 gửi Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM, tố cáo một số nhân viên tư vấn bị đe dọa, phải sống trong trạng thái bất an vì đang làm việc cho Liên danh TVGSHĐ.

Theo luật sư Dũng, nếu các văn bản được ban hành bình thường thì khi hình thức không đúng sẽ bị vô hiệu, không truy cứu trách nhiệm. Tuy nhiên, với các văn bản ban hành có nội dung như tố cáo thì phải được điều tra, xử lý theo Luật Tố cáo.

du an chong ngap 10.000 ty anh 2
Dự án chống ngập đang bị buộc phải tạm dừng thi công từ ngày 27/4 khi đã hoàn thành 72% khối lượng. Ảnh: Lê Quân.

Luật sư Hùng đồng tình, cho rằng cần xem xét nội dung những văn bản ban hành sai luật đó là gì? Đã tiến hành thực hiện công việc hay đã gây ra hậu quả? Nếu chưa gây thiệt hại và không nguy hiểm thì có thể sẽ bị vô hiệu và bãi bỏ chứ không truy trách nhiệm.

Ngược lại, nếu gây hậu quả dẫn đến những việc như ngân hàng chậm giải ngân cho dự án, dự án bị ngưng trệ,... gây thiệt hại thì TVGSHĐ có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự.

"Cơ quan chức năng cần điều tra, xác minh nguyên nhân, mục đích, động cơ và tính chất vi phạm để có thể xử lý mặt hành chính, dân sự và thậm chí là hình sự", luật sư Hùng nêu quan điểm.

Bị đề nghị rút giấy phép vì nợ thuế

Vừa qua, Cục Thuế TP.HCM cũng có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận và giấy phép hoạt động của Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt Việt Nam vì nợ thuế, chậm nộp và tiền phạt lên đến 22 tỷ đồng. Trước đó, Cục Thuế đã 3 lần ra văn bản tạm ngưng sử dụng hóa đơn đối với công ty này.

Theo quy định tại Điều 4, Thông tư 215/2013/TT-BTC hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM sẽ ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép thành lập hoạt động, giấy phép hành nghề của Công ty Meinhardt Việt Nam. Nếu không thực hiện yêu cầu của công văn, Sở Kế hoạch Đầu Tư phải thông báo lý do không thu hồi các giấy phép trên bằng văn bản.

Tuy nhiên, gần 1 tháng trôi qua vẫn chưa có thông tin về việc rút giấy phép của Công ty Meinhardt Việt Nam.

du an chong ngap 10.000 ty anh 3
Công ty Meinhardt Việt Nam, 1 trong 3 công ty thuộc Liên danh TVGSHĐ bị đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh do nợ thuế. Ảnh: Lê Quân.

Theo luật sư Võ Anh Loan (Đoàn Luật sư TP.HCM), pháp luật quy định khi doanh nghiệp nợ thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp cưỡng chế để truy thu chứ không bị xử lý hình sự. Chỉ có thể xử lý hình sự trong trường hợp doanh nghiệp có hành vi trốn thuế tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và số tiền trốn thuế.

Việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập và hoạt động được thực hiện khi cơ quan thuế không áp dụng được các biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng, yêu cầu phong tỏa tài khoản.

Cơ quan chức năng thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật; Thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ hoặc đã áp dụng các biện pháp này nhưng vẫn chưa thu đủ số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế.

Dự án chống ngập có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu nằm trong 7 Chương trình đột phá được Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2015-2020 thông qua.

Tiến độ thực hiện theo hợp đồng BT giữa UBND TP.HCM và Tập đoàn Trung Nam là 36 tháng (từ năm 2016 - 2019). Tuy nhiên, sau đó lãnh đạo thành phố chỉ đạo rút ngắn tiến độ xuống còn 22 tháng.

Quy mô dự án bao gồm 6 cống kiểm soát triều lớn với khẩu độ từ 40-160 m là Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định; cùng hạng mục đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh dài 7,8 km đê - kè, bảo vệ các đoạn xung yếu, các cống nhỏ dưới đê với khẩu độ 1-10 m.

Bên cạnh 7 hạng mục chính là xây dựng các nhà quản lý cho dự án, kết hợp với hệ thống SCADA và quan trắc ở nhiều khu vực thuộc dự án.

Bộ Tư pháp ‘thổi còi’ tư vấn giám sát siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ

Bộ Tư pháp khẳng định Trưởng đoàn tư vấn không ở Việt Nam nhưng Đoàn tư vấn giám sát hợp đồng phát hành hơn 30 văn bản liên quan đến siêu dự án chống ngập là không đúng quy định.

Hoài Thanh

Bạn có thể quan tâm